Trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam thường chia ra các lớp họa sĩ như: họa sĩ mỹ thuật Đông Dương (những người được đào tạo từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), họa sĩ Kháng chiến (những họa sĩ tham gia khóa học Kháng chiến) và họa sĩ Đổi mới (họa sĩ trưởng thành trong giai đoạn Đổi mới của đất nước).
Khóa Kháng chiến là khóa học chính thức đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, thành lập vào tháng 10/1945. Sau khi thành lập, nhà trường đã tuyển sinh khóa đầu tiên trong năm 1946. Không lâu sau đó, cả nước bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (tháng 12/1946). Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam là tiền thân của Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay.
Bìa sách Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950-1954). |
Cuốn sách Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950-1954) của tác giả Đào Mai Trang viết về khóa học đặc biệt này. Sách do NXB Mỹ thuật xuất bản, với dung lượng 300 trang in trên giấy couche. 255 hình ảnh trong sách là những sáng tác của họa sĩ Tô Ngọc Vân và các học trò của khóa, trong đó có nhiều tác phẩm chưa từng công bố.
Sách chia làm ba phần chính. Phần một đưa ra thông tin khái quát về lịch sử khóa học, những hoạt động chính trong khóa học. Vai trò của khóa Kháng chiến cũng như của họa sĩ Tô Ngọc Vân (hiệu trưởng nhà trường) trong việc định hướng hành trình nghệ thuật của các thành viên trong khóa học.
Phần thứ hai của cuốn sách viết về các sinh viên của khóa học. Toàn khóa có 22 sinh viên, trong đó có một số người thành danh, đã ghi tên tuổi trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lê Lam…
Khóa Kháng chiến cũng có những sinh viên hoạt động trong ngành điện ảnh, và có nhiều đóng góp trong lịch sử điện ảnh Việt Nam như Đào Đức, Mai Long, Ngô Mạnh Lân…
Những học viên khác của khóa Kháng chiến có vẻ bình lặng hơn, nhưng họ cũng để lại gia tài nghệ thuật đầy tâm huyết như Ngô Minh Cầu, Đặng Đức, Ngọc Linh…
Họa sĩ Tô Ngọc Vân - Hiệu trưởng khóa mỹ thuật Kháng chiến. |
Nhắc tới khóa Kháng chiến không thể không nói về vai trò của hiệu trưởng Tô Ngọc Vân – một người thầy tận tụy không chỉ truyền nghề mà còn nhiều lần bỏ tiền túi, vay mượn để chăm lo đời sống học viên. Bởi vậy, sách dành một phần dung lượng để nói về những học trò đặc biệt nhất của họa sĩ Tô Ngọc Vân trong cuộc đời dạy học của ông.
Phần cuối sách, tác giả chia sẻ những suy nghĩ, cảm tưởng của mình sau hành trình tìm hiểu nghiên cứu về khóa học Kháng chiến. Trong đó, tác giả Đào Mai Trang ngỏ ý mong đợi giới nghiên cứu mỹ thuật chuyên nghiệp tiếp tục tìm hiểu, đưa ra những góc nhìn sâu hơn nữa về khóa học đặc biệt này.