Chiều 3/8, kết luận cuộc làm việc trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tiếp tục yêu cầu quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc". Người đứng đầu chính quyền TP nhiều lần khẳng định Hà Nội đang bước vào giai đoạn "cao điểm".
Theo đó, số người lây nhiễm trên thế giới tăng nhanh liên tục, 1 triệu người mắc mới trong chưa đầy 3 ngày. Bên cạnh đó, với các ca mắc tại Đà Nẵng tăng nhanh như hiện nay, không loại trừ khả năng Hà Nội có thể tiếp tục xuất hiện bệnh nhân dương tính ngoài cộng đồng.
Hơn 89.000 người về từ Đà Nẵng
"Diễn biến xuất phát từ các tỉnh miền Trung, nay đã lan ra đến 9 tỉnh, thành phố. Chỉ sau 1 tuần Hà Nội đã rà soát được 89.000 người đi về vùng dịch; tuy nhiên, con số chưa phải cuối cùng", Chủ tịch Chung lưu ý các đơn vị.
Dẫn nội dung một số nghiên cứu của Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, ông Nguyễn Đức Chung khẳng định chủng virus mới đã đột biến gene, có nhiều yếu tố khó lường, nguy hiểm hơn. Trong đó, virus này lây lan nhanh hơn, tác động đến sức khỏe con người lớn hơn, đã có trường hợp tử vong.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Ảnh: TT. |
Ông bày tỏ lo ngại với ca bệnh mới nhất của Hà Nội là bệnh nhân 459. Khi ở sân bay chuẩn bị trở về Hà Nội, bệnh nhân này có thể đã tiếp xúc với người khác do lúc đó người dân đi lại rất đông.
Ngoài ra, ông cũng lưu ý ca bệnh mới phát hiện tại Đà Nẵng có lịch trình di chuyển liên quan đến một bến xe ở Hà Nội. Ông Chung yêu cầu Sở Y tế, CDC Hà Nội giám sát, điều tra dịch tễ kỹ trường hợp này.
Chủ tịch Hà Nội đánh giá những trường hợp có xét nghiệm âm tính chưa thể yên tâm do có người dương tính sau 13-14 ngày cách ly. Bên cạnh đó, gần một nửa số trường hợp dương tính không có biểu hiện.
"Có người hoàn toàn không vào bệnh viện mà chỉ đi ăn uống ở Đà Nẵng thôi cũng dương tính với Covid-19. Có những người dương tính cũng không có triệu chứng, chỉ xét nghiệm mới phát hiện được. Vì thế, các đơn vị phải thông báo rộng rãi cho người dân tự rà soát lịch trình để theo dõi sức khỏe", ông Chung yêu cầu.
Phân luồng bệnh nhân
Theo ông Chung, nếu tính 14 ngày từ khi Đà Nẵng bắt đầu dừng các chuyến bay đi các tỉnh, thành thì Hà Nội phải đến ngày 13/8, nếu không có ca lây nhiễm mới có thể yên tâm.
"Những ai đi qua Đà Nẵng, Quảng Nam và các địa phương có dịch thời gian vừa rồi phải rà soát lại trong thời gian đó có đi qua các địa điểm mà bệnh nhân từng đến vào đúng thời điểm đó không. Nếu có phải phải xác định đây là trường hợp F1", ông Chung nói.
Chủ tịch TP yêu cầu mọi người dân tự giác cách ly đúng quy định, theo dõi sức khỏe và khai báo kịp thời khi có các biểu hiện bất thường để được làm xét nghiệm. Sở Giáo dục và Đào tạo làm tốt công tác tuyển sinh đầu cấp và triệt để tuyển sinh qua mạng, không tập trung ở trường; chuẩn bị tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Sở Y tế quán triệt việc phân luồng bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn, yêu cầu mỗi bệnh nhân chỉ được có 1 người nhà chăm sóc, đảm bảo đủ nước rửa tay, khử khuẩn và mang khẩu trang. Các bệnh viện rà soát toàn bộ bệnh nhân trên địa bàn có bệnh nền nặng như tiểu đường, tim mạch, thận mà có triệu chứng bệnh lý để làm xét nghiệm.
Về năng lực xét nghiệm của TP, ông Chung cho biết trước đây Hà Nội có thể xét nghiệm 5.000-6.000 mẫu RT-PCR/ngày, nhưng giờ đây số lượng máy chỉ đủ làm cho 800 mẫu, bộ kiểm tra nhanh cũng sắp hết. Ông Chung giao cho các quận huyện tuyên truyền, động viên người dân bình tĩnh, tự cách ly, đo thân nhiệt và vệ sinh khử khuẩn.