Đúng ra thì không phải đến bây giờ người ta mới kể câu chuyện đá phủi mà ra gạo ra tiền. Từ hai chục năm về trước, nhiều siêu phủi Hà thành đã từng kiếm được những chỗ làm mơ ước nhờ tài chơi bóng.
Thời nào cũng có các “sếp” mê bóng đá và máu huy chương. Vậy nên Phát hành Báo chí mới tậu về toàn hảo thủ đi đưa báo như Trung “quẩy”, Chiến “san”, Gia Lưu…; Vườn thú Hà Nội mới sắm riêng đội quân hùng hậu chỉ khiêng cây cảnh như Minh Anh, Tùng “cóc”, Phong “lùn”… và nhiều cơ quan khác cũng tuyển bảo vệ, lái xe ăn lương cả năm nhưng chỉ làm việc mỗi khi mùa giải đến.
Nhưng mô hình “phủi doanh nghiệp” hồi ấy không phổ biến. Đa số cầu thủ phủi vẫn đi theo tiếng gọi của bầy đàn và của đam mê là chính.
Phủi thời nay không còn nhiều đội giữ được bản sắc, hay đơn giản là cái tên thuần làng xã như Triều Khúc. Ảnh: Quốc Bảo |
Phủi cũng như Lương Sơn Bạc, ới nhau một tiếng là từ Long Biên đến Văn Điển hội quân, hồn nhiên và hào sảng, chẳng cần biết giao kèo hay lót tay nó mặt ngang mũi dọc thế nào. Sau mỗi giải đấu toé lửa là bia Cường hói, là lẩu Phùng Hưng, là karaoke Bôm Bốp… Đơn giản thế thôi, rồi ai về nhà ấy, mỗi người mỗi việc, mỗi kế sinh nhai.
Bởi vậy mà phủi thời sân đất hay gắn tên đội nặng với yếu tố địa lý, khu vực, như Hàng Khoai, Tứ Liên, Cơ khí, Ngọc Hà… Còn phủi sân cỏ nhân tạo thời nay, khi yếu tố kim tiền đã len lỏi đến tận… đầu giường, thì danh xưng của các đội có xu hướng ngả dần về thương hiệu như EOC, H.A.T, Ecofoot…
Sự chung sống của doanh nghiệp và dân phủi là điều tốt, tốt cho cả người chơi lẫn các công ty có đam mê bóng bánh. Còn gì lý tưởng hơn khi cuộc sống của phủi và cả gia đình họ được chăm lo, đảm bảo nhờ… những ngón chân ngoan, mà các ông bầu lại nở mày nở mặt.
Tùng "búa tạ" (áo xanh) là một trong những cái tên đáng chú ý ở giải hạng Nhất phủi năm nay. Từ Tin lớn & Anh em, Tùng được "bưng" sang Nguyễn Trãi. Ảnh: Quốc Bảo |
Nhưng cái gì cũng có giá của nó. Mưu sinh là lẽ cốt yếu ở đời. Mưu sinh để đá bóng thì khác hẳn với đá bóng để mưu sinh. Khi sân phủi đã bị chi phối bởi bảng lương, quỹ thưởng, bởi những vị trí thơm tho, những chỗ đặt chân màu mỡ, thì đương nhiên, cái gọi là bản sắc hay sự trung thành ít nhiều sẽ bị suy hao.
Bây giờ không còn nhiều đội phủi chơi theo kiểu tình làng nghĩa xóm như Triều Khúc. Quân Triều Khúc toả đi tứ xứ thập phương làm lính lê dương, nhưng cứ đến giải lớn và danh giá như ngoại hạng phủi (HPL) là quy về một mối. Họ chỉ chơi bằng cây nhà lá vườn, chấp nhận những thiệt thòi về lực lượng và thành tích để bảo tồn giá trị của “xứ Basque giữa lòng Hà Nội”.
Các đội khác thì không phải lúc nào cũng khăng khít được như vậy. Họ dễ bị “xé bài” hơn, nhất là khi tiềm lực tài chính thì không hùng hậu mà lại đột nhiên “mọc” lên những ngôi sao phủi. Sao ấy đầu tuần mọc đằng đông, cuối tuần đã mọc đằng tây là chuyện bình thường.
Thế nên mới có chuyện FC Moon cựa mình một cái đã hoá thành đội bóng của một chi nhánh ngân hàng. Một cái tên đầy mộng mị thoắt biến thành trụ sở nhà băng. Và đi theo nó là những Hùng “con”, Sáng “Persie”, Dũng “Vàng”… đang từ Top 3 ngoại hạng phải xuống chơi hạng Nhất.
Bầu Dương, chủ nhân thực sự của FC Moon, gần như chỉ giữ lại được cái tên quý giá và một vài anh em sẵn sàng chơi bóng mà không lệ thuộc “cần câu cơm” vào ai cả. Năm vừa rồi là một năm hạn nặng của bầu Dương, khi công việc khó khăn, gia đình mất mát, và ngay cả đứa con tinh thần là đội bóng cũng trải qua một cuộc bể dâu. Nhưng mùa tới, bầu Dương vẫn quyết tâm tái thiết lại Moon dự HPL-S4, với những sự chung tay “vẫn còn nằm trong vòng bí mật”.
Bầu Dương và những người bạn đang bắt tay xây lại Moon sau cuộc chuyển giao lực lượng bất đắc dĩ. Ảnh: Quốc Bảo. |
Tình cảnh của bầu Dương có nhiều nét giống với Tin Lớn. Sau mùa giải HPL-S2 lên ngôi vô địch, “người đặc biệt” lái Tin lớn & Anh em theo chiều hướng “chân thiện mỹ” thay vì “chân tay miệng”, nhưng cuộc cách mạng này chưa kịp thành công thì đã chảy máu nhân tài.
Chỉ trong 2 năm, TL&AE đã phải chia tay với 2/3 lực lượng nòng cốt. Lâm “voi”, Tuấn “sệ”, Toàn “Siro”, Tùng “búa tạ” sang EMS Nguyễn Trãi, Nam về lại cố hương Tô Ký, Long đến Vinapros…
Trong sự thất vọng đến tột cùng, ông bầu “Mouri-teen” đã phải thở hắt ra trên facebook của mình rằng bóng đá phủi bây giờ “nhạt” quá, thực dụng quá, và các đội khác xin đừng rút ruột Tin lớn nữa.
Giữa vòng xoáy của những mối quan hệ, những cái bắt tay, những lời hứa hẹn… tiếng than vãn ấy rơi tõm vào hư vô. Vì thế giới phủi chẳng có luật gì ràng buộc.
EOC của bầu Diệm trong một thời gian ngắn đã được mệnh danh là Paris Saint Germain của phủi, khi ông sắm toàn hàng hiệu như Tuấn “bệu”, Cường “trắng”, Văn Duyệt… Cùng lúc ấy, Tin lớn vẫn hứa hẹn sẽ không bỏ HPL sắp tới, nhưng nếu không đủ quân, ông chủ của các hình xăm sẽ lấy gì để thi thố ở một sân chơi khốc liệt đường trường?
Còn quá sớm để nói đến chuyện các ngôi sao phủi sẽ có “lót tay”, các ông bầu phủi sẽ tính nước “đi đêm” hay các đội bóng phủi sẽ ra chế tài để giữ chân các tài năng. Nhưng điều gì cũng có thể xảy ra, khi bóng đá phong trào ngày càng tiến lên theo hướng chuyên nghiệp hoá.
Kết quả vòng 1 giải hạng Nhất phủi Hà Nội:
HBG – Coca: 2-2
Suzika Hữu Bằng – Vinapros: 5-2
Gia Việt – Nguyễn Trãi: 1-1
Phương Anh – Cộng: 1-1
BIDV Quang Trung – Du Lịch: 0-1
Dương Nội – EOC: 1-5
Giải hạng Nhất phủi Hà Nội (từ 24/4 đến 3/7/2016) gồm 12 đội bóng thi đấu vòng tròn tính điểm chiều chủ nhật hàng tuần tại sân bóng Bộ Công an. Hai đội Nhất, Nhì sẽ giành quyền lên chơi tại giải ngoại hạng phủi Hà Nội (HPL-S4).