Trong cuốn sách mới nhất của mình, Tranh Van Gogh mua để đốt, nhà văn Hồ Anh Thái không chỉ đề cập đến bức tranh xấu số của danh họa người Hà Lan, mà còn tạo ra vô vàn những bức tranh khác. Tiêu biểu nhất trong số đó là những bức tranh màu trắng. Hài hước nhất cũng là cảnh đặt tên cho những bức tranh trắng.
Zing.vn trích đăng một vài đoạn trong cuốn sách nhằm giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về câu chuyện hài này.
Cô diễn viên vẽ những bức tranh màu trắng
Sẽ có một cái lễ đặt tên cho những bức tranh... Nói cho cùng, đây không phải là một cuộc triển lãm hay trưng bày tranh. Nó là một sinh hoạt mang tính gia đình. Các họa sĩ, giới phê bình, giới văn nghệ sĩ đến trong một không khí thân tình...
Cuốn sách Tranh Van Gogh mua để đốt của Hồ Anh Thái. |
... Nói ra thì người đọc sẽ bất ngờ cho mà xem. Sẽ ô lên a lên hầm lên hứ lên. Họa sĩ vẽ tranh là chuyện như người nông dân phải đi cấy lúa. Không có việc gì phải ô a hấm hứ. Đấy là lý do muốn cho người ta kêu trời kêu đất lên thì nhà thơ phải vẽ tranh.
Bôi quệt sơn dầu cho màu thật rợ thật gắt cũng được, vẽ không ra hình họa thì mông lung siêu thực cũng được, miễn là vẽ lên toan. Muốn cho người ta trời ơi đất hỡi kêu lên thì diễn viên phải đi làm đạo diễn, ảo tưởng rằng mình tự nâng cấp lên đời. Muốn cho người ta ố á thì ca sĩ viết văn, cứ lấy mình ra mà tự truyện, không chỉ cô ca mà cô còn la, cô không chỉ biết lấy hơi mà cô còn được coi là có chữ.
Bây giờ là chuyện cô diễn viên bỗng nhiên phát tiết hội họa. Chính là cái cô được tuyển về làm diễn viên đóng cái vai nửa Mông nửa Kinh. Cũng chính là cái cô được vợ chồng sếp tuyển vào làm con gái nuôi. Chính là cái cô không đọc được kịch bản, hễ nhìn thấy chữ là lên cơn đau đầu.
Cũng chính là cái cô phát hiện ra cả mấy giá sách không chữ, những cuốn sách không chữ đã lôi kéo cuốn hút cô, biến cô thành con mọt sách. Cô đã mê mải say sưa quên ăn quên ngủ như thể đọc bù cho vài chục năm qua không đọc sách.
Chính là cô gái ấy. Đọc sách giấy trắng triền miên cho đến một ngày cô ta lôi mấy tờ giấy A3 ra, vẽ. Vẽ lại những cảnh những người mà cô thấy hiện lên từ những cuốn tiểu thuyết giấy trắng. Người ta nhìn vào những cuốn giấy trắng ấy không đọc được gì. Cô thì đọc được. Người ta nhìn vào cuốn sách giấy trắng không thấy gì. Cô thì thấy. Cô bèn vẽ lại những gì cô thấy.
Cô đi mua màu vẽ bút vẽ. Mua những tấm toan to nhỏ các cỡ. Căng toan lên trên giá vẽ như họa sĩ chuyên nghiệp. Pha màu dầu rồi bôi trát rồi quệt rồi băm. Cô vẽ lại những cái cô thấy trong những cuốn sách giấy trắng. Giải thích. Đây là cảnh thành Rome đang cháy và ở tiền cảnh bạo chúa Nero tìm thấy cảm hứng cho một thiên trường ca.
Sếp nghe cô giải thích mà ngơ ngác mất một lúc. Tấm toan hoàn toàn trắng. Nói cho chính xác, nó được bôi cho hoàn toàn trắng. Những mảng sơn dầu trắng. Những vẩy sơn dầu những đường nét sơn dầu chạy dọc chạy ngang đều màu trắng. Cô mua về cả một bộ màu dầu, nhưng chỉ dùng mỗi màu trắng. Lửa màu trắng. Bạo chúa Nero màu trắng. Thành Rome màu trắng.
Nghe cô giải thích mới biết thế. Còn thì ai nhìn vào cũng chỉ thấy đấy là một tấm toan màu trắng.
Trắng. Tổng hợp của tất thảy các màu trên thế gian này. Là màu của mọi màu. Là ánh sáng của mọi ánh sáng. Cảm xúc của mọi cảm xúc. Lời của mọi lời. Vua của màu sắc. Vua của thị giác. Vua của cảm giác. Vua của ngôn ngữ.
Bức tranh màu trắng. Nó là vua của mọi bức tranh.
Chỉ trong một tháng, khắp nhà đã la liệt những bức tranh cô vẽ. Tất cả đều màu trắng. [...] Những bức tranh màu trắng treo khắp phòng cô. Một số bức phải mang ra dựng tạm ở phòng khách. Nhiều bức phải úp vào nhau vì không còn chỗ bày. Bỗng nhiên căn phòng cô trắng tinh cả ra.
Sếp và mọi người nhìn thấy thế. Riêng cô thì kêu bức này màu hơi nóng bức kia màu hơi rợ bức nọ hơi tối. Kêu tối rồi còn bật thêm đèn lên để cho căn phòng bớt vẻ u tối tỏa ra từ các bức tranh.
Nhưng ai cũng chỉ thấy đấy là những bức tranh trắng. Trắng tinh. Trắng xóa. Trắng bạch. Trắng muốt. Trắng hếu. Trắng nhởn. Trắng mù như sương. Trắng nhờ nhờ như khoảng sáng trước bình minh.
Bi hài những câu chuyện quanh bức tranh màu trắng
Những bức tranh chỉ có thể cảm nhận trên gương mặt đứa con gái nuôi làm sếp nảy ra một ý. Gọi các họa sĩ các nhà phê bình mỹ thuật đến, làm một cái lễ đặt tên cho tranh. Tranh chỉ có thể một, độc bản.
Nhưng mỗi người xem bức tranh ấy nhìn thấy một bức tranh theo kiểu riêng của mình. Bao nhiêu người xem thì có bấy nhiêu bức tranh. Bao nhiêu họa sĩ đến xem thì có bấy nhiêu cái tên đặt cho bức tranh.
[...] Cánh văn nghệ sĩ dạo qua trước những hàng tranh như nguyên thủ quốc gia duyệt đội danh dự. Sếp và cô gái tháp tùng họ như nguyên thủ quốc gia nước chủ nhà và cục trưởng cục lễ tân.
Nói cho có vẻ vậy thôi, cuộc duyệt tranh cũng chẳng có nghi thức nào cả, cánh họa sĩ thì khó nhất là bắt được họ đi đúng hàng đúng lối. Người chen ngang kẻ chen dọc. Có khi rúm vào một chỗ co cụm, nhưng có khi trước một bức tranh chả có ma nào.
Điều động phân bổ nhân sự sao cho hợp lý lúc này là việc của sếp. Sếp thầm nhận lấy các trách nhiệm này. Sếp kéo một nhà phê bình đến xem một bức tranh khác chưa ai ngó đến. Cứ thế, gần ba chục bức tranh đều được duyệt qua.
Tác phẩm mới nhất của Hồ Anh Thái không chỉ đề cập đến bức tranh xấu số của Van Gogh mà còn dựng lên số phận của hàng chục bức tranh màu trắng. |
Nhà phê bình mở đầu bằng bức tranh đặt chính giữa. Có lý luận, sự lựa chọn của ông bao giờ cũng phải có hàm ý triết học, chưa biết hay dở thế nào, nhưng bức tranh ông chọn phải là cái ở tâm điểm. Ông chỉ vào một bức tranh trắng xóa dõng dạc mà rằng ông đặt tên cho bức tranh này là Phần chìm của tảng băng trôi.
Ai cũng biết ở Bắc Cực và Nam Cực, một núi băng trôi trước mắt ta, núi thì núi thật, nhưng đấy chỉ là phần nổi nhỏ nhoi, cái phần chìm của nó mới đồ sộ gấp trăm lần, mới là cả dãy núi ngầm bên dưới mặt nước đóng băng lạnh giá.
Ông nói mà không giấu vẻ đắc ý về lời khen cũng to lớn ngấm ngầm như hình ảnh tảng băng trôi. Có phải ông hàm ý bộ tranh màu trắng này cũng là phần chìm của tảng băng trôi. Hay là ông cho rằng ý nghĩa triết học mỹ học của những bức tranh mang tính chìm sâu ẩn giấu.
[...] Nhà phê bình đã mở màn rồi. Cũng coi như đã đập mở cửa đập. Đập tràn. Thế là khai thông cho một dòng ào ào tràn tới. Họa sĩ trồng chuối lập tức tận dụng thời gian. Gọi là họa sĩ trồng chuối vì anh ta chuyên tập yoga, có động tác dốc đầu, quần áo trên người thì cởi mở theo kiểu cởi hết ra mở hết ra, dốc ngược đầu trồng cây chuối thì có quả chuối hột trổ ra ở chỗ lưng chừng trời.
Họa sĩ chuối hột tâm đắc với bức tranh số hai bên phải, anh ta đề nghị đặt tên nó là Hôn lễ trắng. Có sự tích hẳn hoi, mới đây trên Đà Lạt có đám cưới của một ca sĩ với một đại gia. Ca sĩ trường giọng kiêm trường túc, đại gia kiêm đại tràng, rất là đôi lứa xứng đôi.
Người đến dự đám cưới đều phải cung cấp trước số đo quần áo, đến nơi thì được phát mỗi người một bộ trắng. Nam ký giả trắng. Nữ vét trắng váy trắng. Cả đám cưới trắng toát cả ra. Trắng phơ tưng bừng trắng mênh mông. Bây giờ nhìn bức tranh này, họa sĩ chuối hột nhận ra nó là cảnh hôn lễ trắng.
Đổ nước mắm vào khán phòng
[...] Người ta chưa kịp nghiền ngẫm hết ý nghĩa cái tên của họa sĩ thì một người nhảy vào. Tóc không có nhưng bù lại bằng râu. Đúng kiểu tóc bỏ chạy từ trên đầu xuống mọc nhầm ở mép và cằm. Anh ta bảo vô phép các anh chị, em thiết kế trang phục nghe có vẻ ngoại đạo nhưng xuất thân cũng có tí mỹ thuật, em thấy bức tranh số chín kia nó là Góa phụ trắng.
Trắng xóa như thế suy ra là góa phụ trùm kín khăn xô áo xô là đúng rồi. Ở phương Tây nó là góa phụ đen nhưng ở ta thì góa phụ phải trắng. Góa phụ đen máu lạnh đi báo thù giết người không ghê tay. Góa phụ trắng thì ngậm ngùi cắn răng mà chịu, thủ tiết chờ chồng nuôi giai. Tức là nuôi con trai, như hề chèo đã nói.
Cứ thế mà suy ra tên cho bức tranh kia, một cách suy diễn theo kiểu vui béo là đẹp, tối là đêm sáng là ngày. Có khi cũng là kiểu tư duy dắt dây móc xích, trước đấy họa sĩ chuối hột có bức Hôn lễ trắng thì bây giờ nhà thiết kế trang phục tiếp nối bằng Góa phụ trắng. Góa phụ là hệ quả tất yếu của hôn nhân.
[...] Những bức tranh lần lượt đều có tên. Có bức vài ba cái tên. Thêm Giao hưởng trắng, Khói trắng, Những cuộc tình màu trắng. Nhiều trắng quá. Giả sử mở một cuộc triển lãm, tên triển lãm sẽ là Trắng. Một chữ thôi. Trắng. Triển lãm đã tên là trắng rồi, những bức tranh không nên cái nào cũng có chữ trắng.
Nó có vẻ cố tình sắp đặt dàn xếp ép uổng áp đặt khiên cưỡng. Nên tự nhiên hơn. Tuyết Sa Pa chẳng hạn. Tàu phá băng nguyên tử chẳng hạn. Con tàu màu trắng đang đâm vỡ những núi băng Bắc Cực cũng trắng. Săn gấu tuyết chẳng hạn.
Người đi săn trên tuyết thường ngụy trang bằng quần áo trắng, đối tượng cuộc săn là con gấu tuyêt lông cũng màu trắng. Săn gấu tuyết nhất định phải là bức tranh trắng tuyền. Giống như người châu Phi đi đêm không cầm đèn nhất định phải là bức tranh đen tuyền.
Các giám khảo tha hồ đấu hót. Bao nhiêu khôn ngoan khôn khéo khôn xảo. Mở tung cái túi càn khôn cho bao nhiêu thông minh vù vù bay ra. Như ong. Đấu hót các giọng điệu các cung bậc. Như chim. Vườn treo hàng chục lồng chim. Họa mi sơn ca vàng anh hót. Bồ câu chim ngói chim cu gù. Vẹt và sáo the thé tiếng người. Chèo bẻo chào mào chim ri chim chích chim sẻ chí cha chí chóe.
Nhà văn Hồ Anh Thái. |
Sếp cố tình mời cánh văn nghệ này đến đây. Ý định có chút tinh quái để xem họ tự cởi hết ra mở hết ra. Cởi mở hết cái khôn lanh được gọi là trí tuệ của họ. Để được xem cái vô minh của họ. [...] Sếp chỉ nhìn mặt đứa con gái nuôi mà biết những cái tên đám kia xướng lên là ông chẳng bà chuộc. Thì đã nói những bức tranh in dấu trên gương mặt ấy. Gương mặt cô không biến sắc.
Những cái tên xướng lên không làm cho nó xao động. Thì cô ta là một diễn viên mặt phẳng, đến cái khả năng điều khiển cơ mặt cũng không. Nhưng những bức tranh màu trắng mà cô vẽ cô nhìn thấy trong ấy những hình ảnh mà không ai nhìn thấy...
Hành nghề nghệ thuật thị giác mà thú nhận rằng mắt mình không thấy thì như đàn ông phải tự thú mình đang uống viagara. Thế là luôn ra những là Tảng băng trôi với Hôn lễ trắng, Góa phụ trắng, Hai bàn tay trắng, Cuộc tình màu trắng. Mỗi cái tên đọc lên là ông đọc thấy lời phán quyết trên gương mặt cô gái. Cô không nói một lời.
[...] Họ cũng nực cười. Họ cũng lẩn thẩn. Làm một cái nghề không nhất thiết phải miêu tả hiện thực mà lại cứ luẩn quẩn tìm ý tìm nghĩa của những hình ảnh hiện thực. Làm gì có hình ảnh hiện thực trong những bức tranh kia. Họ nghĩ rằng con bé này hoang tưởng, nó to gan dám vẽ dám múa rìu qua mắt thợ, họ giả vờ chơi trò chơi của ông, họ đi tìm kiếm hình ảnh hiện thực.
Họ giả vờ chơi hay thật chơi thì chỉ có sếp biết rằng họ đã hố to. Ông mới là người điều khiển cuộc chơi, ông dẫn dụ họ vào cái bẫy hiện thực và thấy họ đã sa bẫy.