Kết luận cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tối 5/8, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhiều lần dùng từ "rất phức tạp" để đánh giá tình hình dịch bệnh tại địa bàn.
Ông Chung cho rằng với các nguy cơ như hiện nay, thành phố cần chuẩn bị tinh thần đối phó với trường hợp các ca bệnh xuất hiện liên tục ngoài cộng đồng.
Tính toán, đề xuất nâng mức nguy cơ
Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, virus gây bệnh ở giai đoạn này đã biến đổi gene. Tỷ lệ người mắc không có triệu chứng rất lớn; bệnh dễ lây lan hơn trước và người mắc bệnh có diễn biến bệnh nặng nhanh hơn và dễ tử vong hơn.
Cùng với đó, dịch bệnh đã lan ra 11 tỉnh, thành, nhiều ca bệnh có lịch trình đi lại phức tạp, không loại trừ khả năng Hà Nội sẽ phát hiện thêm các ca dương tính ngoài cộng đồng.
"Xét nghiệm càng nhiều thì phát hiện càng nhiều, diễn biến dịch hiện nay đang rất nhanh", ông Chung lo ngại.
Chủ tịch UBND Hà Nội. Ảnh: Sơn Hà. |
Một việc nữa khiến người đứng đầu thành phố lo ngại là công tác rà soát, phát hiện sớm gặp nhiều khó khăn do lượng lớn người dương tính không có triệu chứng rõ ràng. Trong khi đó, tỷ lệ chính xác của test nhanh chỉ ở mức tương đối.
"Tỷ lệ chính xác chỉ khoảng 65-70%, vì vậy, sàng lọc khi test nhanh cho 80.000 người dân về từ Đà Nẵng không phải là tuyệt đối, không thể xác định chính xác có dương tính với SARS-CoV-2 hay không", ông Chung nói.
Ông Nguyễn Đức Chung lưu ý các đơn vị giám sát chặt các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân 620 ở Hà Nam, theo ông, đây là ca vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dù đã xác định và cách ly các trường hợp F1 đi cùng xe.
"Người đi vào bến xe, đi cạnh, hay đi gần bệnh nhân này thì chúng ta chưa phát hiện hết được. Những người đấy cũng có nguy cơ cao vì hoàn toàn không đeo khẩu trang", ông Chung lo ngại.
Đối với trường hợp nghi nhiễm vừa được CDC Hà Nội thông tin ở quận Bắc Từ Liêm, Chủ tịch UBND Hà Nội cho rằng đây là 1 ca rất đáng ngại. Người này có thời gian đi lại từ khi ở Đà Nẵng về rất dài, lên đến 14 ngày. Qua rà soát lịch trình, người này đã đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, ở cả các địa phương khác.
"Người này trước đó có thể đã ủ bệnh trong người, chụp X-quang có nốt mờ thì có nghĩa là lượng virus rất nhiều, khi đi lại lây lan càng dễ và càng nguy hiểm", người đứng đầu TP phân tích.
Hà Nội cân nhắc nâng mức cảnh báo nguy cơ dịch Covid-19. Ảnh: Việt Linh. |
Hà Nội đang thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng đối với các địa phương có nguy cơ thấp. Song, từ các lý do đã phân tích trên, Chủ tịch Hà Nội đề nghị các thành viên trong ban chỉ đạo của TP tính toán, đề xuất nâng mức nguy cơ.
Xét nghiệm lại bằng PCR cho người về từ Đà Nẵng
Chủ tịch TP yêu cầu tất cả trường hợp đi từ Đà Nẵng về Hà Nội từ ngày 15/7, dù test nhanh âm tính vẫn phải được lấy mẫu và xét nghiệm PCR. Trong khi chờ kết quả, những người này tự cách ly tại nhà và phải được xã, phường giám sát y tế.
“Có phải làm mấy chục nghìn, hàng trăm nghìn xét nghiệm cũng phải làm”, ông Chung chỉ đạo.
Những trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, dù trước đó không đi Đà Nẵng cũng phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm PCR. Sở Y tế liên hệ ngay với hãng hàng không quốc gia để xác định chuyến bay VN7198 có các trường hợp hành khách đi cùng 6 bệnh nhân dương tính mà Bộ Y tế công bố. Những người nào ở Hà Nội phải được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Sở Y tế và Bộ Tư lệnh thủ đô chủ trì việc lập lại và chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị tại các cơ sở cách ly tập trung, chuẩn bị cho việc tiếp nhận 800 người về từ Đà Nẵng sắp tới.
Chủ tịch thành phố yêu cầu cấm triệt để các quán bar, nhà hàng, quán karaoke, vũ trường, lễ hội, sự kiện thể thao đông người. Sở Y tế, CDC Hà Nội, làm công tác phân luồng cho người dân đến các cơ sở xét nghiệm Covid-19 của thành phố. Các đội phản ứng nhanh tại các quận, huyện đảm bảo làm việc 24/24h, sẵn sàng phản ứng khi có các diễn biến mới.