Ba áng mây trôi dạt xứ bèo - Nuage Rose
Ba áng mây trôi dạt xứ bèo là những ký ức chiến tranh nhìn qua con mắt của một đứa trẻ bốn tuổi. |
Ba áng mây trôi dạt xứ bèo là những ký ức chiến tranh nhìn qua con mắt của một đứa trẻ bốn tuổi khi theo gia đình sơ tán khỏi Hà Nội bom đạn rực lửa. Nuage Rose hay chính là cô bé Hồng Vân năm nào kể về quãng thời gian đói khổ nhưng đậm tình người, khi mà cô trở thành nhân chứng sống của lịch sử tận mắt nhìn thấy những trải nghiệm không thể nào quên trong đời.
Tác giả Nuage Rose tên thật là Bùi Thị Hồng Vân, sinh năm 1960 tại Hà Nội. Khi Mỹ đánh phá thủ đô năm 1964, bà cùng hai người chị gái theo gia đình rời Hà Nội đi sơ tán về Hải Dương trong suốt gần 10 năm trời. 20 năm sau bà sang Pháp định cư, kết hôn và sinh con tại Paris.
Tác phẩm Ba áng mây trôi dạt xứ bèo được đón nhận nồng nhiệt tại nhiều hội chợ sách uy tín của châu Âu, và được Hội nhà văn Pháp trao giải thưởng năm 2013. Ngay sau khi ra mắt tại quê nhà, tác phẩm đã được đưa vào chương trình học của một số trường quốc tế Pháp tại Việt Nam. Hiện tại Nuage Rose đã viết xong cuốn tự truyện thứ hai và chờ ngày xuất bản.
Thư chết - Linda Lê
Thư chết là cuộc tìm kiếm một tuổi thơ đã mất của một người con xa xứ. |
Thư chết là lời độc thoại sám hối của người con gái dành cho người cha đã qua đời, người mà suốt 20 năm nay cô đã sống xa cách. Bắt đầu cuốn sách là một cảm xúc giằng xé hối hận, rồi dần dần chuyển sang màu sắc hoài niệm của những hồi ức tuổi thơ ở bên cha tại Đà Lạt 20 năm trước của cô gái ấy. Sách là cuộc tìm kiếm một tuổi thơ đã mất, một ký ức tươi đẹp về tình yêu giữa đứa trẻ và cha.
Linda Lê sinh ra tại Đà Lạt, con gái của một người kỹ sư Việt và một phụ nữ Pháp. Năm 1977, cô cùng mẹ và các chị em rời Việt Nam sang định cư tại Pháp, còn người cha thì ở lại Việt Nam. Ông đã qua đời năm 1995 ngay khi có ý định sang đoàn tụ cùng gia đình, chính dịp này Linda Lê quay về Việt Nam để đưa tiễn người cha đã mất. Cuốn Thư chết có thể gần như được coi lời tâm tình của chính cô đối với tình cảm dành cho cha.
Linda Lê đã nhận được rất nhiều giải văn chương bao gồm giải thưởng Tài năng năm 1990, giải Văn chương sáng tạo năm 1993, giải Fénéon năm 1997. Năm 2007, tác phẩm Hồi tưởng của cô được giải Prix Femina và giải Grand Prix do Viện Hàn lâm Pháp trao tặng.
Inside Out and Back Again - Lại Thanh Hà
Inside Out and Back Again đã chiến thắng giải thưởng Sách quốc gia Mỹ hạng mục văn học trẻ năm 2011. |
Inside Out and Back Again là câu chuyện của một bé gái 10 tuổi cùng gia đình rời đến sống tại Mỹ trong những năm chiến tranh kết thúc. Bước chân vào thế giới mới, làm quen với văn hóa và những con người mới trong khi một chữ tiếng Anh cũng không biết, cô bé ấy vẫn luôn mang trong mình nội tâm của một người Á Đông và bí mật quay trở về thế giới của mình bằng những ký ức mơ hồ.
Lại Thanh Hà là nhà văn Mỹ gốc Việt được nhiều độc giả yêu mến. Inside Out and Back Again được dựa trên một phần những câu chuyện có thật của chính tác giả, về việc bước chân sang Mỹ, quá trình học tiếng Anh và những khó khăn mà cô gặp phải.
Tác phẩm là kết quả 15 năm sáng tác và viết văn của Lại Thanh Hà và đã giành được nhiều giải thưởng lớn của Mỹ. Năm 2011, Inside Out and Back Again đã chiến thắng giải thưởng Sách quốc gia Mỹ hạng mục văn học trẻ. Một năm sau, cuốn sách vinh dự nhận được huân chương Newbery của nhà xuất bản HarperCollins.
The Book of Salt - Monique Trương
The Book of Salt là câu chuyện về một đầu bếp tài năng người Việt trên đất Pháp. |
The Book of Salt là câu chuyện về một người đầu bếp tài năng tên Bình đang phục vụ cho hai nhà văn người Pháp có thật là Gertrude Stein và Alice B. Toklas giữa thành phố Paris. Xen lẫn với những ký ức tăm tối thời chiến tranh, giờ đây Bình phải đưa ra một lựa chọn khó khăn để quyết định số phận của chính mình: ở lại Pháp, đi đến miền đất hứa Mỹ hay trở về Việt Nam.
Monique Trương là nữ nhà văn người Mỹ gốc Việt đang sinh sống tại Brooklyn, New York. Cô sinh ra tại Sài Gòn và di cư sang Mỹ cùng gia đình vào năm 1975 khi mới 6 tuổi. Tại Mỹ, Monique Trương đã từng làm biên tập viên tại tờ Asian Pacific American Journal. The Book of Salt là cuốn sách đầu tay của cô, cuốn tiểu thuyết thứ hai mang tên Bitter in the Mouth.
Monique Trương có cảm hứng viết cuốn sách này khi còn đang học đại học, trong một lần tình cờ cô mua sách The Alice B. Toklas Cookbook viết về công thức bánh quy nổi tiếng của bà Toklas. Nhờ đó mà cô biết được có hai đàn ông người Đông Dương nấu ăn tại nhà của hai nhà văn Pháp, câu chuyện về nhân vật Bình được hình thành kể từ đây.
Tác phẩm này đã mang về cho Monique Trương giải thưởng Barbara Gittings Book Award in Literature của Hiệp hội Thư viện Mỹ và Giải PEN/ Robert W. Bingham năm 2004.
We Should Never Meet - Aimee Phan
We Should Never Meet là những ghi chép về sự kiện Operation Babylift di tản hàng nghìn đứa trẻ mồ côi ở Sài Gòn sang Mỹ. |
We Should Never Meet là câu chuyện về tám nhân vật khác nhau kéo dài suốt ba thập kỷ giữa hai lục địa. Lấy bối cảnh một Sài Gòn sụp đổ năm 1975 và một Little Saigon ở miền nam California, cuốn sách ghi chép lại những thảm kịch xung quanh sự kiện Operation Babylift, chương trình di tản hàng ngàn đứa trẻ mồ côi sang Mỹ ngay trước khi chế độ Ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ.
Aimee Phan sinh ra và lớn lên tại Organe County, California, nơi có nhiều người Việt sinh sống. Là thế hệ thứ hai sinh sống ở nước Mỹ, cô nhớ về Việt Nam bằng những ký ức chiến tranh của cha mẹ. We Should Never Meet được viết khi Aimee Phan đang theo học lớp sáng tác tại đại học Iowa, sau khi cô tìm hiểu và phỏng vấn những chứng nhân của cuộc di tản năm xưa.
Là tác phẩm đầu tay của Aimee Phan nhưng We Should Never Meet đã gây được tiếng vang lớn ngay khi ra mắt. Cuốn sách đã đoạt giải Sách Quý của Kiryama Prize về tiểu thuyết, đồng thời cũng lọt vào vòng chung khảo giải Văn chương Mỹ gốc Á năm 2005. Cuốn tiểu thuyết thứ hai của cô mang tên The Reeducation of Cherry Truong nói về cuộc sống của một người Việt trẻ khi trở về quê hương lần đầu tiên.