CHUYẾN XE CONTAINER CHỞ 30 TẤN HÀNG CỨU TRỢ QUẢNG BÌNH
30 tấn hàng cứu trợ được xe container vận chuyển xuyên đêm từ Hà Nội vào Quảng Bình để tiếp tế cho người dân vùng lũ chưa gặp được các đoàn thiện nguyện.
- Xe container dừng lại, đây là đường trong khu đô thị.
Giọng một nhân viên bảo vệ dõng dạc.
- Chúng cháu cần bốc hàng trong kho để mang đi cứu trợ miền Trung. Có 30 tấn hàng nên rất cần cho xe vào bên trong. Mong các bác giúp chúng cháu.
- Xe cứu trợ nhà Hoa đấy à? Để bác gọi cho quản lý xin ý kiến.
Nhân viên bảo vệ lập tức bật bộ đàm rồi ra hiệu cho xe đi vào.
Nguyễn Thị Hoa (31 tuổi) là chủ của một doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội. Khi nghe tin miền Trung gặp bão lũ lớn, chị đã cùng chồng bàn bạc và lên kế hoạch để giúp đỡ bà con. Làm việc trong lĩnh vực vận tải, chị muốn tận dụng tối đa khả năng mình có.
Chị Hoa và chồng phân chia công việc cùng nhau. Trong khi chị ở lại Hà Nội để nhập kho, lo chuyện vận tải thì anh Đức (chồng chị) đã vào trong Quảng Bình cùng đợt xe đầu tiên để điều phối hàng hóa mang đi cứu trợ.
Hôm nay, chị chuẩn bị đóng 30 tấn hàng để gửi vào cho chồng. Lần này có cả cơ quan hải quan, các công ty dược phẩm và một số tổ chức khác gửi hàng. Chị Hoa cùng bạn bè, đối tác đã đứng ra mua thêm đồ để gửi vào cứu trợ, chủ yếu là nước, sữa, bánh, màn, chăn, thuốc bôi ngoài da ...
Rồi còn nhiều cá nhân khi nghe tin cũng mang theo mì tôm, bánh kẹo tới gửi. Nhiều đến mức chị Hoa chẳng thể nhớ hết được.
Một số người dân thấy nhóm của chị Hoa bốc hàng cứu trợ cũng chạy lại giúp đỡ. Gần 30 người nối nhau chuyển những thùng hàng, quần áo từ trong kho ra xe, thỉnh thoảng mọi người lại phá lên cười bởi hình ảnh của cu Tít - con trai lớn của chị - hôm nay theo mẹ ra kho.
- Con sẽ bê hàng cho mẹ. Con có thể bê được mì tôm.
- Ừm giỏi, con cứ bê đi, cái gì nhẹ nhẹ vừa tay thì bê ra cho mẹ.
Tít khoái chí cười híp mắt. Còn với chị Hoa, đây chính là cách để chị dạy con tự nhân thức và hình thành tính cách.
Chạy xuyên đêm
Trời sẩm tối, tấn gạo cuối cùng được bốc lên, cửa sau của xe container đóng lại. Bên trong là 30 tấn hàng được chia thành từng loại, xếp gọn gàng. Anh Hưng (33 tuổi, nhân viên của chị Hoa) cố định băng rôn phía đầu xe. Anh cũng chính là tài xế sẽ lái chiếc xe này vào Quảng Bình.
Từ lúc nhận được tin chị Hoa sẽ chuyển hàng cứu trợ đi, anh Hưng đã xung phong lái xe container này. Anh hăm hở đánh xe từ Hải Dương lên Hà Nội để bốc hàng rồi sẽ cùng đồng nghiệp tên Duy thay phiên nhau điều khiển xuyên đêm để kịp đến Quảng Bình vào sáng hôm sau.
18h30, xe chuyển bánh, hành trình 500 km của 2 tài xế bắt đầu.
- Ông ăn tối chưa Hưng?
- Bốc hàng xong muộn nên cũng chưa kịp ăn gì cả. Nhưng cũng mua được mấy cái ngô nướng mang theo lót dạ rồi.
Anh Hưng cười, đáp lại câu hỏi của đồng nghiệp và dúi túi ngô vào tay anh Duy. Chuyến xe cứ thế lăn bánh trên quốc lộ 1.
Dọc đường, 2 người tài xế dừng lại một trạm nghỉ. Họ tranh thủ rửa mặt cho tỉnh táo và ăn cơm để lấy sức chạy tiếp.
5h15 ngày hôm sau, xe có mặt tại thị xã Ba Đồn (Quảng Bình). Trong lúc đợi anh Đức mang xe tải nhỏ ra nhận hàng, 2 tài xế tranh thủ làm vệ sinh cá nhân. Vừa tranh thủ cạo râu, anh Duy vừa hỏi đồng nghiệp?
- Hôm nay ông bận việc không? Hay anh em mình ở lại đây dỡ hàng rồi cùng đi phụ mọi người nhé.
- Nhất trí!
Sau đó, nhiều xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau vào dỡ hàng. Hôm nay, đoàn của anh Đức sẽ đến 5 điểm cứu trợ. Mỗi điểm lại chia ra làm 2 đến 4 điểm nhỏ hơn, tổng cộng có gần 700 suất quà.
“Tôi biết hiện nay có rất nhiều đoàn đi vào làm cứu trợ nhưng vì không thông thuộc địa hình nên họ thường dồn hàng ồ ạt về một số điểm thiệt hại nặng, vô tình bỏ qua những nơi khác. Mục đích của tôi là tìm và tiếp cận những khu vực không được nhận cứu trợ. Điều đó thực sự cần thiết”, anh Đức chia sẻ.
Ban đầu, đoàn của anh Đức chỉ có 3 thành viên nhưng sau đó nhờ sự trợ giúp từ các tài xế và người dân địa phương, khu dỡ hàng có đến 20 người.
Chị Thanh (người dân xóm Đình, Ba Đồn, Quảng Trạch) ở cách điểm anh Đức dỡ hàng khoảng 2 km. Nghe tin cần người vận chuyển cứu trợ, chị đã rủ thêm bà con trong xóm đến giúp đỡ. "Người có của giúp của, chúng tôi không có thì đem sức ra để giúp cho mọi người", chị chia sẻ
Mỗi người một tay, chẳng ai để ý thời gian dù đã quá bữa trưa. Lót dạ bằng chiếc bánh mì rồi họ lại tiếp tục công việc. Đến 13h30, hàng được chia xong. Những chiếc xe tải vận chuyển tới điểm cứu trợ.
Đến nơi chưa nhóm thiện nguyện nào ghé qua
Một trong những điểm phát hàng cứu trợ hôm nay là thôn Cao Trạch, xã Phong Hoá, huyện Tuyên Hóa, ngôi làng được dòng sông Gianh bao quanh với những khóm tre xanh mượt. Nhưng chỉ vài ngày trước khi lũ lên, con sông êm đềm ấy như muốn nuốt chửng ngôi làng nhỏ bé.
Bảo Hân (3 tuổi) được mẹ ôm trong tay. Thỉnh thoảng em lại nũng nịu, đòi mẹ xoa xoa lên cánh tay còn đang bó bột.
Đêm hôm trước lũ lên nhanh, cả nhà phải chạy đi sơ tán. Trời tối, Hân bị trượt chân ngã. Cô bé 3 tuổi bị gãy xương ống tay. Cũng may sau đó người dân dùng thuyền chở em đi bó bột kịp thời.
Ngôi làng nhỏ ven sông của Hân có gần 50 hộ bị ảnh hưởng nặng sau trận lũ lịch sử. "Nhưng họ nói chúng tôi gần đường lớn nên không cần hàng cứu trợ. Khu vực này gần sông, chỉ 3 ngày là nước rút hết nhưng đồ đạc, lương thực cũng hỏng. Mấy ngày nay đói, tôi chỉ muốn xin chút lương thực”, ông Trí (người dân thôn Cao Thạch) nói.
Đó cũng là điều anh Đức và anh Long đã cùng nhau tìm hiểu được trước khi đưa hàng cứu trợ tới ngôi làng này. Nhờ vào kết nối thông tin với địa phương và có những người tiền trạm dẫn đường, các suất quà hỗ trợ dần tới được tay những người đang thực sự cần.
17h10, trời bắt đầu nhá nhem, nhóm của anh Long đã phát quà đến hộ dân cuối cùng. Thấm mệt nhưng anh không quên động viên bà con vùng lũ.
“Bọn con là tư nhân nên chỉ có thể hỗ trợ bà con trong sức mình. Ở đây con có bánh tét, bánh mới luộc, nhà mình ăn sớm cho ngon. Còn có chăn ấm, sữa, bánh, nước… mỗi thứ một ít để mọi người dùng trong những ngày tới".
18h, cả nhóm lên xe về điểm tập kết ở Ba Đồn. Chiếc xe bán tải chở hàng của nhóm anh Long bị thủng lốp ngay trên quốc lộ. Mọi người dừng lại, gọi thêm thành viên khác tới giúp đỡ.
Lúc này, con đường tối om vì không có đèn. Chỉ có ánh sáng của đèn pin và đèn điện thoại. Với những đồ dùng mang theo, sau 20 phút, chiếc lốp được thay thế.
Kết thúc một ngày vận chuyển, cả nhóm tập trung lại dùng bữa tối lúc 20h30. Mệt nhưng công việc của họ chưa dừng lại. Ngày mai, cả đoàn sẽ đến những điểm cần cứu trợ khác mà có thể chưa nhóm thiện nguyện nào ghé qua.