Mặt trời cũng là một vì sao là cuốn tiểu thuyết thứ hai của tác giả người Mỹ gốc Jamaica Nicola Yoon. Tác phẩm không chỉ phản ánh một cách khéo léo những định kiến về sắc tộc, những khó khăn trong cuộc sống của những người nhập cư… nó còn cho thấy, trong khuôn khổ của 12 giờ đồng hồ có thể khởi sinh của một sự gắn bó vững bền.
Con người sống chỉ để sinh tồn, chứ không chạy theo tình yêu?
Giống như vụ nổ Big Bang đã khai sinh ra vũ trụ trong một tích tắc, liên kết lạ kỳ của Mặt trời cũng là một vì sao cũng bắt đầu từ một khoảnh khắc bất thường của không gian và thời gian, phản chiếu qua đôi mắt của cậu thiếu niên người Mỹ gốc Hàn Daniel.
Trong khoảnh khắc ấy, cậu nhìn thấy một cô gái đi trên phố, dáng điệu chìm đắm trong thế giới của âm nhạc đang phát ra từ đôi tai nghe màu hồng khổng lồ trên mái tóc kiểu afro. Và cậu biết, đó là vị cứu tinh mà mình hằng mong đợi.
Sách Mặt trời cũng là một vì sao. |
Daniel phải lòng Natasha ngay từ cái nhìn đầu tiên, hẳn nhiên rồi. Nhưng thử thách đặt ra cho tình yêu mới chớm ấy, oái oăm thay, lại là việc cô gái không hề tin vào tình yêu. Natasha tin vào khoa học, tin vào việc con người sống là để thích nghi và sinh tồn chứ không phải để chạy theo những mơ ước viển vông, những niềm tin không có cơ sở… và cả tình yêu.
Làm sao để một người không tin vào tình yêu cảm thấy tình yêu, chưa nói đến chuyện bẻ hướng vector tình cảm ấy về phía mình? Daniel là một gã si tình mộng mơ, cậu cũng là một gã kiên trì bướng bỉnh. Và chàng trai ấy đã hạ quyết tâm sẽ khiến Natasha yêu mình một cách say đắm.
Đến thời khắc của quyết định đầy bồng bột ấy, Mặt trời cũng là một vì sao vẫn giống như một cuốn sách chick-list viết cho tuổi mới lớn được lấp đầy bởi những rung động đầu đời, những phút bốc đồng của cảm xúc, những lời tán tỉnh, những chuyện trò không đầu cuối… của bất kể một cô cậu thiếu niên mới lớn nào. Nhưng cuốn sách này làm nên điều khác biệt, bởi Natasha và Daniel, không ai trong số họ là những thiếu niên “bình thường”.
Natasha Kingsley là con gái cả trong một gia đình nhập cư bất hợp pháp từ Jamaica. Họ đang có những nỗ lực cuối cùng để được ở lại Mỹ. Natasha đáng lẽ ra đã có một tương lai rõ ràng ở đây nếu cha cô không say xỉn và lái xe vượt quá tốc độ.
Daniel Jae Won Bae, người con trai thứ bỗng chốc trở thành hy vọng cuối cùng của gia đình sau khi anh trai bị đuổi khỏi Havard. Daniel sẽ có một cuộc phỏng vấn để được giới thiệu vào Đại học Yale - nơi cậu sẽ theo học y khoa, tốt nghiệp, trở thành bác sĩ, lấy một cô vợ người Hàn, sinh con và sống sung túc mãi mãi. Đó là kế hoạch cuộc đời cậu, được thảo sẵn bởi bố mẹ đã đủ thấu hiểu nghèo túng và khó khăn để biết được con đường nào sẽ dẫn đến giàu sang và địa vị xã hội.
Nhưng trái tim của Daniel lại mách bảo cậu ước ao trở thành một thi sĩ với niềm tin những bài thơ của mình sẽ thay đổi thế giới.
Khoa học của tình yêu
Một thực tế và một mơ mộng, một nhìn thấy rõ con đường mình sẽ đi và một hoang mang mọi thứ về tương lai phía trước, một đang đấu tranh để được ở chính nơi mình mong muốn, làm công việc mình mong được làm và một tìm mọi cách để trì hoãn cuộc đấu tranh ấy.
Natasha và Daniel có quá nhiều điểm đối lập. Không chỉ là những đối lập trong bản thân tính cách họ, cả hai còn thuộc về hai chủng tộc khác nhau - Natasha là người gốc Phi, còn Daniel là người gốc Á. Xuất thân của họ khác nhau: gia đình Natasha vẫn phải chật vật để sống, còn gia đình Daniel đã là chủ của một cửa hàng nho nhỏ.
Ấy thế nhưng, họ vẫn tìm được con đường đến bên nhau, và rồi nhận ra mình cùng chia sẻ một dải sóng tâm hồn. Đó chính là khoa học của tình yêu.
Tác giả Nicola Yoon. |
Bắt đầu từ thế giới đầy mỏi mệt của Natasha tới thế giới đầy uất ức buộc phải kìm nén của Daniel, thế giới của những con người đã chạm mặt, hay lướt qua họ trong suốt hành trình kéo dài 12 giờ ấy: người nhân viên an ninh có cái tên Irene, người bảo vệ già với căn bệnh phổi, người luật sư tên Jeremy và cô thư kí Hannah…
Mỗi người trong số họ đều giống như một phân tử, không ngừng chuyển động, không ngừng va đập vào nhau và sinh ra năng lượng, để biến đổi, để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.
Hé lộ những khó khăn trong cuộc sống của những người nhập cư trên đất Mỹ thông qua ảnh hưởng của nó lên số phận của hai thiếu niên trước ngưỡng cửa cuộc đời là một thành công to lớn của Nicola Yoon trong Mặt trời cũng là một vì sao. Việc tác giả đi sâu vào mô tả những mặt trái của “giấc mơ Mỹ” không hề khiến lằn ranh chủng tộc bị tô đậm, hay những định kiến trở nên sâu sắc hơn.
Trái lại, càng cất công tìm hiểu, người đọc sẽ càng tiến đến gần hơn với một đáp án duy nhất, một kết luận sau cùng: chúng ta đều giống nhau. Đó không chỉ là sự giống nhau về cấu tạo sinh lý học của các cơ quan, mà là sự tương đồng của tâm hồn ẩn sau lớp vỏ vật chất ấy.
Chúng ta đều có thể bị tổn thương, dễ dàng như cách chúng ta có thể làm tổn thương người khác. Chúng ta có thể thu mình, nhưng chúng ta cũng có thể chia sẻ. Và theo cách đó, chúng ta gắn bó với nhau, không bị ràng buộc bởi ranh giới chủng tộc phân chia chúng ta trên bản đồ tiến hóa. Đó chính là khía cạnh “tình yêu” của khoa học, là “mặt trời”, và cũng là “vì sao” tỏa sáng xuyên suốt cuốn tiểu thuyết thú vị này.