Thực hiện mong muốn tái dựng và duy trì không gian văn hóa truyền thống quây quần kể chuyện bên bếp lửa của người Mông, buổi ra mắt tuyển tập truyện cổ tích của người Mông Chuyện bên bếp lửa - Qub xwm Hmoob cuab xeem và giao lưu cùng nhóm biên soạn đã diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.
Bìa sách Chuyện bên bếp lửa – Qub xwm Hmoob cuab xeem |
Dự án được thực hiện bởi Nhóm hành động vì sự phát triển của cộng đồng người Mông (ADH), Nhóm Tiên phong vì tiếng nói người dân tộc thiểu số, Mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa dân tộc Thái (VTIK) dưới sự tài trợ và hỗ trợ bởi tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), Tổ chức ChildFun, Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi (CSĐM), Liên mình Châu Âu (EU), Sứ quán Ireland, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và tổ chức Plan Quốc tế.
Nhóm biên soạn gồm các thành viên Khang A Tủa, Mùa Thị Mua phụ trách sưu tầm và dịch truyện, họa sĩ Nguyễn Thế Linh vẽ minh họa. Cuốn sách giới thiệu 3 tác phẩm kinh điển đại diện cho 3 thể loại truyện dân gian phổ biến: truyện về thiên nhiên và con người, truyện về lịch sử người Mông và nhân loại, truyện lý giải các thực hành văn hóa của người Mông.
Nhóm biên soạn còn xây dựng hệ thống chú thích, phụ lục rất chi tiết nhằm lý giải, phân tích kỹ hơn về những câu truyện và văn bản chữ Mông cho bạn đọc tham khảo.
Nhóm biên soạn gồm các thành viên Khang A Tủa, Mùa Thị Mua và Nguyễn Thế Linh. |
Thành viên Khang A Tủa chia sẻ từ những ngày đầu, khi mới có ý tưởng sưu tầm lại những câu chuyện cổ tích để lưu giữ truyền thống, tiếng nói và chữ viết Mông đến khi cuốn sách thành hình là một hành trình dài nhiều khó khăn.
Bằng cách liên lạc với nhóm bạn trẻ người Mông ở Hà Nội, cùng đọc tài liệu, nhớ lại những câu chuyện kể được nghe từ cha mình - vốn là người giữ vai trò thầy mai mối trong cộng đồng Mông ở quê hương, A Tủa dần xây dựng được nhóm dự án và hoàn thiện phương pháp thu thập tư liệu.
Trong quá trình vừa làm vừa sửa đó, anh đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của các thành viên chủ chốt khác là Mua và Linh.
Gìn giữ bản sắc người Mông
Trên những hành trình về các bản làng người Mông nằm rải rác khắp núi rừng miền Bắc, nhóm cũng xác định được những thách thức mình cần phải vượt qua. Đầu tiên là thực trạng biến mất dần của không gian văn hóa kể chuyện bên bếp lửa khi truyền hình và điện ảnh được phổ cập đến các bản làng và nhanh chóng thu hút sự chú ý của người dân.
Bếp lửa vẫn là nơi diễn ra mọi hoạt động thường nhật của người Mông, nhưng nếu với những thanh niên thuộc thế hệ 9X trở về trước, ký ức của những tối quây quần bên gia đình luôn gợi đến những câu truyện cổ tích được kể bởi người lớn tuổi trong nhà thì hiện nay với các em nhỏ, câu chuyện chủ yếu xoay quanh tình hình đi học của các em, tình hình kinh tế ở nhà.
Trẻ em người Mông vẫn luôn hào hứng với những truyền thống của cha ông nhưng không còn nhiều dịp để nghe và những câu chuyện cũng theo đó mà dần bị lãng quên bởi chính những người cha, người mẹ, ông bà trong lúc bận rộn đuổi theo nhịp sống hiện đại.
Tranh vẽ minh họa truyện “Sự ra đời các dòng họ người Mông” trong sách. |
Khó khăn thứ hai là sự thiếu nhất quán trong phương ngữ, chữ viết khi dịch giữa tiếng Mông và tiếng Kinh. Mặt khác chữ viết Mông cũng đang bị mai một. Trải qua bốn lần tan rã, tái định cư từ thuở xa xưa, nội bộ trong cộng đồng người Mông cũng xuất hiện nhiều đứt gãy trong niềm tin và tín ngưỡng.
Người Mông hiện nay chia thành nhiều nhánh văn hóa với những hệ tư tưởng khác nhau. Điều này khiến ban biên soạn lúng túng trong việc chọn lựa một dị bản truyện được nhiều người Mông cùng đồng tình để đưa vào sách hay xác định các nét bản sắc quan trọng của người Mông cần được giữ gìn.
Trên hành trình của mình, nhóm biên soạn của A Tủa nhận được nhiều tình cảm từ đồng bào Mông ở khắp nơi trên cả nước, được mời tham dự nhiều buổi tối sinh hoạt bên bếp lửa nghe chuyện cổ, phân tích văn hóa từ những người cao tuổi hay có khi là thành viên nhóm chủ động tổ chức các buổi kể chuyện cho các em nhỏ và nhận được sự góp ý giúp hoàn thiện câu chuyện từ các em.
Theo A Tủa, thông thường truyện cổ tích hay được kể ở hai nơi, đó là trên giường để ru những đứa trẻ chìm vào giấc ngủ và bên bếp lửa để tạo tiếng cười, tạo động lực cho những đứa trẻ phụ người lớn làm việc nhà từ tẽ ngô, nhặt trấu, cắt cỏ bò, thái rau lợn đến nấu cơm, rửa bát.
Những câu truyện được kể trên giường ngủ thường tập trung vào vần điệu, còn những câu truyện bên bếp lửa thường được phân tích, lý giải chi tiết hơn, giúp người nghe hiểu hơn về những bài học từ truyện dân gian.
Qua trao đổi và nhận sách đọc tại sự kiện, nhiều khán giả đã hiểu rõ hơn về chữ viết, lịch sử dân tộc Mông và các tập tục, tín ngưỡng của họ và đưa ra những góp ý để nhóm biên soạn có thể hoàn thiện hơn cuốn sách, chuẩn bị cho dự định phát hành ấn bản đầy đủ chính thức vào tháng 8 theo kế hoạch.
Hình ảnh trong sách. |
Cuốn sách Chuyện bên bếp lửa đã được trưng bày và giới thiệu lần đầu tiên trong chương trình nghệ thuật “Tôi tin tôi có thể 2018” với chủ đề “Tri thức bản địa - Mạch sinh nguồn sống” vào ngày 2/6 tại Trung tâm triển lãm số 93 Đinh Tiên Hoàng - phố đi bộ Hồ Gươm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hiện tại sách đang được nhóm dự án chia sẻ miễn phí cho các độc giả quan tâm qua kênh truyền thông trên Facebook của dự án (trang Action for Hmong Development - AHD) hoặc liên hệ trực tiếp với trưởng dự án Khang A Tủa.