Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ái tình, dục vọng trong câu chuyện về nàng Lolita của văn chương Nhật

Khi yêu, kẻ cuồng si luôn mong muốn chiếm được thế thượng phong. Nhưng trong tình trường ai là con sói, ai là gã thợ săn là điều khó có thể đoán định?

Tình yêu luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với các văn nhân. Đều là rung động, khao khát, nhớ nhung, hờn giận… nhưng qua cái nhìn của mỗi nhà văn, tình ái lại mang một màu sắc khác nhau.

Trong đời sống cũng như trong văn chương, bên cạnh những cuộc tình thuần khiết khiến người ta ngưỡng mộ, không thiếu những ván bài tình ái mà kẻ trong cuộc toan tính đến rợn người.

Tình khờ của nhà văn Nhật Bản Tanizaki Jun’ichirō là câu chuyện tình như thế. Tác phẩm cho ta thấy cuộc đấu trí thực sự của hai kẻ đang đắm mình trong men tình. Ở đó, người thông minh bỗng biến thành chàng khờ, còn kẻ tưởng chừng rất ngây thơ, hóa ra lại là con hồ ly láu lỉnh. Trong tình ái, tuổi tác đôi khi không đi liền với kinh nghiệm.

Sức hấp dẫn của cô nhân tình bé bỏng

Câu chuyện bắt đầu trong một quán cà phê ở khu Asakusa, Tokyo. Anh chàng kỹ sư điện chưa một lần yêu đương và chán nản với chuyện kết hôn - Kawai Joji 28 tuổi, đem lòng yêu mến cô nàng phục vụ Naomi khi ấy mới 15 tuổi. Cô bé thanh tân mang vẻ đẹp vừa ngây thơ, vừa ngọt ngào, nhưng có nét gì đó tây tây và hiện đại làm người ta liên tưởng ngay tới Mary Pickford. Và thế là Naomi đã hớp hồn Joji ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Tinh kho anh 1
Tiểu thuyết Tình khờ.

Anh chàng khờ khạo Joji chủ động làm quen, rủ Naomi đi chơi, đi xem phim. Khi biết cô bé phải sống trong một gia đình chẳng mấy tốt đẹp, ở gần khu phố đèn đỏ; nơi mà một người mẹ sẵn sàng để con gái mình trở thành geisha cho rảnh nợ. Đây là lúc để người đàn ông si tình trở thành phao cứu sinh của cuộc đời cuộc cô thiếu nữ tội nghiệp.

Joji đón Naomi về sống chung và thuê một xưởng vẽ làm nơi ở. Anh chàng tư chức hiền lành muốn “nuôi cô bé như nuôi một con chim non”. Chí ít, nếu không lấy được một người phụ nữ Tây phương thanh lịch như Mary Pickford thì Joji có thể biến cô gái bên cạnh mình thành một “bản sao” của hình mẫu ấy. Anh sẽ cho Naomi học tiếng anh, học nhạc và cô nàng sẽ trở thành một cô gái Nhật Bản mang phong cách Âu Mỹ.

Nhưng Joji đã nhầm. Nuôi nấng một người phụ nữ đâu có dễ dàng như nuôi một con chim non. Thời gian trôi qua, Naomi trưởng thành và không còn là cô bé ngây thơ mà Joji đã gặp ở quán cà phê nữa. Ban đầu, người đàn ông ngây thơ ấy nghĩ rằng anh sẽ vừa có một “chú chim non” để giải khuây và một cô giúp việc để được hưởng chăm sóc.

Joji đâu có ngờ, Naomi sống như một nàng công chúa và anh dần dần trở thành chàng hầu đáng thương. Cô không dọn dẹp, không nấu nướng và suốt ngày đòi sắm những bộ kimono mới. Tệ hại hơn, Naomi bắt đầu học thói gian ngoan, lẳng lơ và đàng điếm.

Tinh kho anh 2
Nhà văn Tanizaki Jun’ichirō.

Cơ thể của Naomi, làn da trắng nõn của cô những tưởng là “thánh địa” của riêng Joji. Nhưng không, vì những dục vọng tầm thường, những khát khao mới mẻ không thể tìm thấy ở anh chàng hiền lành, Naomi đã tìm kiếm khoái cảm nơi những người đàn ông khác.

Joji đau khổ, nhưng cuối cùng anh làm được gì? Giờ đây, Joji chỉ là con ngựa còn Naomi mới là kẻ cầm cương.

Bức tranh sống động về xã hội Nhật Bản trong buổi giao thời

Bậc thầy Tanizaki Jun’ichirō đã kể những gì trong Tình khờ? Tình yêu, sự ám ảnh lệch lạc đến mức bệnh hoạn của dục vọng hay ghen tuông, hờn giận trong bể trầm luân của tình ái…, dường như tất cả những thứ ấy chỉ là “bề nổi” của tảng băng chìm mà thôi.

Tình khờ cho người đọc chiêm ngưỡng một bức tranh sống động về nước Nhật đầu thế kỷ XX với làn sóng Âu hóa của văn minh phương Tây. Tầng lớp thanh niên Nhật Bản lúc bấy giờ loay hoay giữa việc tiếp nhận cái mới và giữ gìn nếp cũ. Những quan niệm đạo đức theo khuôn phép truyền thống cũng từ đó mà thay đổi. Đầu tiên là chuyện yêu đương.

Chuyện tình của Joji và Naomi bắt đầu một cách tự nhiên và mới mẻ, khác hẳn với lối mòn cũ kỹ của chuyện tình cảm theo quan niệm truyền thống.

Những cuộc tình gượng gạo mà hai nhân vật chính quen nhau qua một bà mai, qua vài lần gặp mặt và thế là cả hai thành vợ chồng. Thứ tình cảm theo công thức khá “thủ cựu" đã làm những thanh niên tân thời của Nhật Bản cảm thấy chán ngán. Họ bắt đầu đi tìm tình yêu theo cách của riêng mình.

Hình ảnh một anh chàng tư chức hiền lành luống cuống bước đi theo nhịp nhạc đặt cạnh một cô nàng mới lớn lém lỉnh bắt nhịp rất nhanh với những điệu nhảy của người phương Tây là sự so sánh đắt giá, sâu sắc và chân thực mà tác giả dùng để nói về đất nước trong buổi giao thời. Ai cũng thích cái mới, nhưng không phải kẻ nào cũng dễ dàng hòa mình vào những thứ tân thời.

Được ví như Lolita của văn học Nhật, Tình khờ là áng văn vừa lãng mạn, vừa sâu lắng nhưng cũng không kém phần kịch tính và tinh tế về tình yêu. Cuối cùng, ai là kẻ khờ? Sự khờ khạo đôi khi hóa thành ngu ngốc không thuộc về người đàn ông hay người phụ nữ. Khi yêu, tất cả những người yêu chân thành đều biến thành kẻ khờ. Tình ái là mới là “người khờ dại vĩ đại” của nhân loại.

Tinh kho anh 3
Tình khờ được tái hiện nhiều lần bằng ngôn ngữ của điện ảnh và kịch 

Ái tình và dục vọng là những chủ đề lớn trong sáng tác của Tanizaki Jun’ichirō ở giai đoạn tiền chiến. Kể về tình yêu dưới nhiều góc độ, nhưng nhà văn người Nhật luôn cho độc giả thấy được nghệ thuật dẫn dắt bậc thầy của mình trong tiểu thuyết.

Ông kể chuyện chậm rãi và từ tốn, nhưng vẫn làm cho người đọc không thể buông trang sách. Lối văn vừa hoa lệ, nhưng cũng đầy ám ảnh của ông có một ma lực khó cưỡng.

Được sáng tác năm 1924, Tình khờ được đánh giá là một trong những tiểu thuyết quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Tanizaki Jun’ichirō. Tác phẩm đã nhiều lần được tái sinh bằng ngôn ngữ của điện ảnh.

Năm 1949, lần đầu tiên câu chuyện tình yêu của Joji và Naomi được chuyển thể thành phim, với sự tham gia diễn xuất của nữ minh tinh Makiko Kyō, ngôi sao sáng giá của bộ phim Rashomon, từng đoạt giải Oscar.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm