Hàng chục người đã tập trung tại thành phố Sevastopol của Crimea hôm 15/4 để bày tỏ niềm thương tiếc đối với soái hạm Moskva vừa bị chìm.
Moscow cho biết con tàu bị chìm trong vùng biển bão, sau khi bị hư hại nặng do một vụ hỏa hoạn dẫn đến nổ kho đạn. Trong khi đó, Ukraine nói rằng tên lửa của họ đã bắn trúng con tàu hôm 14/4. Chưa có bên độc lập nào xác minh tuyên bố của hai bên.
Các bên nói gì?
Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania, Arvydas Anusauskas cho biết soái hạm Moskva của Nga đã gửi đi cuộc gọi cứu nạn vào ban đêm, trước khi bị chìm hoàn toàn.
Theo ông Anusauskas, vào lúc 1h14 ngày 14/4 (theo giờ địa phương), con tàu bị nghiêng sang một bên và sau nửa giờ, toàn bộ tàu mất điện. Vào lúc 2h, tàu Thổ Nhĩ Kỳ đã sơ tán 54 thủy thủ. Đến khoảng 3h, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania báo cáo tàu bị đắm hoàn toàn.
“Hiện chưa rõ thiệt hại về người trong vụ đắm tàu, thời điểm gặp nạn có khoảng hơn 500 thủy thủ trên tàu”, ông Anusauskas đăng trên Facebook hôm 15/4.
Điện Kremlin chưa đưa ra bình luận về tình hình thương vong sau vụ đắm tàu, và cũng không công bố bất cứ bức ảnh nào về con tàu bị nạn.
Tuy nhiên, một bài báo do TASS đăng tải ban đầu tuyên bố "toàn bộ thủy thủ đoàn" đã được sơ tán lên các tàu khác của Hạm đội Biển Đen. Sau đó, bài viết đã được chỉnh sửa và xóa bỏ từ “toàn bộ”.
Quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng có thương vong trên tàu Moskva sau vụ phóng tên lửa, nhưng khó đánh giá chính xác con số. Mỹ cũng quan sát được thuyền viên trên tàu đã được sơ tán qua những con tàu gần đó.
Một báo cáo chưa được xác nhận của Ukraine cho biết 14 thủy thủ đã được đưa đến cảng Sevastopol của Crimea. Nhưng Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Anton Gerashchenko cho hay đại tá Anton Kuprin, chỉ huy soái hạm Moskva chìm ở Biển Đen, đã tử nạn khi tàu bị cháy.
Số phận của nhiều người khác vẫn chưa rõ.
Không gây ảnh hưởng nhiều?
Theo AFP, việc tàu Nga bị đánh chìm hầu như không có khả năng thay đổi cục diện cuộc xung đột Ukraine, nhưng Bộ Quốc phòng Anh cho biết tổn thất của nước này có khả năng khiến Nga xem xét lại tình hình lực lượng hải quân của mình ở Biển Đen.
Các quan chức Mỹ giấu tên nhận định mặc dù vụ chìm tàu sẽ có tác động tới hải quân Nga, nhưng nó khó tác động lớn đến diễn biến của cuộc xung đột khi hải quân Nga cho đến nay vẫn chưa đóng vai trò lớn.
Con tàu chủ yếu có giá trị biểu tượng, tôn vinh "hơn là giá trị thực chiến. Nói tóm lại, (việc Moskva chìm) không liên quan gì đến hoạt động hiện tại. Nó sẽ không ảnh hưởng gì đến diễn biến cuộc xung đột", nhà phân tích quân sự Nga Alexander Khramchikhin cho biết.
Moskva là tàu chiến đời cũ hơn, không được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất, chuyên gia quân sự H.I.Sutton cho biết hôm 7/4. Vì vậy, không như các loại tàu khác, Moskva không đóng vai trò trực tiếp trong những chiến dịch vào Ukraine.
Sau vụ chìm tàu Moskva, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã phóng tên lửa tầm xa chính xác cao Kalibr vào nhà máy Vizar.
Đây là nhà máy sản xuất các loại tên lửa phòng không và tên lửa chống ngầm cho Ukraine, cũng là nơi Ukraine chế tạo tên lửa Neptune - tên lửa mà nước này tuyên bố bắn trúng tàu, theo AFP.
Vai trò quan trọng
Moskva dài 186 m, là tàu chiến lớp Slava, được đưa vào biên chế Hạm đội Biển Đen từ năm 1982, theo TASS.
Dù con tàu không tác động nhiều đến “chiến dịch quân sự Ukraine", quan chức Lầu Năm góc cho rằng việc mất một trong ba tàu tuần dương lớp Slava duy nhất của Moscow có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động của hải quân Nga ở Biển Đen.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết tàu Moskva “đóng vai trò quan trọng như tàu chỉ huy và phòng không”.
Nga có các hệ thống phòng không mạnh mẽ được triển khai ở Crimea mà nước này đã thu giữ vào năm 2014, nhưng tàu Moskva có thể cung cấp năng lực bảo vệ phòng không tầm xa và cơ động cho toàn bộ Hạm đội Biển Đen, cũng như đóng vai trò là trung tâm chỉ huy và kiểm soát nổi.
Vì vậy, việc đánh mất con tàu làm suy giảm đáng kể khả năng phòng không của hạm đội, đặc biệt là trong các nhiệm vụ tầm xa. Moscow có khả năng sẽ phải xem xét lại "vị thế hàng hải" của mình ở Biển Đen, Bộ Quốc phòng Anh cho biết.
Con tàu từ thời Liên Xô đã trải qua quá trình tái trang bị và chỉ mới được đưa trở lại hoạt động vào năm 2021. Lần gần nhất Nga mất tàu tuần dương chủ lực là vào năm 1904, khi tàu Petropavlovsk bị bắn trong cuộc chiến Nga - Nhật.