33 thành phố của Trung Quốc - bao gồm 8 trung tâm cấp tỉnh và thành phố lớn - đã được đặt dưới cấp độ phong tỏa thấp nhất, làm gián đoạn cuộc sống của ước tính 65 triệu cư dân, Guardian đưa tin ngày 5/9.
Các biện pháp bao gồm đóng cửa văn phòng, trường học, địa điểm vui chơi giải trí, cửa hàng và dịch vụ không thiết yếu. Nhân viên văn phòng và công chức được yêu cầu làm việc tại nhà, trong khi học sinh học trực tuyến.
Bệnh viện vẫn mở cửa nhưng các phòng khám chuyên khoa và nha khoa phải đóng cửa. Các hiệu thuốc bị cấm bán thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus cùng thuốc trị sốt và ho.
Lệnh bán phong tỏa đã được áp đặt đối với các thành phố giàu có phía nam là Quảng Châu và Thâm Quyến, cũng như thành phố Tây Ninh cạnh Cao nguyên Tây Tạng và thành phố phía bắc Thạch Gia Trang cùng Cáp Nhĩ Tân.
Người dân xếp hàng để xét nghiệm ở Thành Đô vào ngày 3/9. Ảnh: Future Publishing. |
Đô thị Thành Đô ở phía tây với dân số 21 triệu người, cùng thành phố Quý Dương, Lhasa ở Tây Tạng và Urumqi ở Tân Cương cũng rơi vào tình trạng bán phong tỏa.
Theo dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc, 349 ca mắc Covid-19 mới đã được báo cáo vào ngày 4/9, nâng tổng số trường hợp được xác nhận trên 31 tỉnh và thành phố lên 6.227.
Mặc dù phần lớn thế giới đã chọn cách sống chung với virus, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn nhiều lần cam kết nước này tuân theo chính sách “Zero Covid-19”.
Đợt phong tỏa mới diễn ra trong bối cảnh đảng Cộng sản Trung Quốc sắp tổ chức đại hội lần thứ 20 vào ngày 16/10.
Chủ tịch Tập Cận Bình đã ra lệnh cho các nhà chức trách cân bằng giữa chính sách “Zero Covid-19” và tăng trưởng kinh tế, mặc dù báo cáo cho thấy các thành phố Trung Quốc có khu vực bị phong tỏa chiếm 35% tổng GDP.
Các biện pháp kéo dài và thường không thể đoán trước đã khiến nhiều người dân bức xúc. Một số phàn nàn rằng việc phong tỏa nhiều lần đã ảnh hưởng đến sinh kế của họ trong khi những người khác bày tỏ lo lắng về việc cha mẹ già không thể ra ngoài khi chưa xét nghiệm.