Tại buổi làm việc ngày 22/8, giữa đoàn công tác của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh và Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long - đơn vị nhập khẩu lô hàng trên, các bên thống nhất sẽ di chuyển số toàn bộ lô hàng khỏi cảng Cái Lân trong tuần tới, chờ tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật, không để ảnh hưởng tới môi trường.
7000 lít dầu siêu độc sẽ được tiêu hủy sau 2 tháng |
Theo ông Hoàng Danh Sơn, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết, mặc dù chiếc máy biến thế và số dầu biến thế chứa hóa chất siêu độc PCB đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long (gọi tắt cty Cửu Long) đóng vào hai container theo đúng yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng vẫn nằm ngay gần vịnh Hạ Long.
"Công ty chúng tôi xin khẳng định sẽ chịu trách nhiệm đến cùng với lô hàng, nhất định không để bất kỳ rủi ro nào xảy ra với môi trường, nhất là di sản vịnh Hạ Long". Ông Nguyễn Tuấn Dương
UBND tỉnh Quảng Ninh và bộ TN&MT đã thống nhất triển khai phương án nhanh chóng di chuyển lô hàng này vào nơi an toàn để đề phòng những rủi ro bất khả kháng xảy ra, có thể khiến dầu nhiễm PCB rơi rớt ra ngoài, ảnh hưởng tới môi trường.
Cụ thể, ông Sơn cho biết, UBND tỉnh đã thống nhất với bộ TN&MT và Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) sẽ di dời lô hàng về nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH MTV Vinacomin tại xã Dương Huy, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) lưu giữ.
Đại diện Cục Hải quan Quảng Ninh cho biết, sẽ giám sát đảm bảo niêm phong kẹp chì hai container đến nơi tập kết và bàn giao cho đơn vị lưu giữ.
Ông Nguyễn Hồng Quý, Phó giám đốc Công ty môi trường Vinacomin, cho biết ngay trong ngày 22/8, sẽ đi khảo sát thực địa để lên phương án thu gom vận chuyển lô hàng.
Cơ quan chức năng cần cho biết rõ lô hàng chứa hóa chất PCB này sẽ được lưu giữ tại kho trong thời gian bao lâu để doanh nghiệp lên phương án thực hiện.
Đồng thời cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân hiểu việc di chuyển lưu giữ này đảm bảo an toàn để người dân khu vực xã Dương Huy đồng thuận, ông Quý nhấn mạnh.
Hai tháng nữa sẽ tiêu hủy
Được biết, hiện cả nước mới chỉ có nhà máy xi măng Holcim ở Kiên Giang có chức năng tiêu hủy PCB. Tuy nhiên, phương án này vướng ở chỗ Công ty Cửu Long không được phép vận chuyển từ chất thải nguy hại từ Quảng Ninh vào Kiên Giang.
Ông Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cửu Long cho biết hiện nay tại miền Bắc có Công ty xi măng Thành Công (huyện Kinh Môn, Hải Dương) đang xin cấp phép được xử lý hóa chất PCB.
Công ty Cửu Long đã liên hệ với doanh nghiệp, ngay khi Công ty xi măng Thành Công có giấy phép sẽ tiến hành đưa lô hàng về đó để tiêu hủy theo đúng quy định. Dự kiến thời gian chờ để đưa lô hàng đi tiêu hủy khoảng 2 tháng.
Cục Kiểm soát Ô nhiễm, bộ TNMT cho biết sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện vận chuyển, lưu kho, đồng thời giám sát thời gian và cung đường vận chuyển đảm bảo an toàn.
Ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ TN&MT báo cáo sự việc, Bộ đã thống nhất với tỉnh Quảng Ninh sẽ báo cáo Chính phủ trước 2/9.
-Tháng 11/2007, Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long Vinashin, nay là Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long, có trụ sở tại thành phố Hải Phòng, nhập về một lô hàng thiết bị điện gồm các máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc.
Sau khi lô hàng về đến cảng Cái Lân, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện một trong ba máy biến thế của lô hàng có chứa PCB trong dầu biến thế. Do PCB là chất thải nguy hiểm, nên lô hàng này phải được tái xuất về nước xuất khẩu.
-Ngày 17/7/2008, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long Vinashin vì vi phạm luật bảo vệ môi trường và buộc phải tái xuất về nước xuất khẩu lô hàng nhiễm PCB nói trên.
Tuy nhiên, phía công ty này cho biết không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác xuất khẩu không nhận lại.
Đến tháng 5/2014, số dầu trên được đóng vào 35 thùng phi và chứa trong hai container chuyên dụng đặt ở cảng Cái Lân từ đó đến nay, gây lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.