Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) được nhận giải Nobel Hòa bình nhờ "những nỗ lực đấu tranh với nạn đói, những đóng góp nhằm cải thiện điều kiện cho hòa bình ở những khu vực ảnh hưởng bởi xung đột và đóng vai trò động lực thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn sử dụng đói nghèo làm vũ khí cho chiến tranh và xung đột".
Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh vai trò của WFP càng quan trọng hơn nữa giữa bối cảnh đại dịch Covid-19.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) được nhận giải Nobel Hòa bình năm 2020. Ảnh: Ủy ban Nobel Na Uy. |
"Cho đến ngày chúng ta có vaccine y học, lương thực chính là vaccine tốt nhất chống lại hỗn loạn", Ủy ban Nobel nhấn mạnh.
WFP là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới hướng đến giải quyết vấn đề nạn đói và an ninh lương thực quốc tế.
Riêng trong năm 2019, WFP đã hỗ trợ gần 100 triệu người là nạn nhân của tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói nghiêm trọng tại 88 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, chia sẻ việc trao giải thưởng năm nay cho WFP cũng nhằm gửi lời kêu gọi đến cộng đồng quốc tế "đừng cắt giảm ngân sách cho tổ chức này".
"Đối với chúng tôi, mọi quốc gia trên thế giới đều có trách nhiệm đảm bảo không có người chịu đói", bà nhấn mạnh.
Trả lời các phóng viên về tác động của đại dịch Covid-19 đến quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho WFP, bà Reiss-Andersen khẳng định dù đại dịch có không xảy ra thì WFP vẫn xứng đáng nhận giải.
Dân thường sơ tán vì nội chiến tại Syria nhận thực phẩm cứu trợ nhân đạo từ WFP ở trại tị nạn Ain Issa năm 2017. Ảnh: Reuters. |
"Tuy nhiên, sự xuất hiện của đại dịch, cùng các thách thức mà đại dịch gây ra, rõ ràng đã củng cố lý do cho quyết định trao giải. Trước tiên, đại dịch đã gia tăng nhu cầu hỗ trợ lương thực. Hỗ trợ lương thực không phải chỉ bao gồm thực phẩm ăn được, mà còn là hỗ trợ các biện pháp bảo vệ, đầu tư cho nông nghiệp địa phương", bà cho biết.
"Đại dịch cũng phơi bày một vấn đề khác rất quan trọng: Hợp tác đa phương là điều tối cần thiết để đương đầu với những vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, chủ nghĩa đa phương lại thiếu đi sự tôn trọng trong thời gian qua", bà Reiss-Andersen ngập ngừng khi đưa ra nhận định.
"Ủy ban Nobel muốn nhấn mạnh khía cạnh này (thông qua giải thưởng). Đây là một cơ quan rất quan trọng của Liên Hợp Quốc. Theo Ủy ban Nobel, Liên Hợp Quốc có vai trò then chốt trong việc duy trì chuẩn mực nhân đạo của thế giới, quyền con người và hợp tác đa phương trên diện rộng", bà Reiss-Andersen chia sẻ.