Việc người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào Điện Capitol ngày 6/1 là một thất bại thảm hại về mặt an ninh.
Tại tòa nhà có lực lượng an ninh riêng gồm 1.700 người, trong một thành phố đang cảnh giác cao độ, người biểu tình lại có thể xâm phạm chốn linh thiêng của nền dân chủ Mỹ.
Không ai ngăn họ lại. Trong các video, một số sĩ quan dường như tránh đường để những người biểu tình ùa vào.
Các quan chức thực thi pháp luật đương nhiệm và về hưu nhận định Cảnh sát Capitol và những cơ quan khác không lường trước được quy mô và ý định của đám đông.
Kính của tòa nhà Quốc hội Mỹ bị đập vỡ trong vụ bạo loạn. Ảnh: Reuters. |
Trên đường phố Washington, cơ quan thực thi pháp luật liên bang và Lực lượng Vệ binh Quốc gia không xuất hiện nhiều. Trước đó, trong những cuộc biểu tình vào mùa hè sau cái chết của George Floyd, lực lượng này có mặt ở khắp nơi.
Tại Điện Capitol, cảnh sát chỉ dựng những rào chắn thấp. Họ cũng không mặc trang phục chống bạo động.
Họ đã chuẩn bị để kiểm soát biểu tình, nhưng không phải để ngăn một cuộc tấn công, giới chức cho biết.
Các chuyên gia thực thi pháp luật cũng bối rối với chiến thuật cảnh sát sử dụng khi đám đông đã ở trong Điện Capitol.
"Phim kinh dị ngoài đời thực"
Một phụ nữ bị bắn chết khi Cảnh sát Capitol cố ngăn người biểu tình xâm nhập vào tòa nhà. Tuy vậy, những sĩ quan khác dường như chỉ đứng nhìn cảnh hỗn loạn.
Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một sĩ quan chụp ảnh selfie với người biểu tình. Trong một video, cảnh sát dường như mở cửa hàng rào an ninh để người biểu tình tiến lại gần hơn.
Những điều này dẫn đến một cuộc tấn công. Và thế giới chứng kiến biểu tượng cho sức mạnh của nước Mỹ, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt, rơi vào hỗn loạn với tốc độ đáng kinh ngạc.
“Giống như đang xem một bộ phim kinh dị ngoài đời thực. Chúng tôi huấn luyện, lên kế hoạch và tính toán ngân sách mỗi ngày để chuyện này không xảy ra”, Kim Dine, người đứng đầu Cảnh sát Capitol giai đoạn 2012-2016, nói với Washington Post.
Ông Dine ngạc nhiên khi thấy Cảnh sát Capitol để những người bạo loạn tập trung gần tòa nhà, ở bậc thềm của Điện Capitol. Ông cũng không hiểu vì sao những người này không ngay lập tức bị bắt khi lọt vào trong.
Các nghị sĩ được sơ tán ngày 6/1. Ảnh: AP. |
Ngay sau khi vụ nổ súng xảy ra, Cảnh sát D.C. tiếp nhận việc di dời đám đông khỏi khuôn viên Điện Capitol. Thị trưởng D.C. Muriel E. Bowser, đảng viên Dân chủ, cho biết Cảnh sát Capitol đã yêu cầu lực lượng của D.C. hỗ trợ để “lập lại trật tự trong tòa nhà quốc hội”.
Trong khi đó, Cảnh sát Capitol phụ trách sơ tán các nghị sĩ và xua đuổi những người biểu tình đã vào trong tòa nhà.
Chỉ có vài người bị bắt trong vụ bạo loạn vì cảnh sát không có đủ lực lượng dự phòng, Washington Post dẫn lời một quan chức thực thi pháp luật.
“Không có đủ nhân sự để làm mọi thứ”, người này cho biết.
"Sẽ có người bị sa thải"
Phản ứng của Cảnh sát Capitol ngày 6/1 hoàn toàn tương phản với cách lực lượng này xử lý những mối đe dọa gần tòa nhà trong quá khứ.
Năm 2013, Cảnh sát Capitol và Cơ quan Mật vụ nổ súng vào một chiếc xe được cho là đâm vào hàng rào an ninh. Người lái xe, Miriam Carey, một chuyên viên nha khoa, thiệt mạng. Con gái bà Carey ngồi sau xe may mắn sống sót.
Cảnh sát Capitol không trả lời câu hỏi về cách bố trí lực lượng, lên kế hoạch bảo vệ hay xử lý vụ bạo loạn ngày 6/1.
Đến tối 6/1, Cảnh sát D.C. cho biết đã bắt giữ 52 người, trong đó có 47 người xâm nhập trái phép và vi phạm lệnh giới nghiêm.
Không có thành viên quốc hội nào bị thương. Sau sự cố, nhiều nghị sĩ cảm ơn Cảnh sát Capitol và các lực lượng khác đã giữ an toàn cho họ.
Tuy nhiên, nhiều người cũng choáng váng khi phải tìm chỗ nấp trong lúc văn phòng của họ bị người biểu tình lục lọi, còn các cảnh sát ở Hạ viện đứng sau rào chắn, chĩa súng vào cửa.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Tim Ryan của Ohio, chủ tịch ủy ban phụ trách ngân sách của Cảnh sát Capitol, ngày 6/1 nói sẽ có người bị sa thải vì sự cố vừa qua.
“Không ai được đến gần Capitol. Bạn có thể đứng ở một khoảng cách hợp lý để phản đối và thể hiện quan điểm, nhưng không ai được vào Quảng trường Capitol, không ai được đi trên bậc thang của tòa nhà Quốc hội Mỹ. Đó là phạm pháp, những người đó phải bị bắt ngay lập tức”, ông Ryan nói với các phóng viên.
“Một số người sẽ sớm thất nghiệp sau vụ này”, nghị sĩ này nói thêm.
Các sĩ quan trang bị vũ khí cùng nhân viên mật vụ đứng gác trong Điện Capitol sau khi đã lập lại được trật tự. Ảnh: Reuters. |
Quốc hội Mỹ tự kiểm soát lực lượng an ninh ở Capitol. Họ đã bỏ hàng trăm triệu USD để tăng cường an ninh cho khu phức hợp này.
Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, Quốc hội Mỹ cũng tăng số thành viên trong Cảnh sát Capitol từ 800 lên 2.000, tương đương lực lượng cảnh sát của các thành phố lớn như Atlanta và Cleverland. Mỗi năm, Cảnh sát Capitol tiêu tốn khoảng 460 triệu USD.
Lãnh đạo hiện tại của Cảnh sát Capitol, Steven A. Sund, có 25 năm kinh nghiệm trong lực lượng của DC. Ông Sund cũng là “chuyên gia trong lĩnh vực xử lý sự cố”, theo sơ yếu lý lịch.
"Cảnh sát đâu rồi?"
Một số cảnh sát của Quốc hội Mỹ không thể làm nhiệm vụ vào ngày 6/1 vì mắc Covid-19 hoặc phải cách ly sau khi bị phơi nhiễm. Tuy nhiên, giới chức thực thi pháp luật nói Cảnh sát Capitol và các cơ quan khác đã đánh giá thấp mối đe dọa từ những người ủng hộ ông Trump, dù Cảnh sát D.C. báo động về tình hình.
Cảnh sát D.C. tuần tra đường phố xung quanh Điện Capitol nhưng không có vai trò nào trong việc bảo vệ tòa nhà. Những ngày gần đây, họ đã theo dõi số người đặt xe vào D.C. và đọc lời kêu gọi của ông Trump.
“Lúc đó, chúng tôi nhận ra đám đông này sẽ lớn hơn bất cứ thứ gì chúng tôi từng xử lý”, một quan chức cấp cao của D.C. cho biết.
Tuy vậy, khi người biểu tình bắt đầu đổ về Washington sáng 6/1, Cảnh sát Capitol vẫn trấn an Cảnh sát D.C. rằng họ tự tin với các thiết lập an ninh của mình.
Các nhân viên thực thi pháp luật liên bang cũng được triển khai với số lượng hạn chế quanh Washington. Quan chức D.C. không muốn lặp lại cảnh tượng ở Quảng trường Lafayette vào mùa hè năm trước, khi người biểu tình phải rời đi để nhường đường cho tổng thống.
Quan chức Lầu Năm Góc cũng không muốn lực lượng của họ xuất hiện rầm rộ. Trước đó, trong các cuộc biểu tình George Floyd, Vệ binh Quốc gia bị chỉ trích khi tuần tra đường phố D.C.
Trước ngày 6/1, Bộ Quốc Phòng chấp thuận yêu cầu điều thêm 340 thành viên Vệ binh Quốc gia của D.C. với điều kiện họ không mang súng và chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ, như điều phối giao thông.
Đến giữa ngày, ông Trump phát biểu trước đám đông người ủng hộ, kêu gọi họ tuần hành đến Điện Capitol, nơi Quốc hội đang họp để xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.
Khi đến đó, họ gặp hàng rào của Cảnh sát Capitol dựng lên. Tuy nhiên, những người bạo loạn dễ dàng nhảy qua và xô ngã hàng rào.
Các chuyên gia cảnh sát cho biết họ được huấn luyện phải thiết lập nhiều tuyến phòng thủ, bắt đầu ở nơi cách xa tòa nhà cần bảo vệ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có vẻ như cảnh sát không phối hợp với nhau cho đến khi người biểu tình tiến sát bậc thang của Điện Capitol.
Quan chức thực thi pháp luật liên bang ngày 6/1 nói Cảnh sát Capitol không nghĩ sẽ có nhiều người biểu tình đến như vậy. Và vì đám đông đến quá gần tòa nhà, họ có thể đi xung quanh và tìm nơi không có cảnh sát nào đứng gác.
Cảnh sát cố ngăn người biểu tình tràn vào Điện Capitol. Ảnh: Reuters. |
Đến 14h10, một người biểu tình dùng lá chắn bạo động đập vỡ cửa sổ tầng một và nhảy vào cùng vài người khác, theo một số quan chức. Cảnh sát tin rằng khi vào trong, những người này đã mở cửa để đồng bọn ùa vào.
Đã có lúc, Cảnh sát Capitol yêu cầu quan chức Bộ Quốc phòng điều động thêm 200 Vệ binh Quốc gia chi viện cho họ. Lầu Năm Góc không lập tức đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, chưa đầy một giờ sau, khoảng 15h, Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy kích hoạt toàn bộ Vệ binh Quốc gia của D.C. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Sau đó, hàng trăm đặc vụ FBI, sĩ quan từ Cục Rượu, Thuốc lá, Súng và Chất nổ và Cảnh sát Tư pháp Mỹ được triển khai để hỗ trợ Cảnh sát Capitol.
Song, người biểu tình đã kịp tràn vào tòa nhà và lục lọi văn phòng các nghị sĩ.
Mãi đến 19h, khoảng 5 tiếng sau vụ bạo loạn, Điện Capitol mới được giải tỏa. Các nghị sĩ cũng được đặc vụ FBI cùng cảnh sát mặc đồ chống bạo động hộ tống quay lại phòng họp.
“Vài tháng trước khi người biểu tình Black Lives Matters đến đây, cảnh sát và các lực lượng khác vô cùng dày đặc. Hôm nay những người đó đâu rồi?”, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Bonnie Watson Coleman của New Jersey nói sau vụ việc.
Sự cố ngày 6/1 khiến Cơ quan Mật vụ phải xem xét lại kế hoạch an ninh cho lễ nhậm chức tổng thống ngày 20/1, theo một nguồn tin.
Các nhà lập pháp cũng lo sợ tình trạng hỗn loạn chưa được giải quyết triệt để này sẽ không lắng xuống.
“Đây là điều sẽ xảy ra khi tổng thống kêu gọi người ủng hộ không tin tưởng vào cơ quan nhà nước nào và đến Capitol để phản đối”, Hạ nghị sĩ Dân chủ Tom Malinowski của New Jersey cho biết.