Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chuyến cách ly 'nhớ đời' của hàng chục người dân thôn Túy Loan

Một ca bệnh Covid-19 được phát hiện muộn đã khiến cả thôn nhỏ ngoại thành Đà Nẵng hoang mang. Hàng chục người phải vào khu cách ly tập trung vì cùng buôn bán, gặp gỡ người bệnh.

chuyen cach ly nho doi anh 1

"Cố lên! Sắp được về rồi", anh Nguyễn Văn Tuấn (39 tuổi, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) nói vọng từ bên ngoài khu cách ly ký túc xá phía tây thành phố (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu). Khoảng 40 người là người thân, hàng xóm, bạn bè của anh Tuấn ở thôn Túy Loan đang được cách ly tại đây.

Bản thân anh Tuấn cũng chỉ mới kết thúc 14 ngày cách ly và trở về nhà hôm 4/8. Anh từng là F1 của nữ bệnh nhân số 458.

"Tôi đã rất lo cho đứa con 4 tuổi của mình"

Chị Luyến nheo mắt cười, vẫy tay rối rít từ ban công tầng 4 của khu cách ly tập trung khi thấy anh Tuấn đến gửi nhu yếu phẩm. Những nụ cười trên môi chị nhiều hơn từ khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2. Đúng hơn là 2 kết quả âm tính của chị và cậu con trai 4 tuổi bất đắc dĩ phải đi theo mẹ vào khu cách ly.

Chị Đinh Thị Luyến (Hòa Phong, Hòa Vang) trở thành F1 khi thành phố Đà Nẵng chưa có lệnh giãn cách xã hội. Quán trà sữa của chị tại chợ Túy Loan hôm đó (25/7) vẫn mở cửa đến tối muộn. Trong quán, chỉ còn chị và hai người đồng nghiệp ngồi nói chuyện phiếm, đứa con trai 4 tuổi chạy nhảy xung quanh.

Một trong hai người đồng nghiệp tên Trinh ngày hôm sau đã không đến quán làm việc. Chị Trinh có dấu hiệu mệt mỏi sau nhiều ngày đi chăm mẹ ốm tại Bệnh viện Đà Nẵng.

“Tụi em yên tâm đi, chị chỉ bị viêm họng thôi”, chị Luyến nhớ lại lời trấn an của người đồng nghiệp.

chuyen cach ly nho doi anh 2

Chị Luyến (áo đen) và con trai trong khu cách ly ký túc xá phía tây Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Tân.

Không chỉ chị Luyến, cả Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, nơi đón chị Trinh đến khám vào đêm 26/7 cũng tưởng rằng nữ bệnh nhân chỉ sốt nhẹ. Theo báo cáo của trung tâm y tế, chị Trinh đã không khai tiền sử dịch tễ đi chăm sóc mẹ tại Bệnh viện Đà Nẵng nên sau khi khám, bác sĩ cho về nhà theo dõi.

Ngày 28/7, chị Trinh đến Trung tâm Y tế Hòa Vang khám thêm lần nữa và được kết luận dương tính với SAR-CoV-2 sau đó 2 ngày.

Lực lượng chức năng rà soát khắp xã Hòa Phong và chợ Túy Loan để tìm F1. Chị Luyến không có tâm trí nghĩ xem quán trà sữa đóng cửa thì sẽ nuôi 3 con nhỏ thế nào. Người phụ nữ tự nhốt mình trong nhà và xin chính quyền địa phương đưa đi cách ly tập trung.

Hai đứa con lớn được bố chăm sóc ở nhà. Chị và cậu con út 4 tuổi được đưa đến cách ly tập trung tại khu ký túc xá sinh viên phía tây Đà Nẵng trong sáng 30/7.

“Lúc đầu tôi rất lo sợ khi đưa con nhỏ vào khu cách ly. Nhưng để ở nhà thì càng lo vì chưa biết lây nhiễm thế nào”, chị Luyến tâm sự.

"Tình làng nghĩa xóm" trong khu cách ly

Ngày 29/7, nghe tin chị Trinh vừa có kết quả dương tính với Covid-19, anh Tuấn - bạn của bệnh nhân - vã mồ hôi hột. Anh mới đi uống cà phê với chị 9 ngày trước đó. Điều anh lo lắng hơn cả là sức khỏe của vợ con cùng những người dân trong xóm.

Chị Đặng Mỹ Lệ, vợ anh Tuấn, khuyên chồng nên khai báo y tế để đi cách ly tập trung. Anh Tuấn lập tức khăn gói đến Trung tâm Y tế xã Hòa Phong để khai báo tiền sử dịch tễ, sẵn sàng cách ly.

Sau đó, anh được đưa đến khu cách ly ký túc xá phía tây thành phố cùng khoảng 50 người dân thôn Túy Loan - các F1 của bệnh nhân 458. Chị Lệ và 2 con là F2, tự cách ly tại nhà.

"Anh ấy đi vậy mình lo lắng lắm. Mỗi ngày đều trông chờ kết quả. Đây không những là sức khỏe cả gia đình mà nguyên cả một khu xóm do thời gian đó hai vợ chồng tiếp xúc cũng nhiều", chị Lệ tâm sự.

Ở khu cách ly, anh Tuấn, chị Luyến và hàng chục người dân Túy Loan cũng có tâm trạng tương tự. Nếu chẳng may một trong số họ dương tính với Covid-19 thì bao nhiêu người thân, bạn bè sẽ bị liên lụy.

Mỗi phòng trong khu cách ly có 6 người, mọi người chỉ được di chuyển trong khu vực của mình và tránh tiếp xúc với các phòng khác. Dù bạn cùng phòng đều là người cùng thôn, giai đoạn đầu, không khí căng thẳng vẫn bao trùm.

Tiêu chuẩn của mỗi người là 2 lít nước uống và 85.000 đồng tiền ăn mỗi ngày. Ngoài ra, những người có con nhỏ như chị Luyến được cung cấp thêm sữa hộp và nhu yếu phẩm. Cuộc sống bên trong khu cách ly bớt khó khăn vì sự nỗ lực phục vụ của hàng chục chiến sĩ biên phòng, nhân viên y tế.

chuyen cach ly nho doi anh 3

Mỗi phòng trong khu cách ly đều được phun khử trùng 2 lần mỗi ngày. Việc vệ sinh cũng được cả phòng tự phân công để đảm bảo không gian luôn sạch sẽ. Ảnh: Phạm Ngôn.

Anh Tuấn kể điều khiến anh xúc động nhất trong những ngày cách ly là sự chăm lo của các chiến sĩ, nhân viên y tế. Dù phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít, rất nóng nực nhưng mỗi ngày, các nhân viên y tế, chiến sĩ bộ đội vẫn 5 lần 7 lượt leo lên các tầng lầu để theo dõi sức khỏe, đo thân nhiệt và phục vụ từng nhu cầu của người cách ly.

"Mọi người có cơm ngày 3 bữa, nước uống luôn đủ đầy, không thiếu một cái gì hết. Tôi rất cảm kích với sự trợ giúp của các chiến sĩ, tình nguyện viên ở đây và mong mọi người cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt qua giai đoạn này", anh Tuấn chia sẻ.

Ngày nhận tấm phiếu kết quả của Sở Y tế thông báo âm tính với SAR-CoV-2, anh Tuấn như trút được gánh nặng. Tiếp xúc với ca nhiễm từ ngày 20/7 nên anh Tuấn và 9 người khác chỉ còn phải cách ly tại khu cách ly tập trung 6 ngày. Ngày 4/8, anh được về nhà.

Ngay hôm sau, anh đã quay trở lại khu cách ly để tiếp tế cho 40 người còn ở lại và cũng để gửi tặng những phần quà cho những chiến sĩ bộ đội, nhân viên y tế tại đây.

"Mọi người dặn nhau phải luôn đeo khẩu trang, rửa tay hàng ngày và hạn chế tiếp xúc gần để tự bảo vệ bản thân trong những ngày cách ly còn lại", anh Tuấn chia sẻ.

Theo lời kể của chị Luyến, chị Trinh đã rất suy sụp trong những ngày đầu biết tin mình mắc Covid-19. Đó còn là sự dằn vặt khi "đẩy" nhiều người phải vào khu cách ly. Liên lạc qua điện thoại, Luyến phải liên tục an ủi và động viên để nữ bệnh nhân an tâm chữa bệnh.

"Tôi không trách, chỉ thương chị ấy vì phải vào viện trông người thân đúng lúc dịch bệnh bùng phát. Mọi người cũng đã có kết quả âm tính và chỉ còn đợi vài ngày nữa để được về nhà", Luyến tâm sự.

Khu cách ly ký túc xá phía tây TP Đà Nẵng (quận Liên Chiểu) có sức chứa 1.400 người. Mỗi phòng có 6 giường và 2 quạt điện. Người đến cách ly là thành viên trong gia đình hoặc đồng hương sẽ được bố trí ở chung phòng.

Thiếu tá Nguyễn Đức Tú, cán bộ Phòng Chính trị Bộ đội biên phòng Đà Nẵng, cho biết thành phần đến cách ly chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân từng tiếp xúc với bệnh nhân dương tính. Nhiều người hết hạn cách ly đã về địa phương. Khu cách ly hiện còn hơn 800 người.

25 chiến sĩ bộ đội biên phòng đã hơn một tuần chưa về nhà vì phải túc trực phục vụ người bị cách ly. Mọi người đều chưa biết công việc của mình khi nào sẽ kết thúc.

* Tên các nhân vật đã thay đổi.

Phong tỏa một thôn ngoại ô Đà Nẵng vì có 3 ca lây nhiễm cộng đồng

Thôn Lệ Sơn Nam (Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng) với hơn 1.600 nhân khẩu bị phong tỏa trong 14 ngày để cách ly và xét nghiệm Covid-19.

Ngọc Tân - Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm