Các cuộc không kích của Israel phá hủy khu dân cư tại Dải Gaza ngày 6/8. Ảnh: Guardian. |
Israel và các chiến binh Palestine ở Dải Gaza hôm 5 và 6/8 giao tranh quyết liệt trong đợt bạo lực xuyên biên giới tồi tệ nhất kể từ cuộc xung đột thảm khốc kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas năm 2021.
Các cuộc không kích của Israel khiến 24 người thiệt mạng, trong đó có chỉ huy cánh vũ trang Saraya al-Quds thuộc tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine.
Các chiến binh phía Palestine trả đũa bằng một loạt rocket phóng về phía các thành phố Israel.
Dưới đây là một số điểm chính về cuộc xung đột mới nhất này.
Trong cái bóng của Hamas
Lực lượng Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) là một trong hai nhóm chiến binh Palestine chính ở Dải Gaza và có quân số thấp hơn nhiều so với Hamas.
Tuy nhiên, PIJ có hỗ trợ tài chính cũng như sự hậu thuẫn quân sự trực tiếp từ Iran, và trở thành lực lượng chủ chốt tham gia vào những cuộc tấn công bằng tên lửa cùng các cuộc đối đầu khác với Israel.
Hamas, đã giành quyền kiểm soát Gaza vào năm 2007 từ chính quyền Palestine được quốc tế công nhận, thường bị hạn chế về khả năng hành động vì lực lượng này phải chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động hàng ngày của vùng lãnh thổ nghèo khó này.
PIJ không phải cáng đáng những trách nhiệm như vậy và đã nổi lên như một phe chủ chiến hơn, thậm chí đôi khi làm suy yếu quyền lực của Hamas.
Nhóm này ra đời vào năm 1981 với mục đích thành lập một nhà nước Palestine Hồi giáo ở Bờ Tây, Gaza và những nơi ngày nay là Israel.
Bộ Ngoại giao Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số chính phủ khác liệt PIJ vào danh sách tổ chức khủng bố.
PIJ cũng có chung mục tiêu với Hamas là chống lại Israel.
Liên hệ với Iran
PIJ được Iran trợ giúp về đào tạo, chuyên gia và tiền bạc, nhưng hầu hết vũ khí của nhóm này đều được sản xuất trong nước.
Trong những năm gần đây, PIJ đã phát triển một kho vũ khí ngang bằng Hamas, với các tên lửa tầm xa hơn có khả năng tấn công khu vực trung tâm thủ đô Tel Aviv của Israel.
Còi báo động không kích đã vang lên ở các vùng ngoại ô ngay phía nam Tel Aviv hôm 5/8, mặc dù dường như không có tên lửa nào bắn trúng khu vực này.
Mặc dù căn cứ chính của PIJ là Gaza, lực lượng này cũng có đội ngũ lãnh đạo ở Beirut và Damascus, những nơi vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với các quan chức Iran.
Ziad al-Nakhalah, lãnh đạo cao nhất của PIJ, đang có mặt tại Tehran để gặp gỡ các quan chức Iran khi Israel bắt đầu chiến dịch không kích ở Gaza hôm 5/8.
Các chỉ huy của PIJ thành mục tiêu ám sát
Đây không phải là lần đầu tiên Israel giết các thủ lĩnh PIJ ở Gaza. Vị chỉ huy PIJ mà Israel đã tiêu diệt hôm 5/8, ông Taiseer al-Jabari, là lãnh đạo kế nhiệm của Bahaa Abu el-Atta, người bị Israel giết trong một cuộc tấn công năm 2019.
Cái chết của Bahaa Abu el-Atta là vụ ám sát cấp cao đầu tiên do Israel gây ra đối với PIJ kể từ cuộc chiến năm 2014 ở Dải Gaza.
Ông Al-Jabari, 50 tuổi, là thành viên "hội đồng quân sự" của PIJ, cơ quan ra quyết định của nhóm ở Gaza.
Ông phụ trách các hoạt động của các chiến binh PIJ ở thành phố Gaza và phía bắc Dải Gaza trong cuộc xung đột năm 2021. Israel cho biết vị chỉ huy này đang chuẩn bị thực hiện một cuộc tấn công bằng tên lửa chống tăng nhằm vào Israel.
Cái chết của Al-Jabari xảy ra sau vụ Israel bắt giữ Bassam al-Saadi - một chỉ huy cấp cao của PIJ ở Bờ Tây vào đầu tuần này.
Bassam al-Saadi, 62 tuổi, là một quan chức cấp cao của PIJ ở phía bắc Bờ Tây. Theo truyền thông Israel, al-Saadi đang nỗ lực để mở rộng phạm vi tiếp cận của nhóm ở Bờ Tây và tăng cường năng lực của nhóm.
Al-Saadi đã ngồi tù tổng cộng 15 năm ở Israel (chia làm nhiều lần). Hai người con trai của ông - đều là các chiến binh PIJ - đã bị phía Israel sát hại trong hai vụ riêng biệt vào năm 2002. Nhà của al-Saadi bị phá hủy trong một cuộc tấn công ác liệt ở thành phố Jenin, thuộc Bờ Tây trong cùng năm.
Zvika Haimovich, cựu lãnh đạo lực lượng phòng không của quân đội Israel, cho biết: “Một khi bạn bắn trúng chỉ huy, điều đó sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến toàn bộ tổ chức”.
“Điều đó ngay lập tức gây hỗn loạn lớn trong PIJ”, ông nhấn mạnh.
Sự cân bằng mong manh
Kể từ khi nắm quyền kiểm soát ở dải Gaza vào năm 2007, Hamas đã chiến đấu trong bốn lần xung đột lớn với Israel, thường là với sự hỗ trợ của các chiến binh PIJ. Ngoài cuộc xung đột bùng phát vào đầu năm nay, ranh giới hầu như yên tĩnh kể từ cuộc xung đột chết chóc kéo dài 11 ngày năm 2021 và Hamas dường như đang đứng ngoài cuộc giao tranh hiện nay.
Các chiến binh PIJ đã thách thức Hamas bằng cách bắn tên lửa, mà không tuyên bố nhận trách nhiệm, để nâng cao vị thế của tổ chức này đối với người Palestine trong khi Hamas duy trì lệnh ngừng bắn. Israel quy trách nhiệm cho Hamas về tất cả vụ bắn tên lửa từ Gaza.
Hamas phải “đi trên dây” giữa một bên là kiềm chế lửa phẫn nộ của PIJ với Israel trong khi cố gắng tránh đụng chạm với nhóm này để không khiến cho người Palestine giận dữ. Cũng giống như những lần bùng phát xung đột trước đó, Hamas sẽ là bên có tiếng nói cuối cùng trong việc quyết định xung đột kéo dài bao lâu và ở mức độ nào.
Tác động tới cuộc bầu cử mùa thu
Cuộc giao tranh hiện tại diễn ra khi Israel đang sa lầy vào một cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, khiến cử tri nước này vào mùa thu sẽ phải đi bỏ phiếu lần thứ năm trong vòng chưa đầy bốn năm.
Thủ tướng lâm thời Israel Yair Lapid lên nắm quyền vào mùa hè vừa qua sau khi chính phủ đa dạng về hệ tư tưởng mà ông đã giúp thành lập sụp đổ, châm ngòi cho cuộc bầu cử mới.
Ông Lapid, cựu người dẫn chương trình truyền hình và là một nhà văn trung dung, thiếu nền tảng an ninh mà nhiều người Israel coi là cần thiết cho vai trò lãnh đạo của đất nước.
Vận may chính trị của ông có thể phụ thuộc vào cuộc giao tranh hiện tại, sẽ tăng lên nếu ông có thể chứng tỏ năng lực lãnh đạo, hoặc ông sẽ mất điểm nếu để giao tranh kéo dài giữa lúc người dân Israel đang cố gắng tận hưởng những tuần cuối cùng của mùa hè.
Trong cuộc bầu cử sắp tới, ông Lapid hy vọng sẽ cạnh tranh được với cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu, vốn có thế mạnh an ninh những đang bị xét xử vì cáo buộc tham nhũng.