Chiếc cassette nghe nhạc và học cách nhìn về tiền bạc
Tuổi mới lớn, một phần không thể thiếu trong thế giới của tôi là âm nhạc. Thời đó, tôi rất thích các nhóm nhạc trẻ như Back Street Boys, NSYNC. Mỗi khi tiếng nhạc từ đâu đó vang lên, không gian xung quanh như bừng sáng. Ngay cả những điều bình thường nhất cũng trở nên lấp lánh, khiến mình sướng vui và đầy hy vọng.
Tôi nghĩ về một chiếc máy cassette riêng của mình, để nghe nhạc thỏa thích. Thay vì cầu xin phép màu rơi xuống hay ai đó tặng quà cho mình, tôi quyết định sẽ tự có được chiếc cassette, bằng cách đi làm thêm.
Một công việc nặng nhọc ít cô bé nào lựa chọn, nhưng được trả công không tệ, là gọt củ hành và thu hoạch dâu. Suốt mùa hè, ngày nào tôi cũng đến nông trại, từ sáng đến chiều quỳ gối và di chuyển dọc theo các luống dâu, hái từng quả.
Trung bình, tổng chiều dài những luống dâu mỗi ngày tôi hái là 2 km. Trở về nhà, lấm lem và rã rời tay chân, nhưng chưa bao giờ tôi có ý nghĩ bỏ cuộc. Sau mùa hè, tôi đã có chiếc máy mơ ước, chiếc cassette một hộc hai loa.
Một thời gian sau, cũng bằng cách đi làm thêm, tôi tự mua được máy nghe đĩa CD, một món khá đắt đỏ vào thời điểm đó.
Ngô Thanh Vân năm 15 tuổi, làm thêm ở một shop hoa. |
Từ thôi thúc tận hưởng âm nhạc, những đồng tiền đầu tiên kiếm được đã để lại trong tôi hai trải nghiệm đắt giá, đi theo tôi trên từng chặng đời sau này.
Lòng kiên định quan trọng hơn tiền bạc. Niềm vui không chỉ đến khi mục tiêu hoàn tất, mà còn trong quá trình ta nhận ra mình có thể đi được bao xa, vượt qua giới hạn bản thân như thế nào.
Trở thành người mang lại hạnh phúc cho bản thân, không trông chờ hay dựa dẫm, là cảm giác rất đặc biệt. Bằng sự cứng rắn và chăm chỉ của tuổi 16, tôi bắt đầu nghĩ xa hơn: Kiếm tiền một cách bài bản, không phải bằng đôi tay mà bằng cái đầu, để chu cấp cho má, cho người thân, giúp gia đình ở Việt Nam thoát nghèo.
Vào năm 16 tuổi, tôi rời nhà ba mẹ nuôi, dọn lên thủ đô Oslo học đại học. Trải nghiệm cực nhọc ở nông trại khiến tôi hiểu, lao động chân tay không phải là điều dành cho mình. Bên cạnh đó, dù khát khao bay bổng với nghệ thuật, tôi vẫn phải đứng trên mặt đất bằng lựa chọn thực tế: theo học kinh doanh và thương mại.
Như nhiều sinh viên khác ở Na Uy, tôi vừa học vừa đi làm thêm. Ngoài giờ lên giảng đường, tất cả thời gian rảnh tôi đều làm một công việc nào đó, từ thu ngân cho đến bán hàng. Cày liên tục vài ba jobs là chuyện bình thường. Làm ra bao nhiêu tôi đều để dành, không bao giờ tiêu xài hoang phí.
Phải chăm chỉ hơn!
Phải kiếm được nhiều tiền hơn!
Đó là các mệnh lệnh tôi tự đặt ra cho mình, gần như một sự ám ảnh.
Theo tháng năm thực hiện các mệnh lệnh trên, tôi đã lặng lẽ lớn lên, lặng lẽ trưởng thành.
Cây bên hồ và tình đầu run rẩy
Mười sáu tuổi. Trái tim bắt đầu nhịp đập run rẩy của mối tình đầu.
Ở nơi tôi sống, thư viện có một ngăn đặt riêng những quyển sách tiếng Việt. Các tiểu thuyết, tập truyện ngắn in từ nhiều thập kỷ trước. Tôi ngấu nghiến tất cả những quyển sách ấy, tưởng tượng mình là nhân vật từ các trang văn, một cô gái tóc buông xõa, mặc áo dài trắng đến trường.
Sách vở và trái tim đang tuổi lớn hòa quyện vào nhau. Một ai đó quan tâm đến mình. Và mình dành tất cả cảm xúc cho một ai đó.
Mộng mơ. Hy vọng. Cảm xúc mãnh liệt.
Ước mơ nổi loạn. Những hành động nổi loạn.
Tình yêu hay các biểu hiện giống như là tình yêu.
Và dĩ nhiên, như mọi tình yêu đầu, khi rời đi, nó để lại vô số vết cắt. Những vết cắt đau buốt, ngỡ như sẽ chẳng thể lành.
Tình yêu đầu tiên, ở một lẽ nào đó, tựa con đường dẫn người ta bước qua một cánh cửa, tiến vào thế giới khác hẳn. Có thể mình vui hơn, tự do hơn. Nhưng cũng rất có thể mình nhận ra nỗi cô độc mới là bạn đồng hành thân thiết.
"Mỗi khi buồn, tôi lại ra hồ, đứng bên cây. Bóng cây tỏa xuống tôi, như một người bạn đầy cảm thông và thấu hiểu". |
Một buổi tối, có tiếng gõ cửa. Ba nuôi vốn luôn tinh ý, ông rất tôn trọng, không can thiệp sâu vào thế giới riêng của riêng tôi. Ba thường để bánh và ít trái cây ngoài cửa phòng, khi nào đói, tôi tự mở hé cửa, lấy vào. Nhưng hôm đó, khi tôi mở cửa, ba nuôi đợi sẵn. Ba và tôi đã có một cuộc nói chuyện nghiêm túc.
Nhiều năm sau này, những câu nói của ba vẫn nguyên vẹn trong trí nhớ tôi.
“Trong cuộc đời con có thể sẽ yêu tám hoặc chín lần. Hãy yêu, nhưng đừng bao giờ đẩy mình xuống đáy nỗi buồn, vì con sẽ còn yêu và được yêu thêm nhiều lần nữa. Cuộc đời như những cơn sóng. Lúc này con đang ở dưới đáy, nhưng rồi sóng sẽ đưa con quay trở lên. Con cần sẵn sàng tiếp tục hành trình mà con sẽ có”, ông Trygve Andersen nói.
Và còn một “người” nâng đỡ tinh thần tôi qua quãng ngày tự kỷ: cây cổ thụ ven hồ.
Gần nhà ba mẹ nuôi của tôi có hồ nước tuyệt đẹp. Ven hồ có một cây cổ thụ lớn.
Từ xa nhìn về hồ, cái cây đó luôn là điểm nhấn đầu tiên, khỏe khoắn và đầy kiêu hãnh. Bốn mùa thay lá, cây giống như con người, không ngừng biến đổi và mang đến những điều bất ngờ. Mỗi khi buồn, tôi lại ra hồ, đứng bên cây. Bóng cây tỏa xuống tôi, như một người bạn đầy cảm thông và thấu hiểu.
Một ngày mùa đông, trong tâm trạng thất tình, tôi băng qua tuyết và đi về phía cái cây. Tôi chợt có cảm giác một ai đó đang bước phía sau lưng tôi lặng lẽ. Không cần phải ngoảnh lại, cũng chẳng cần sợ hãi làm gì, bởi trực giác đã mách bảo rằng đó chính là người ba nuôi đáng kính của tôi chứ không ai khác. Ông luôn đi theo để bảo vệ và canh chừng tôi.
Như cây trong tuyết, hành trình lớn khôn của tôi vừa đơn độc, vừa được che chở bởi một sức mạnh vô hình. Có thể là Đấng Tối cao. Nhưng cũng có thể, sức mạnh ấy đến từ tình yêu thương của những con người quan tâm tôi nhất, đó là ba tôi.