Cuộc đời mỗi người là một hành trình đầy gian nan, thử thách, mà ở đó mỗi chúng ta sẽ chiêm nghiệm được cái hay mà mình nhận được.
Trong mắt bao thế hệ học sinh, tuổi học trò chứa đầy con chữ tươi hồng và hạnh phúc. Nhưng giữa mênh mông chữ viết ấy còn là hàng nghìn thắc mắc đan xen những lo âu.
Trong số đó, chọn nghề, trường vẫn luôn là vấn đề “không hồi kết” với học sinh cuối cấp - những con người đang trong độ tuổi đặc biệt. Cái tuổi chưa hẳn đã lớn nhưng cũng không còn nhỏ. Cái tuổi mong manh lưng chừng chưa biết nên chọn cho mình một ước mơ hay một lối đi nào.
Hồi ấy ở quê tôi, những ai đỗ đại học dù không được ca tụng như thời cách đây chục năm trở về trước nhưng cũng được nhiều người nhắc đến. Điều đó vô hình đã trở thành nỗi áp lực của bao thế hệ học trò nơi tôi sinh sống. Những ngày tháng ngụp lặn trong đống bài vở chất cao hơn đầu, từng giờ từng phút trôi qua, đều thấy trong tim bao âu lo thường trực.
Tuổi 17, có lẽ với nhiều người là cái tuổi bộn bề nhất. Không phải vì nó có nhiều thứ cần chuẩn bị, mà vì nó có nhiều thứ cảm xúc đang hình thành.
Với tôi, tuổi 17 có thể gọi là thoải mái hơn các bạn cùng trang lứa một chút vì không bị gò bó theo lối đi mà bố mẹ sắp đặt. Tôi chỉ biết được khả năng của mình học khá đều ba môn toán, lý, hóa. Và hóa học là môn truyền cảm hứng cho tôi nhiều nhất.
Đến bây giờ, nếu có ai hỏi tôi tại sao lại theo ngành sư phạm thì có lẽ câu trả lời chỉ là hai chữ “hữu duyên”. Giữa lúc băn khoăn khi viết nguyện vọng, tôi may mắn được giáo viên chủ nhiệm tư vấn ngành sư phạm, lại thêm niềm đam mê với hóa học từ trước.
Bởi lẽ từ trong sâu thẳm, tôi cảm nhận được tình yêu xuất phát từ những dãy nguyên tố trong bảng tuần hoàn và niềm thích thú khi nhìn phản ứng hóa học diễn ra trong ống nghiệm. Vậy là tôi đã quyết định theo đuổi ngành sư phạm.
Tôi từng mặc định trong đầu những hình ảnh lung linh làm hành trang bước vào môi trường học tập mới. Họ nói, họ kể, họ xây lên cánh cửa màu hồng mang tên đại học. Họ tô hồng trí tưởng tượng của các sĩ tử bằng câu chuyện “cá chép hóa rồng”. Họ thêu dệt những bức tranh về “con nhà người ta”. Nhưng rồi, tôi đã lầm.
Tôi không phiến diện cho rằng đại học hoàn toàn tẻ nhạt, cũng không cổ súy việc đi làm hay du học nước ngoài. Chỉ là ở đâu đó trong góc nhìn của một tân sinh viên, tôi thấy mọi thứ khó khăn hơn mình tưởng.
Từ việc bắt đầu học cách tự lập, đến sự bỡ ngỡ thích nghi với không gian mới, mấy ngày đầu đại học của tôi là sự cộng hưởng của tất cả những gì mang tên “chán nản”. Cuộc hành trình của tuổi trẻ là một chặng đường dài. Nhưng từ bỏ hay tiếp tục chỉ là một thời khắc.
Tôi đã lựa chọn và tôi hiểu mình phải có trách nhiệm với quyết định đó. Và sư phạm Hóa chỉ thật sự là một lựa chọn đúng khi tôi được tự mình trải nghiệm. Không thể phủ nhận rằng ngay cả khi tôi có trong tay tấm vé là sinh viên của Đại học Giáo dục, sự mông lung mơ hồ vẫn không ngừng bủa vây.
Kỳ thực mà nói, tôi cũng không ít lần chững lại trước những ngã rẽ. Vì tôi sợ. Tôi sợ ngay cả khi học xong tôi cũng không biết mình thật sự thích sư phạm hay không. Tất cả trong đầu tôi lúc ấy là một mớ hỗn độn không chắc chắn, chỉ muốn lấy hết ra mà vò, mà xé rồi quăng đi thật xa.
Mọi thứ chỉ bớt mờ nhạt hơn sau đợt đi thực tập vào năm ba của tôi khi những ký ức thời học sinh đột nhiên ùa về, cuốn phăng đi sự tẻ nhạt thường ngày. Để rồi những điều xa xưa cũ kĩ ấy tái hiện trong đầu như một thước phim quay chậm.
Và tôi đã tìm thấy những gì mình bỏ lỡ ở những học sinh của tôi trong đợt thực tập. Ngày đó, tôi đi thực tập đúng vào đợt trường cấp ba ấy tổ chức cắm trại. Bỗng tối hôm hội trại diễn ra, tôi nhận được cuộc điện thoại từ một học sinh nhờ tôi đến giúp đỡ dựng lại lều.
Những khoảnh khắc ấy, tôi luôn trân trọng đến tận bây giờ. Tôi được tham gia cắm trại, cùng làm, cùng vui và lan tỏa niềm vui cho các em, đó là tất cả những gì khiến tôi hạnh phúc và nhận ra nghề giáo thật cao quý.
Nghề đã cho tôi sự gắn bó và cởi mở để hiểu học trò của mình chứ không còn là con bé sống khép kín bên chồng sách vở. Nghề đem đến cho tôi sự bình yên mà có lẽ tôi khó tìm được từ cuộc sống thường nhật.
Cho đi và được cho, cũng là một loại hạnh phúc khó gọi thành tên. Mỗi lần được nhìn nụ cười ngây dại trong màu áo trắng, tôi cũng tìm thấy mình đâu đó giữa đám học trò ngây ngô ấy.
Rồi cứ thế, tôi được vui với niềm vui con trẻ, được giận hờn, buồn bã với cảm xúc thuở thiếu thời, cảm giác như trở lại bản thân của vài năm trước. Cơ duyên ấy chính là một may mắn mà tôi biết mình phải trân trọng, hơn cả lời mời làm trong viện nghiên cứu mà mình từng nhận được.