Ngày nay, nhiều học sinh rơi vào trạng thái bất lực, tuyệt vọng trong thi cử. Nhà trường, thầy cô và bố mẹ đều đặt lên vai con, em mình gánh nặng quá lớn.
Năm 2015, một nữ sinh viết tâm thư, trong đó có đoạn: “Bố mẹ à, con thực sự muốn làm bố mẹ vui nhưng chuyện thi vào trường chuyên thực sự khó quá. Con đôi khi đã nghĩ đến cái chết vì thấy mình bất tài, vô dụng. Xin bố mẹ hãy hiểu cho con. Con yêu bố mẹ nhiều..”
Là nữ sinh lớp 9, lứa tuổi đó, con trẻ cần được thấu hiểu, lắng nghe chứ không phải lúc nào cũng lo sợ, hoang mang. Nghịch lý ở chỗ bố mẹ mải mê kiếm tiền, hy vọng con cái được học tập ở môi trường tốt, thế nhưng lại không hiểu con mình cần gì nhất.
Kinh nghiệm nuôi dạy 3 con trai được TS Mỹ Linh đúc rút trong cuốn 50 bài học giáo dục. |
Có một người mẹ từ bỏ danh vọng, khi đang trên đỉnh cao sự nghiệp để nuôi ba con trai học Stanford - trường đại học danh tiếng nước Mỹ. Phương pháp giáo dục con của Trần Mỹ Linh (người Hong Kong) được đánh giá là tiến bộ và độc đáo.
Những kinh nghiệm đúc rút trong suốt mấy chục năm dạy dỗ con của bà được gói gọn trong cuốn sách 50 bài học giáo dục. Cuốn sách được viết đơn giản, khúc chiết, đưa ra những vấn đề cha mẹ cần lưu tâm, những mục tiêu giáo dục, phương pháp bồi dưỡng con hiếu học và gợi ý ứng phó với con trong giai đoạn dậy thì.
Truyền cho con khả năng vận dụng tri thức, Trần Mỹ Linh còn dạy con cách đối nhân xử thế, mở rộng tấm lòng để tâm thanh thản. Bà cho rằng tình yêu là một kinh nghiệm nhân sinh quan trọng, nên không hề cấm con yêu đương ở những năm tháng trung học.
Với cách giáo dục khoa học, tập trung cả năng lực thể chất, trí tuệ và tinh thần, Trần Mỹ Linh đã đưa cả ba con trai vào Đại học Stanford. Với bà, đây là niềm tự hào lớn lao, bởi bà đã hoàn thành nhiệm vụ trao cho con món quà lớn nhất - đó chính sự giáo dục của người mẹ.
Cuốn sách là một cẩm nang cho phụ huynh nào muốn hiểu tâm lý con mình. |
50 bài học giáo dục từ người mẹ có 3 con trai theo học Stanford chính là cuốn cẩm nang mà bất cứ bố mẹ nào cũng nên có để thấu hiểu tâm lý, tình cảm của con mình.
Những trái tim nhỏ bé cần nhận được sự ấm áp, yêu thương, niềm tin và sự ủng hộ từ chính người thân để từ đó là động lực giúp trẻ hoàn thiện từng ngày.
Trần Mỹ Linh sinh năm 1955 tại Hong Kong, năm 1969 nổi tiếng khắp Hong Kong, Đài Loan và Đông Nam Á với ca khúc Circle Game, năm 1972 được biết tới tại Nhật Bản với ca khúc Hoa ngu mỹ nhân.
Ban đầu, Trần Mỹ Linh theo học chuyên ngành quốc tế học tại Đại học Sophia, Nhật Bản, sau đó tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học trẻ em và xã hội, Đại học Toronto, Canada.
Năm 1985, lần đầu trở về nước biểu diễn, cô được yêu thích với ca khúc Chim én trở về. Cùng năm đó cô kết hôn, năm sau sinh con trai đầu lòng.
Năm 1989 cô tới Mỹ theo học chương trình tiến sĩ giáo dục học của Đại học Stanford. Trong thời gian du học, năm 1989 cô sinh con trai thứ hai. Năm 1993 cô lấy danh hiệu Tiến sỹ giáo dục học. Năm 1996 cô sinh con trai thứ ba.
Sau đó, ngoài việc tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, cô còn là nhà văn viết tùy bút, đại sứ thiện chí châu Á của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, đại sứ nụ cười hiệp Hội chống Ung thư Nhật Bản, giáo sư thỉnh giảng Đại học Baptist Hong Kong.
Năm 2015, tiếp nối anh cả, anh hai, con trai thứ ba của cô cũng được nhận vào Đại học Stanford.