Trong buổi giao lưu với nhóm tác giả cuốn sách Gần như là nhà tại công viên Thống Nhất cuối tuần qua, trên bục sân khấu là nhóm diễn giả trẻ người Việt, lẫn vào đó là một cô gái Tây xinh đẹp. Cô gái có vóc người mảnh dẻ, da trắng, mũi cao, mắt to tròn ấy không chỉ nói tiếng Việt lưu loát mà còn khiến công chúng bất ngờ vì khả năng tiếng Việt phong phú.
Vanessa Phạm trong buổi giao lưu về cuốn sách Gần như là nhà. |
Cô là Vanessa Phạm - một cô gái Pháp làm dâu xứ Việt. Khi được người dẫn chương trình là nhà văn Trương Quý hỏi làm dâu xứ Việt có cảm thấy áp lực không, Vanessa tươi cười gật đầu. Cô bảo ban đầu, cô cảm thấy lo lắng vì biết được rằng nhiều mẹ chồng Việt luôn lo sợ sẽ mất con trai khi con lấy vợ. Nhưng dần dần giữa cô và mẹ chồng không có khoảng cách.
“Tôi yêu mẹ chồng như mẹ đẻ. Tôi đã yêu chồng tôi 10 năm, và gắn bó với nước Việt”, Vanessa nói. Ngay khi cô vừa dứt lời, một người phụ nữ trung niên phía dưới đứng lên kể câu chuyện bà có con trai yêu một cô gái nước ngoài. Khi biết chuyện, bà rất trăn trở và có lần nói với con trai hãy suy nghĩ kỹ, vì “nếu con lấy vợ Tây, có thể con sẽ đi xa, hoặc ngày nào đó mẹ phải theo con đi xa quê hương để chăm cháu”.
Vậy mà cô con dâu Tây khi về nhà chồng đã khiến bà có nhiều thiện cảm. Cô không chỉ gắn bó với Việt Nam mà luôn khiến bà hài lòng, cảm thấy được yêu thương, tôn trọng. Người phụ nữ trung niên ấy chính là mẹ chồng Việt của Vanessa Phạm.
Vanessa Phạm là người Pháp, nhưng cô mang dòng máu Việt từ người mẹ - Nuage Rose Hồng Vân (tác giả cuốn Ba áng mây trôi dạt xứ bèo). Cô sinh ra và lớn lên ở Paris, “Paris là nhà của tôi. Paris là nơi tôi lớn lên là nơi tôi trở thành thiếu nữ, là nơi tôi kiếm được những đồng tiền đầu tiên lúc đi làm thêm trong dịp hè. La Sorbonne là nơi tôi đi học, những hàng bistrot ở Saint Paul là nơi đã gặp gỡ bạn bè. Quartier Latin, Bastille và sống Seine là nơi tôi đến để tìm kiếm kiến thức, âm nhạc và cuộc sống. Ở Paris, tôi đã hát, đã nhảy múa, đã hét lên như muốn vỡ tan lồng ngực, và đã có những khoảnh khắc tĩnh lặng nhất. Tôi chia tay mối tình đầu của mình trên tàu Métropolitain. Paris là nơi tôi sinh ra và lớn lên, là nơi tôi khóc tôi cười, là nơi tôi chết đi sống lại”.
Những trăn trở về văn hóa, tình yêu dành cho Việt Nam được Vanessa Phạm kể trong cuốn Gần như là nhà. Ảnh: FBNV |
Nhưng vào một dịp về thăm ông bà ngoại ở Hà Nội, cô gái đã “chết đi sống lại ở Paris”, cô gái vào tuổi mới lớn từng chối bỏ dòng máu Việt trong mình, đã gặp một chàng trai Việt.
Chính chàng trai ấy làm sống dậy ký ức tuổi thơ mỗi lần Vanessa về thăm quê hương. Tình yêu nảy nở giữa họ ngọt ngào như vị kem Tràng Tiền, lấp lánh như ánh đèn Trung thu phố Hàng Mã, thanh mát như mùi tào phớ hoa nhài.
Trong cuốn sách Gần như là nhà (tập hợp bài viết của những bạn trẻ Việt bước chân ra thế giới), Vanessa là trường hợp khác với hầu hết tác giả còn lại. Nếu như cuốn sách là trăn trở của những đứa con Việt bước ra nước ngoài học tập, sinh sống, thì câu chuyện Vanessa là trăn trở của cô gái tới Việt Nam.
Tình yêu của chàng trai Hà Nội đánh thức dòng máu Việt trong Vanessa, khiến cô trân trọng, quý mến nửa Việt Nam trong mình, cái nửa mà cô từng có lúc muốn quên đi cho nhẹ nhõm. Những dấu hỏi lớn về căn tính như cô thuộc về đâu, Việt hay Pháp, phương Đông hay phương Tây... đã không còn. Chính tình yêu khiến cô biết rằng, trong cô có cả hai con người Việt Nam và Pháp, việc của cô là bắc cây cầu kết nối hai nửa của mình.
Người trẻ phương Đông ngày nay khi bước ra thế giới thường bị nói có lớp vỏ bên ngoài chính là màu da vàng, nhưng bên trong từ lối sống, phong cách của họ đều là của người phương Tây. Vanessa thì ngược lại, cô ví mình như quả trứng luộc, bề ngoài là của phương Tây da trắng, nhưng tâm trứng, lòng trứng lại như những người Việt da vàng.
Vanessa trở về Việt Nam từ năm 2011. Năm 2013, cô kết hôn và đã là mẹ của bé gái hai tuổi. Hiện cô làm biên tập viên cho tạp chí Courrier du Vietnam của Thông tấn xã Việt Nam và bản tin tiếng Pháp của Đài Truyền hình Việt Nam.