Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chương trình nghệ thuật 'Thi đua là yêu nước - Gửi những mùa sau'

Chương trình ôn lại những câu chuyện, điển hình thi đua trong từng thời kỳ cách mạng để khẳng định tinh thần thi đua yêu nước của người Việt từ xưa.

Tối 9/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật “Thi đua là yêu nước - Gửi những mùa sau", chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Dai hoi thi dua yeu nuoc anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và các đại biểu dự chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh dự chương trình.

Cùng dự có các Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương Trần Thanh Mẫn; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố cùng 2.020 đại biểu là những điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước trên cả nước.

Dai hoi thi dua yeu nuoc anh 2

Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Chương trình nghệ thuật được chia làm các phần: “Kháng chiến - Kiến quốc” tái hiện các phong trào thi đua từ 1948 đến năm 1954 và giai đoạn 1955-1975; “Gửi những mùa sau” tái hiện các phong trào thi đua giai đoạn 1976-1986.

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của cả dân tộc. Người đã khẳng định: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp về mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, sẽ giúp chúng ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

Kể từ đó cho đến nay, đất nước ta đã thực hiện hàng trăm phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn, cổ vũ động viên nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

Dai hoi thi dua yeu nuoc anh 3

Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc.

Chương trình ôn lại những câu chuyện, những điển hình thi đua trong từng thời kỳ cách mạng để khẳng định tinh thần của phong trào thi đua yêu nước đã chảy trong dòng máu của người Việt từ xưa.

Lời hiệu triệu của Bác Hồ - niềm tin "kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công" đã khơi dậy, tiếp thêm cho sức mạnh thầm lặng nhưng bền bỉ của dân tộc, tạo nên những kỳ tích lịch sử: Từ Chiến thắng Điện Biên Phủ tới con đường Trường Sơn hay thành tựu Đổi Mới.

Những kỳ tích ấy không thể tạo ra bởi máy móc, vũ khí hiện đại hay những trí tuệ siêu việt, được hiện thực hóa bởi sự góp sức của những con người "giản dị và bình tâm". Lịch sử đất nước được viết bởi lớp lớp những người như thế, giữ trong mình hy vọng về tương lai và niềm tin vào lẽ phải, để vượt qua mọi gian khó, chiến thắng quân thù.

Dai hoi thi dua yeu nuoc anh 4

Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc.

Thông qua các phóng sự, giao lưu với các vị khách mời là những điển hình tiên tiến của các phong trào thi đua, khán giả được sống lại những phong trào thi đua chiến đấu, sản xuất sôi nổi qua các thời kỳ cách mạng như phong trào "Mỗi người làm việc bằng hai - Vì miền Nam ruột thịt"; Phong trào chống chiến tranh phá hoại miền Bắc; Các phong trào xây dựng đất nước thời kỳ Đổi Mới: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và cuộc đua với dòng nước "Cao độ 81 hay là chết", “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”...

Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X khai mạc trọng thể sáng 10/12 tại thủ đô Hà Nội.

Dai hoi thi dua yeu nuoc anh 5

Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc.

Theo Ban Tổ chức, có 2.300 đại biểu về dự Đại hội, trong đó có 280 đại biểu khách mời; 2.020 đại biểu chính thức, được lập thành 133 đoàn.

Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016-2020; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2021-2025; tôn vinh các tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, các gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua; tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc; tạo động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Dai hoi thi dua yeu nuoc anh 6

Chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc.

Đại hội sẽ phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và tiếp tục đẩy mạnh 4 phong trào thi đua trọng tâm do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới theo Chỉ thị số 34 - CT/TW của Bộ Chính trị và Luật Thi đua - Khen thưởng.

https://baotintuc.vn/thoi-su/chuong-trinh-nghe-thuat-thi-dua-la-yeu-nuoc-gui-nhung-mua-sau-20201209223118076.htm

Theo Viet Đức/Báo Tin Tức

Bạn có thể quan tâm