Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghị sĩ chạy trốn khi người biểu tình tràn vào Điện Capitol

Hỗn loạn, bạo lực và bị cười nhạo là những từ dùng để miêu tả tình hình sau khi người ủng hộ Tổng thống Trump tràn vào Quốc hội Mỹ.

Cảnh sát bỏ chạy khi người biểu tình tràn vào tòa nhà quốc hội Mỹ Cảnh sát chạy lên tầng trên khi nhóm người biểu tình ủng hộ ông Trump bắt đầu tràn vào tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1.

“Họ đâu rồi?”, một người ủng hộ của ông Trump hỏi, giữa đám đông hàng chục người biểu tình đi xung quanh sảnh của Điện Capitol, vác theo cờ ủng hộ Tổng thống Trump và đập cửa.

Họ - các nghị sĩ, nhân viên quốc hội và nhiều người khác - đang núp dưới gầm bàn, khóa cửa và cầu nguyện trong khi tận mắt chứng kiến hậu quả của sự chia rẽ bên trong nước Mỹ.

Súng đã lên nòng. Một người phụ nữ bị bắn và sau đó thiệt mạng. Một lá cờ ủng hộ Tổng thống Donald Trump được treo trên tòa nhà Quốc hội. Mái vòm xinh đẹp của Điện Capitol đầy hơi cay. Kính vỡ vụn ở khắp nơi.

nguoi ung ho ong Trump tran vao Quoc hoi anh 1

Người ủng hộ ông Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội ngày 6/1. Ảnh: Reuters.

Ngày 6/1, lần lượt từng không gian biểu tượng cho nền dân chủ Mỹ phải đầu hàng trước việc người biểu tình chiếm đóng Quốc hội.

Những người ủng hộ ông Trump tràn vào văn phòng của chủ tịch Hạ viện, ngồi lên ghế chủ tọa Thượng viện và leo lên bục phát biểu ở đó. Một người biểu tình hét lên: “Ông Trump đã thắng cuộc bầu cử”.

Họ cười nhạo các nhà lãnh đạo. Một người đàn ông gác chân lên bàn làm việc của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và tạo dáng chụp ảnh. Người khác ngồi lên chiếc ghế ít phút trước Phó tổng thống Mike Pence mới dùng để chủ trì phiên họp kiểm phiếu đại cử tri.

"Phân xử bằng cách giao đấu"

Ban đầu, ngày 6/1 được cho là lúc những nỗ lực bấu víu vào quyền lực của ông Trump lụi tàn khi Quốc hội Mỹ xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Tuy nhiên, khung cảnh nhanh chóng trở nên hỗn loạn và đầy sự sợ hãi khi nghi lễ hàng đầu của nền dân chủ Mỹ bị gián đoạn.

Sáng 6/1, ông Trump nói với những người ủng hộ tại Công viên Ellipse gần Nhà Trắng rằng ông sẽ cùng họ đi đến Điện Capitol. Tuy nhiên, tổng thống không làm vậy. Thay vào đó, ông Trump khuyến khích họ đến Quốc hội với những lời kêu gọi đầy tính kích động.

“Nếu bạn không chiến đấu đến cùng, đất nước này sẽ không phải là của bạn nữa”, tổng thống nói với người ủng hộ.

“Hãy đuổi những kẻ yếu đuối đi. Đây là lúc sức mạnh lên ngôi”, ông nói thêm.

Luật sư riêng của tổng thống, Rudy Giuliani, cũng bước lên sân khấu và nói với đám đông: “Hãy phân xử bằng cách giao đấu”.

Chuyện vừa xảy ra ngày 6/1 không khác gì một cuộc đảo chính có chủ đích, Hạ nghị sĩ Dân chủ Colorado Diana DeGette nói với AP.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse của Nebraska, người thường xuyên chỉ trích ông Trump, nói: “Hôm nay, tòa nhà Quốc hội Mỹ - biểu tượng vĩ đại nhất của nền dân trị - bị chiếm giữ trong khi nhà lãnh đạo của thế giới tự do trốn sau bàn phím”.

“Lời nói dối nào cũng để lại hậu quả. Tình hình bạo lực này là kết quả không thể tránh khỏi của việc tổng thống liên tục gây chia rẽ”, ông Sasse nói thêm.

nguoi ung ho ong Trump tran vao Quoc hoi anh 2

Người biểu tình đụng độ với cảnh sát khi cố gắng xâm nhập Điện Capitol. Ảnh: AP.

Khi màn đêm buông xuống, nhà chức trách cuối cùng cũng giành lại được quyền kiểm soát.

Các sĩ quan vũ trang hạng nặng được điều đến và quân tiếp viện bắt đầu sử dụng hơi cay để đẩy người biểu tình đi về phía cửa. Họ cũng lục soát các hành lang để đảm bảo không còn người sót lại. Sau đó, đám đông ủng hộ ông Trump bị lùa ra quảng trường và bãi cỏ trong đám mây hơi cay và ánh sáng từ lựu đạn choáng.

Những đoạn video từ hiện trường cũng cho thấy các sĩ quan để người biểu tình ra khỏi cửa một cách bình thường, dù họ vừa gây ra bạo loạn và phá hoại. Khoảng 30 người bị bắt giữ sau khi nhà chức trách chiếm lại quyền kiểm soát.

Cảnh sát cũng cho biết trong tình hình hỗn loạn, một người phụ nữ bị bắn vào ngực. Người này được đưa đến bệnh viện nhưng đã tử vong sau đó.

"Hy vọng đây là thời điểm tồi tệ cuối cùng"

Trước khi bạo loạn diễn ra, một số nghị sĩ trong Điện Capitol đã nhìn thấy rắc rối đến gần ở bên ngoài cửa sổ.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Dean Phillips của Minnesota nhìn thấy đám đông ngày càng lớn dần không lâu sau khi ông Trump nói chuyện với người ủng hộ ở Công viên Ellipse. Tổng thống thúc đẩy sự bất bình của họ bằng cách nói rằng ông đã thắng cử, bất chấp mọi bằng chứng cho thấy điều ngược lại.

“Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy Cảnh sát Capitol đang bị áp đảo về số lượng”, ông Phillips nói với AP.

Dưới sân khấu được dựng lên cho lễ nhậm chức của ông Biden, cảnh sát xịt hơi cay để ngăn người ủng hộ ông Trump tràn lên.

Hành động đó không hiệu quả. Đám đông người biểu tình không đeo khẩu trang và đội mũ MAGA (Make America Great Again) đã vượt qua hàng rào ở cuối bậc thềm của Điện Capitol. Một số người hét lên “những kẻ phản bội” với cảnh sát khi bị họ cản lại. Những người biểu tình sau đó xông vào tòa nhà.

Loa phát thanh báo động: Vì có “mối đe dọa an ninh từ bên ngoài”, không ai được ra vào Điện Capitol.

Một tiếng động lớn vang lên khi cảnh sát cho nổ gói hàng khả nghi để đảm bảo nó không nguy hiểm.

nguoi ung ho ong Trump tran vao Quoc hoi anh 3

Các nghị sĩ được sơ tán khi người biểu tình tràn vào. Ảnh: AP.

Hạ nghị sĩ New Hampshire Chris Pappas, đảng viên Dân chủ, cho biết vào khoảng 13h15, Cảnh sát Capitol đập cửa văn phòng ông và nói mọi người “bỏ lại mọi thứ và rời khỏi đây nhanh nhất có thể”.

“Không thể tin được khi lực lượng thực thi pháp luật nhanh chóng bị người biểu tình áp đảo”, ông Pappas nói với AP.

Ngay sau 14h, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley của Iowa và Phó tổng thống Mike Pence đã được sơ tán khỏi Thượng viện trong khi những người biểu tình và cảnh sát la hét ngoài cửa.

“Người biểu tình đã vào trong tòa nhà”, là những âm thanh cuối cùng phát ra từ chiếc micro thông báo tình hình của Thượng viện.

Cảnh sát sơ tán phòng họp lúc 14h30. Họ cũng kịp mang theo những hộp đựng phiếu đại cử tri khi rời đi.

“Chuyện này do các người gây ra”, ông Phillips đã hét lên với các đảng viên Cộng hòa.

Hạ nghị sĩ California Scott Peters, đảng viên Dân chủ, cho biết ông đang ở phòng họp của Hạ viện khi người biểu tình tràn vào trong. Ông cũng nói nhân viên an ninh yêu cầu các nghị sĩ đeo mặt nạ phòng độc vào và tập trung tại một góc phòng.

Sau khi đeo mặt nạ phòng độc, đa số nghị sĩ được sơ tán khỏi phòng họp.

Mô tả lại cảnh tượng trên, Hạ nghị sĩ Dân chủ Jim Himes của Connecticut nói “có lúc cảnh sát chĩa súng và vũ khí vào cửa, rõ ràng họ nghĩ người biểu tình có thể đột nhập qua cánh cửa đó. Họ cũng bảo chúng tôi cúi xuống vì họ sắp nổ súng”.

nguoi ung ho ong Trump tran vao Quoc hoi anh 4

Nhân viên an ninh chĩa súng vào cửa trong vụ bạo loạn ngày 6/1. Ảnh: AP.

Khi bước ra khỏi Điện Capitol, ông Himes cho biết mình từng sống ở Mỹ Latin và ông “luôn cho rằng chuyện này không thể xảy ra ở Mỹ”.

“Nhiều năm qua, chúng ta biết nền dân chủ của chúng ta đã gặp nguy hiểm và hy vọng đây là thời điểm tồi tệ cuối cùng”, ông Himes nói.

“Tuy nhiên, tổng thống chúng ta luôn khuyến khích những người này và đảng Cộng hòa cố hết sức để người dân cảm thấy nền dân chủ đang bị tước đoạt trong khi chính họ là người lấy đi nền dân chủ. Thật khó và thật buồn khi chứng kiến những điều này”, ông Himes nói thêm.

“Đây là cách một cuộc đảo chính bắt đầu. Đây là cách một nền dân chủ chết đi”, Hạ nghị sĩ Dân chủ Jimmy Gomez của California thốt lên.

Zing từ Mỹ: Đêm giới nghiêm ở Washington sau vụ bạo loạn tại quốc hội Người dân thủ đô Washington D.C. nhận được thông báo của chính quyền về lệnh giới nghiêm vào tối 6/1, sau khi bạo loạn xảy ra ở Điện Capitol vào chiều cùng ngày.

Thượng nghị sĩ Hawley vẫn quyết 'lật kèo' kết quả bang Pennsylvania

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Josh Hawley của bang Missouri sẽ tiếp tục kế hoạch phản đối kết quả bỏ phiếu của đại cử tri ở bang Pennsylvania.

Phe Cộng hòa cân nhắc phế truất ông Trump sau bạo loạn

Sau vụ bạo loạn của người ủng hộ ông Trump, nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa muốn tước bỏ quyền lực của tổng thống trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 20/1.

Như Trần

Theo AP

Bạn có thể quan tâm