Trong cuốn Lịch sử 60 năm hàng không dân dụng Việt Nam (1956-2016), ông Hồ Luật, nguyên Chính ủy Trung đoàn không quân vận tải 919, giải thích về sự “ưu ái” này, được Bác Hồ trực tiếp nói trong hội nghị mừng công của trung đoàn tổ chức tháng 10/1960.
Chiếc đồng hồ nữ khiến Thiếu tướng phi công lặng người xúc động
Bác Hồ nói: “Hồi Bác sang Liên Xô, sau nội chiến, nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng vẫn có những người được chăm sóc đặc biệt. Đó là các cháu thiếu nhi và các chiến sĩ lái máy bay. Các cô các chú có hiểu vì sao không? Vì các cháu thiếu nhi là mầm non của đất nước. Còn các chiến sĩ lái máy bay là những người lao động đặc biệt, vì họ không chỉ cầm súng, cầm lái đấu tranh với địch, với thiên nhiên, kỹ thuật mà còn phải làm việc ngay trên trời cao, tiêu hao nhiều sức lực. Vì vậy, Đảng và Nhà nước phải chăm sóc để bù lại sức lực đã tiêu hao đó. Có phải thế không nào?”. Hội trường lại vang tiếng vỗ tay hồi lâu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên của quân đội ta - trung đoàn 921. Ảnh tư liệu. |
Còn cuốn Thanh kiếm bầu trời của Đại tá phi công Nguyễn Công Huy (NXB Văn học), kể về cuộc đời chiến đấu của Thiếu tướng phi công, Anh hùng LLVTND Nguyễn Hồng Nhị, kể về chuyện Bác Hồ tặng huy hiệu cho những phi công lập chiến công bắn rơi máy bay Mỹ.
Bác nói: “Bác nghèo, Bác chả có gì cho các chú. Bác tặng mỗi chú một chiếc huy hiệu của Bác và Bác mời các chú ăn chuối, ăn kẹo. Chú nào ăn được bao nhiêu cứ ăn, ăn không hết được thì mang về! Các chú cứ đánh Mỹ cho giỏi, bắn rơi thật nhiều máy bay Mỹ là Bác khỏe, Bác vui!”.
Hồ Chủ tịch cũng căn dặn các phi công: “Cuộc chiến đấu của quân và dân ta còn lâu dài. Say sưa và quyết tâm chiến đấu là đúng. Nhưng các chú say sưa chiến đấu vẫn không được quên đến việc chăm lo cho hậu phương, cho hạnh phúc riêng của mình. Riêng chuyện này, các chú đừng học Bác”.
Khi biết tin phi công Nguyễn Hồng Nhị lập gia đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cho ông một chiếc đồng hồ nữ. Chính ủy Trung đoàn không quân 921 nhận từ tay Bác đem về trao lại cho ông Nhị và nhắc lại lời Bác là đồng ý cho cô Dậu (vợ ông Nhị) được đeo chiếc đồng hồ này. Bác nói: “Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ của chú Nhị là có công của cô ấy!”.
“Quá xúc động, anh Nhị đứng lặng đi rồi đưa hai tay đỡ lấy chiếc đồng hồ, tưởng như đang nhận tặng vật quý giá này từ tay Bác”, tác giả Nguyễn Công Huy viết trong Thanh kiếm bầu trời. “Không còn sự cảm động nào hơn. Bác đã quan tâm đến anh như người Cha quan tâm đến con vậy. Công việc của Bác nhiều như vậy mà Bác vẫn nhớ đến những chi tiết rất nhỏ”.
Ông Huy kể lại kỷ niệm khi Bác Hồ đến thăm bộ đội Không quân, Bác ân cần hỏi han từng người. Nhìn các phi công trực chiến giữa trời nóng bức với những bộ quần áo kháng áp bó sát người, Bác khen ngợi: “Các chú có tinh thần khắc phục khó khăn như thế là tốt. Trông thấy các chú trẻ khỏe, làm chủ những chiếc máy bay hiện đại của đất nước, Bác rất vui!”.
Bác còn nói vui: “Các chú không đánh nhanh lên, đồng bào và du kích miền Nam đánh hết máy bay Mỹ đấy!”.
Tình yêu lớn của vị Cha già
Còn trong sách Hồi ký 50 năm Không quân nhân dân Việt Nam (Nhiều tác giả, NXB Quân đội nhân dân 2005), Đại tá Hoàng Bảo, nguyên Chủ nhiệm sân đường bay Quân chủng Phòng không – Không quân kể lại câu chuyện Bác Hồ quan tâm đến câu chuyện riêng của mình, lúc ông phục vụ chuyến bay của Chủ tịch từ Vinh vào Đồng Hới.
“Bác hỏi tôi: "Chú đã có vợ chưa?", “thưa Bác chưa ạ”. Bác lại khuyên tôi bây giờ nước ta còn nghèo, dân ta còn khổ, ít năm nữa thống nhất, độc lập đời sống khá giả lên nên lấy vợ... Tôi và mọi người đều thật sự bất ngờ, cười vui; Bác còn dặn tôi rất kỹ là khi nào lấy vợ phải cho Bác biết đấy nhé".
“Sáu năm sau, khi tôi xây dựng gia đình, cứ băn khoăn mãi là có nên báo cáo với Bác không. Tôi báo cáo lại với anh Đặng Tính và gửi anh cái thiếp mời Bác, nghĩ là để khỏi thất lễ thôi chứ Bác trăm công ngàn việc đại sự làm sao mà nhớ được câu chuyện rất nhỏ mà đã quá xa xưa cũ kỹ ấy”.
“Thế nhưng thực sự điều không thể ngờ được là đúng lúc đón dâu về nhà tôi ở 43 Hàng Bài đêm 29 tháng 11 năm 1963 ấy, cả hai họ đang mừng vui lại càng vui hơn khi xuất hiện thêm cụ già râu dài với bộ bà ba lụa nâu đến dự.
Cụ tự giới thiệu là Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ được cử đến, tiếng cụ sang sảng: "Thưa bà con hai họ! Sáu năm về trước trong chuyến về thăm quê lần đầu tiên của Bác, Bác có nói vui khi nào dân ta hết khổ, đất nước ta đỡ nghèo, các cháu lấy vợ... Hôm nay nhận được thiếp mời của cháu Bảo, Bác rất tiếc vì công việc không thể đến chia vui với cháu và gia đình, gọi là có chút quà kỷ niệm Bác gửi chai rượu mừng, mong các cháu thật nhiều hạnh phúc”.
"Cả đám tiệc bỗng lặng đi, ông cậu tôi, đại diện gia đình nhà trai không nói được câu nào, lặng đi vì quá xúc động cứ chắp tay vái, miệng lắp bắp: "Quý hóa quá! Cám ơn cụ Chủ tịch - Cám ơn Bác Hồ!".
Tổ bay của không quân Việt Nam đưa Bác Hồ về thăm Quảng Bình. Ảnh tư liệu. |
Cũng trong sách Lịch sử 60 năm hàng không dân dụng Việt Nam (1956-2016), ông Trần Ngọc Bích, nguyên phi công lái máy bay trực thăng Mi-6 xúc động kể lại câu chuyện tổ bay được ăn cơm cùng Bác Hồ khi đưa Bác về thăm lại chiến khu Tân Trào mùa Xuân năm 1961:
Trưa hôm đó, dù lãnh đạo địa phương tha thiết mời về nhà khách nghỉ nhưng được Bác trả lời "Bác sẽ vào sau, còn trưa nay Bác muốn ở ngay tại đây để được sống lại những ngày lịch sử. Các chú không phải áy náy gì chuyện ăn uống của Bác. Bác đã mang theo cơm rồi".
Thật bất ngờ, chúng tôi được ăn cơm cùng Bác. Bữa cơm được dọn ngay dưới gốc đa Tân Trào, bữa cơm tôi nhớ nhất trong đời.
Nắm cơm dẻo mịn được các đồng chí bảo vệ mang ra; một ít rau luộc, mấy trái cà muối, ít thịt rim và một đĩa giò. Tất cả được đặt trên tờ báo trải rộng. Chúng tôi đang lúng túng chưa biết phải làm thế nào thì tự tay Bác cắt cơm chia cho mọi người và bảo các chú cứ tự nhiên. Nghe lời Bác, anh em chúng tôi mới mang khẩu phần bánh mì của mình để góp vào bữa cơm với Bác. Khi các đồng chí ở địa phương mang đến hai con chim quay, Bác cảm ơn rồi đưa sang phía chúng tôi, bảo: "Răng Bác yếu không ăn được, các chú xé ăn kèm với bánh mì". Rồi Người lấy đĩa giò gắp cho mỗi người một miếng. Thấy chúng tôi có ý dành phần lại cho Bác, Bác nhắc: "Ăn đi, hôm nay Bác đã bảo chuẩn bị cho Bác cháu ta cùng ăn với nhau nên mỗi người đều có đủ một miếng đấy".
Lời nói và cử chỉ của Người sao mà gần gũi, thân thương đến thế. Vốn những người ăn sóng nói gió mà giờ đây tất cả chúng tôi đều lúng túng, thấy mình thật bé nhỏ trước tình thương của vị Cha già.
Ăn xong, Bác xuống suối rửa tay, rồi trở lại nghỉ ngơi dưới gốc đa, trò chuyện với mọi người. Bác hỏi anh em trong tổ lái về gia đình, quê quán đến chuyện học lái máy bay như thế nào. Người động viên chúng tôi phải gắng học tập rèn luyện hơn nữa để nhanh chóng đảm đương được những nhiệm vụ mới.