Có hiện tượng rò rỉ
Theo Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, tháng 11/2007, Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long) nhập về một lô hàng thiết bị điện gồm các máy biến thế đã qua sử dụng tại Hàn Quốc theo tờ khai số 203 ngày 14/11/2007.
Lô hàng này được nhập về để phục vụ lắp đặt thi công dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng tại Nam Định do Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam làm chủ đầu tư.
Sau khi lô hàng về đến cảng Cái Lân, qua kiểm tra, các cơ quan chức năng phát hiện một trong ba máy biến thế của lô hàng có chứa PCB trong dầu biến thế. Do PCB là chất thải nguy hiểm, chất hữu cơ khó phân hủy nên theo quy định chỉ được nhập khẩu với mục đích quản lý chất thải an toàn. Vì vậy, lô hàng trên phải được tái xuất về nước xuất khẩu.
Ngày 17/7/2008, UBND tỉnh Quảng Ninh có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long Vinashin vì vi phạm luật bảo vệ môi trường và buộc phải tái xuất về nước xuất khẩu lô hàng nhiễm PCB nói trên. Tuy nhiên phía công ty này cho biết không thể tái xuất về Hàn Quốc do đối tác xuất khẩu không nhận lại.
Theo ông Hoàng Danh Sơn, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, do không thể tái xuất, lô hàng lại chưa thông quan, được lưu tại kho ngoại quan của cảng Cái Lân nên việc quản lý phải theo quy định quốc tế, trách nhiệm quản lý thuộc về lực lượng hải quan.
Thêm vào đó lô hàng này có khối lượng quá lớn, tính chất nguy hiểm rất cao, không có hướng dẫn cụ thể về lưu trữ, vận chuyển nên suốt gần bảy năm qua máy biến thế chứa hàng nghìn lít dầu nhiễm PCB độc hại vẫn nằm ngay ở sân cảng Cái Lân, cách vịnh Hạ Long không xa.
Theo ông Nguyễn Danh Sơn, tổ trưởng tổ kiểm soát của Chi cục Hải quan cảng Cái Lân, gần bảy năm qua, máy biến thế hàng chục tấn chứa dầu nhiễm PCB chỉ được phủ bạt ở trên.
Qua thời gian máy đã bị gỉ sét nhiều. Mỗi mùa mưa bão, nước mưa lẫn vào dầu biến thế. Tình trạng rò rỉ dầu biến thế nhiễm PCB đã xảy ra tại khu vực lưu trữ ở cảng Cái Lân.
“Mấy tháng trước tình trạng rò rỉ xảy ra nhiều, vết dầu loang lổ trên nền gạch nên chúng tôi phải thông báo với chủ lô hàng để có biện pháp xử lý”, ông Sơn cho hay.
Máy biến thế chứa dầu nhiễm PCB bị bỏ ngoài trời gần bảy năm tại cảng Cái Lân (ảnh to); Cận cảnh máy biến thế chứa dầu nhiễm PCB. |
Nơm nớp lo bão về
PCB là hóa chất có độc tính rất cao (độc chỉ kém 10 lần loại dioxin độc nhất), khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, có khả năng di chuyển và phát tán xa đồng thời hấp thụ dễ dàng trong các cơ thể sống. Năm 1999 ở Bỉ, 25 lít dầu máy biến thế có chất PCB đã chảy ra một khu vực thu gom chất thải tái chế làm thức ăn cho gia súc. Nước này phải chi phí hơn một tỷ USD để giải quyết hậu quả.
Theo ông Hoàng Danh Sơn, do số lượng dầu nhiễm PCB tại cảng Cái Lân nhiều, lại nằm ngay sát vịnh Hạ Long nên tiềm ần một nguy cơ quá lớn. Nếu không may một phần hoặc tất cả số lượng PCB này tràn xuống biển thì vịnh Hạ Long sẽ vĩnh viễn không thể khôi phục nguyên trạng.
Dù vậy, mãi đến tháng 5/2014, sau gần bảy năm bỏ ngoài trời trong điều kiện mưa nắng, các bên liên quan gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, Chi cục Hải quan cảng Cái Lân... mới tiến hành đóng gói tại chỗ máy biến thế và lô dầu nhiễm PCB này. Số lượng dầu nhiễm PCB rút ra từ máy biến thế chứa đầy 34 phuy, mỗi phuy 200 lít và một phuy 100 lít.
Như vậy tổng số dầu nhiễm PCB khoảng 7.000 lít. Ngoài ra thân máy biến thế, toàn bộ lượng gạch lát nền và cát xung quanh khu vực đặt máy biến thế cũng được đào lên. Tất cả được bảo quản trong hai container và vẫn đặt trong khu vực kho bãi của cảng Cái Lân (cạnh phòng bảo vệ).
Mặc dù máy biến thế và dầu biến thế nhiễm PCB ở cảng Cái Lân đã được đóng trong các container nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tràn ra môi trường. |
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Danh Sơn, việc lưu trữ, bảo quản này cũng không theo một quy chuẩn, tiêu chuẩn nào vì Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh không nhận được hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Việc bảo quản mới dừng ở mức đảm bảo kín, container có khung khỏe và có chuông báo cháy, báo nổ.
Theo ông Hoàng Danh Sơn, hiện tại vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tràn số dầu nhiễm PCB này ra môi trường, nhất là ở thời điểm đang trong mùa mưa bão “Nếu sét mà đánh vào hai container này thì không biết hậu quả như thế nào”, ông Sơn nói.
Mới đây nhất, khi cơn bão Rammasun đổ bộ vào biển Đông, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh có công văn gửi đến Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long, trong đó ghi rõ hai container lưu giữ tạm thời dầu và máy biến thế nhiễm PCB tại sân cảng Cái Lân không đảm bảo an toàn về môi trường, rất khó quản lý trong mùa mưa bão. Vì vậy đề nghị công ty này sớm chuyển lô hàng này về kho của công ty để lưu giữ an toàn theo đúng quy định.
Về phương án vận chuyển và tiêu hủy số hóa chất độc hại này, ông Hoàng Danh Sơn cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh đã có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Cửu Long lên phương án vận chuyển hai container nói trên về kho lưu giữ an toàn của công ty tại thành phố Hải Phòng. Sở cũng gửi công văn lên Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, ra văn bản hướng dẫn công ty này vận chuyển, xử lý lô hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được hồi âm từ hai phía.
Ngay với phương án tiêu hủy số hàng này, ông Hoàng Danh Sơn cho biết, hiện cả nước chỉ có một đơn vị ở Kiên Giang là có đủ công nghệ tiêu hủy PCB. Tuy nhiên, việc vận chuyển cả một khối lượng lớn dầu nhiễm PCB ở cảng Cái Lân đến nơi tiêu hủy cũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
PCB ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe như thế nào?
PCB (Polychlorinated Biphenyls) là hợp chất thơm của halogen, thuộc nhóm hóa chất hữu cơ độc hại bền vững trong môi trường với bốn đặc tính chính là độc tính cao (chỉ sau dioxin), khó phân hủy trong môi trường tự nhiên, khả năng di chuyển và phát tán xa, khả năng tích tụ sinh học cao. PCB được sử dụng làm phụ gia trong dầu của các thiết bị điện.
PCB là hóa chất độc hại thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh theo phụ lục 2, nghị định 26/2011/NĐ-CP, là hàng hóa nguy hiểm thuộc nhóm hàng nguy hiểm trong danh mục hàng hóa nguy hiểm ở nghị định 104/2009/NĐ-CP và 29/2005/NĐ-CP quy định danh mục hàng nguy hiểm và vận chuyển nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy và là chất thải nguy hại theo quy định của Bộ TNMT.
PCB có thể gây ngộ độc cấp tính như nổi mụn, cháy da, bỏng mắt. Về lâu dài, PCB dù ở nồng độ nhỏ cũng phá hủy gan, rối loạn sinh sản, biến đổi gene, gây ung thư, quái thai, dị dạng, tác động đến sự phát triển của trẻ nhỏ.
Việt Nam không sản xuất PCB nhưng nhập khẩu khoảng 27-30 tấn dầu chứa PCB trong giai đoạn 1960-1990. Theo lộ trình đặt ra, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 có thể loại bỏ việc sử dụng PCB trong các thiết bị, máy móc và tiến hành tiêu hủy hoàn toàn vào năm 2028.