Chuẩn bị đón Tết Canh Tý 2020, vợ chồng họa sĩ Quang Trung - Thùy Dương (Hà Nội) đã nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều mẫu tượng chuột dát vàng mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. |
Nhiều chi tiết nhỏ như hoa mai, hoa sen, cây sung,... được đưa vào sản phẩm mang ý nghĩa Tết truyền thống Việt. |
Điểm đặc biệt của tượng chuột là tính độc đáo của nhân vật. Từ lên ý tưởng cho đến sản phẩm cuối cùng đều được sản xuất thủ công và nghệ thuật. Gương mặt, trang phục nhân vật được thiết kế trông hấp dẫn, vui tươi. "Đảm bảo không hề giống tượng chuột nào trên thị trường", họa sĩ Quang Trung chia sẻ. |
Chất liệu làm nên tượng chuột là đá nhân tạo, đã được nghiên cứu và công nhận từ nhà điêu khắc nổi tiếng Trần Hiếu Lễ. Đặc điểm của chất liệu là dễ tạo hình hấp dẫn, hiệu quả và bền bỉ. |
Tượng chuột được ghép thủ công từ nhiều chi tiết nhỏ khác nhau như đầu, tay, cánh chuồn, chân đế, ... tạo nên sự tinh tế cho sản phẩm. Đây chính là sự khác biệt lớn so với những tượng đúc đồng nguyên khối khác. |
Sau khi đổ khuôn và ghép các chi tiết nhỏ, tượng được phơi khô và chờ dát vàng. Tính độc bản được thể hiện rõ nhất khi các mẫu không giống nhau hoàn toàn do sau khi đổ khuôn màu sẽ khác nhau. |
Thay vì phun sơn vàng công nghiệp, các tấm vàng lá được dát lên tượng tỉ mỉ bằng tay. Các chi tiết nhỏ nhất cũng sẽ hiện lên tinh tế. Tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng mà loại vàng dát lên có thể thay đổi. |
Sau khi dát vàng, tượng được để khô trong khoảng 1 ngày và được sơn phủ lớp chống trôi. Trong thời gian đó, 2 họa sĩ sẽ cùng nhau lên ý tưởng tiếp cho các sản phẩm sáng tạo hơn. |
Từ 5 mẫu nhân vật cơ bản, họa sĩ có thể biến tấu để tạo hình thành nhiều sản phẩm khác nhau liên tục trong quá trình sản xuất. |
Đồng hồ được đưa gắn vào một số mẫu để tăng thêm công năng cho sản phẩm. "Tôi muốn đưa đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn thay vì một món quà tặng thông thường", họa sĩ Thùy Dương cho hay. |
Giá của sản phẩm từ gần 1 triệu đồng cho đến vài triệu đồng phụ thuộc vào từng mẫu mã và sẽ được bày bán tại một số showroom ở Hà Nội. |