Sau một ngày dài, có những người mãn nguyện nở nụ cười trên môi, thoải mái chìm sâu vào giấc ngủ không mộng mị. Lại có kẻ đối diện với chính mình bằng gương mặt âu sầu, mệt mỏi, để rồi nửa đêm bị đánh thức bởi cơn ác mộng. Tại sao giữa họ có sự khác biệt? Bởi không phải tất cả mọi người đều dùng một cách giống nhau để đối xử với cuộc đời này.
Có những người sống một cách tự nhiên, bản năng không toan tính. Lại có kẻ coi đời sống là một sân khấu lớn, nếu chiều lòng được thiên hạ, ắt hẳn sẽ thu được món hời. Thế nên, lượm lặt hết những hỉ, nộ, ái, ố của một kiếp người bình thường cũng có nhiều điều khiến ta phải suy ngẫm.
Tập truyện ngắn Sa lan đỏ bãi xanh của nhà văn Văn Thành Lê được viết nên từ câu chuyện của những kiếp người bình thường, bình thường nhưng không bình dị.
Mười hai truyện ngắn tựa như 12 mảnh ghép khác nhau của cuộc sống, sẽ cho độc giả những chiêm nghiệm riêng, để từ đó mỗi người trong chúng ta hiểu hơn về chính mình.
Khi cuộc đời biết thành sân khấu lớn
Sách Sa lan đỏ bãi xanh. |
Phần lớn các truyện ngắn trong Sa lan đỏ bãi xanh đều có chất giễu nhại và châm biếm. Đó là những tác phẩm mà khi đi đến hồi kết người đọc sẽ muốn tặng cho nhân vật một cái nhếch môi.
Có những kẻ cả đời chỉ dám “diễn” chứ không hề sống thật, mải miết chạy theo dư luận để nhận được những điều giả dối, vài cái danh hão không hơn, không kém.
Đó là Can, một sếp lớn trong truyện ngắn Hạ huyệt an toàn. Tác giả đã giới thiệu Can với bạn đọc bằng đám tang của chính hắn ta. Phút giây tiễn biệt, âm dương chia lìa cũng chính là lúc những câu chuyện về người đã khuất được nhắc đến nhiều nhất, rành mạch và không giấu giếm. Người chết rồi thì đâu còn quyền lực, thế nên chẳng ai phải sợ.
Can, kẻ đã đưa chân vào chốn quan trường bằng mánh khóe và lừa lọc, chắc hẳn sẽ mong một ngày được “hạ cánh an toàn”. Phải chăng, cái chết chính là một phương án an toàn dành cho hắn?
Văn Thành Lê đưa người đọc đến một đám tang bất thường, nơi mà bà quả phụ bình thản không tỏ chút đau lòng. Một gia đình yên ấm mà xưa nay thiên hạ vẫn thấy hóa ra chỉ là một thứ vỏ bọc để nhân vật chính nhẹ bước trên đường quan lộ. Gia đình, tình nghĩa vợ chồng, tất cả những thứ thiêng liêng ấy đã bị nhân vật chính vứt bỏ để đổi lấy những phút giây đắm đuối ngoài luồng.
Yêu nghệ thuật là một điều đáng trân trọng, nhưng không phải ai cũng có thể làm thơ hay trở thành một nhà thơ. Khi tài năng có hạn, những kẻ háo danh và cuồng tín sẽ tìm “cửa sau” để luồn lánh.
Không cần biết thế nào là vần điệu, tứ thơ hay hình tượng nghệ thuật, chỉ cần một tờ giấy chứng nhận vô hồn cũng đủ để nhà thơ “vô duyên” với thi ca diễn nốt vai của mình trong truyện ngắn Nhà thơ cấp nước.
Mặc cho đời lừa dối, hãy cứ hồn nhiên tin vào điều thiện
Đằng sau những mưu toan và mánh khóe được miêu tả bằng ngòi bút châm biếm đầy hài hước, nhà văn Văn Thành Lê vẫn tin vào lòng tốt của con người, tin vào cái thiện.
Mầm mống của sự lương thiện dù nhỏ nhoi đến đâu, một khi đã được gieo lên trong tâm hồn, nó sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để chống lại những thứ xấu xa.
Tác giả Văn Thành Lê. |
Cổ nhân có câu: “Nhân chi sợ, tính bản thiện”. Con người sinh ra đều mang trong mình mầm thiện và muốn được sống lương thiện. Sâu thẳm bên trong những con người đã dùng sự dối trá, lọc lừa để đối diện với cuộc đời đều có những ngọn lửa lương thiện đang âm ỉ cháy.
Để bảo vệ cái thiện và những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, đôi khi người ta cảm thấy mệt mỏi. Đó là câu chuyện buồn của Yên, nhân vật chính trong Sa lan đỏ bãi xanh.
Cô yêu quê hương mình, yêu bãi Xanh với những cây sa lan đỏ. Chúng là “ân nhân cứu mạng” của cô trong một lần bị rắn cắt từ thuở còn con gái. Yên muốn giữ lại bãi Xanh, giữ lại những ngôi mộ của người Thượng, giữa lại những dấu ấn văn hóa tốt đẹp của mảnh đất quê hương… Nhưng cô đành bất lực khi chỉ có một mình.
Người chồng và cũng là người cộng sự mà bấy lâu nay Yên tin tưởng đã chọn một hướng đi khác. Con đường của danh vọng, tiền tài và không có chỗ cho những giá trị truyền thống.
Với họ, bản hợp đồng khai thác quặng béo bở sẽ được thực hiện trong nay mai mới là thứ thiêng liêng nhất. Cuối cùng, một con người tưởng chừng đã lùi sâu vào dĩ vãng lại là cứu cánh giúp Yên tìm thấy sự an bình.
Đọc Sa lan đỏ bãi xanh, độc giả sẽ thấy một Văn Thành Lê đa dạng và cá tính trong cách kể chuyện. Cái cách anh châm biếm, giễu cợt những thói hư, tật xấu của những con người thực dụng xã hội hiện đại cũng rất hóm hỉnh mà có duyên. Cách truyện ngắn của anh thu hút người đọc ở lỗi kể tự nhiên, gần gũi và dung dị như cái cách chúng ta vẫn chia sẻ cho nhau những câu chuyện nhỏ hàng ngày.
Đọc Sa lan đỏ bãi xanh, đôi khi chúng ta phải giật mình vì những truyện ngắn quá đỗi chân thực. Họ là những con người mà ta có thể gặp ở bất cứ đâu trong đời sống, là các “diễn viên không chuyên” đang cố gồng lên để diễn tròn vai trên sân khấu cuộc đời.