Tại lễ phát động chương trình "Sóng và Máy tính cho em" tối 12/9, các doanh nghiệp lớn thuộc nhiều bộ, ngành đã công bố ủng hộ một triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và học online.
Cụ thể, các doanh nghiệp công nghệ công bố và miễn phí 6 nền tảng dạy, học trực tuyến tại Việt Nam gồm VNEdu, ViettelStudy, ModiEdu, Onluyen, Hocmai và Misa EMIS. Giá trị ủng hộ lên đến 200 tỷ đồng.
“Trong chương trình Sóng và máy tính cho em, Tập đoàn VNPT sẽ tham gia hỗ trợ 37.000 máy tính bảng để giúp học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 triển khai học trực tuyến, bảo đảm không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục & Đào tạo, tính đến 16h ngày 12/9, cả nước có khoảng 1,5 triệu em chưa có máy tính để học online. Ảnh: T.H. |
Ngoài ra, các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, Mobifone cam kết phủ sóng 100% vùng lõm (chưa có Internet di động) tại các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 trong tháng 9 và trên toàn quốc trong năm 2021. Tổng kinh phí triển khai là 3.000 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp cũng miễn phí dung lượng 4 GB/ngày cho một triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được tặng máy tính trong 3 tháng để học online. Các nhà mạng còn hỗ trợ gói cước, hạ tầng công nghệ gồm máy chủ, nơi đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học online. Kinh phí dự kiến trong 3 tháng khoảng 450 tỷ đồng.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến 16h ngày 12/9, cả nước có khoảng 7,35 triệu học sinh đang học trực tuyến và khoảng 1,5 triệu em chưa có máy tính.
Tại lễ phát động, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết ý tưởng về chương trình “Sóng và Máy tính cho em” xuất phát từ cuộc gọi lúc 0h15 của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Sau chưa đầy 5 ngày, chương trình được công bố với những đóng góp đáng kể.
Thủ tướng nhận định “Sóng và máy tính” là giải pháp mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách hiện nay, nhất là giúp các cháu ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập, bình đẳng trong tiếp cận kiến thức.
Trước đó vào ngày 10/9, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành công văn phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.
Vào tháng 8, các nhà mạng cũng đã công bố gói hỗ trợ viễn thông trị giá gần 10.000 tỷ đồng trong 3 tháng, giúp giảm khó khăn cho người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Hình thức hỗ trợ gồm tăng băng thông Internet cáp quang, miễn phí truy cập tốc độ cao đến trang tin của Bộ Y tế, tặng 50% dung lượng data, 50 phút gọi nội mạng cho các khu vực áp dụng Chỉ thị 16.