TS Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên BCH Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch công ty Thái Hà Books - được mời đến chương trình khách mời Doha Publishing Fellowship Program 2020. Đây là một chương trình đặc biệt diễn ra trong khuôn khổ Hội sách Quốc tế Doha từ 9 đến 18/1/2020 tại Trung tâm Văn hóa và sự kiện Qatar Cultural and Heritage Events Center.
Tôn trọng bản quyền, hợp tác phát triển ngành xuất bản
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, so với các sự kiện mà ông được mời làm diễn giả trước đó thì chương trình ở Qatar không lớn và hoành tráng (như Hội nghị Giám đốc Bản quyền Thế giới, Hội nghị Dummies Toàn cầu, hội sách Frankfurt, hội sách Bắc Kinh, Hội nghị Xuất bản Istanbul). “Doha Publishing Fellowship Program 2020 là mảnh đất mới, lạ, hấp dẫn, khác biệt với khách mời đến từ 51 nhà xuất bản trên thế giới (không kể nước chủ nhà Qatar)”, TS Hùng nói.
TS Nguyễn Mạnh Hùng (trái) giới thiệu sách Việt tại chương trình. |
Đây là một chương trình được đầu tư công phu, chu đáo, ấn tượng, tốn kém. Ban tổ chức gồm Diễn đàn Xuất bản và Phát hành sách Qatari Publishers and Distributors Forum (đứng đầu là giám đốc Inbrahim Al Sayed) và Nhà xuất bản Đại học Hamad Bin Khalifa University Press (đứng đầu là giám đốc điều hành Bachar Chebaro).
Chương trình đặc biệt trong khuôn khổ hội sách Quốc tế Doha đã mời đến nhiều chuyên gia nổi tiếng thế giới và lãnh đạo của các nhà xuất bản từ khắp các châu lục. Trong khuôn khổ chương trình diễn ra nhiều hội thảo, tọa đàm bàn về ngành công nghiệp xuất bản, văn hóa đọc và các chương trình giao lưu, tham quan, kết nối, giao dịch bản quyền.
Các chuyên gia đưa ra các kết quả nghiên cứu, báo cáo về nhiều chuyên ngành, lĩnh vực, trong nhiều vùng địa lý khác nhau. Tất cả chỉ với mục đích để đại diện ngành xuất bản thế giới có cái nhìn tổng quan và rộng, tính đến các xu hướng xuất bản trong những năm tới.
Chương trình cũng tổ chức nhiều cuộc gặp mặt trực tiếp một - một tức là 2 chuyên gia gặp nhau để bàn luận và trao đổi về các vấn đề trong ngành sách, các xuất bản phẩm, trao đổi, mua bán bản quyền, mở rộng hiểu biết và hợp tác song phương, đa phương.
Trong toàn bộ quá trình diễn ra chương trình khách mời của Hội sách Quốc tế Doha, Ban tổ chức mong muốn tăng cường các mối quan hệ xuất bản của 22 nước Ả-rập với các nước lân cận và cả thế giới. Chương trình cũng cố gắng để thông qua sách thúc đẩy giao lưu văn hóa xuyên biên giới, tạo ra các nền tảng tri thức và sân chơi bản quyền, tạo ra diễn đàn mở để bàn bạc và trao đổi về xuất bản.
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, các khách mời tham gia chương trình từng gặp nhau nhiều lần, là chuyên gia, diễn giả của nhiều hội sách và các diễn đàn lớn như Frankfurt, London, Bologna, Singapore, Istanbul, Jakarta… “Chúng tôi đều có tâm huyết và khát vọng thúc đẩy mạnh xuất bản thế giới, muốn các nhà xuất bản trên toàn thế giới hợp tác với nhau chặt hơn, sâu rộng hơn”, TS Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Chương trình khách mời xuất bản Qatar cũng muốn gửi thông điệp để các nước đều tôn trọng luật bản quyền, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong từng nước, từng khu vực.
Chuyên gia các nước quan tâm tới xuất bản Việt
Tại chương trình, ông Salah Bin Chanem Al Ali - Bộ trưởng bộ Văn hóa và Thế thao Qatar - đưa ra loạt ý tưởng mới lạ bao gồm cả việc điều chỉnh các quy đinh về bản quyền, việc xây dựng các câu lạc bộ cho thanh thiếu niên, tăng cường nhận thức của giới trẻ đối với văn hóa đọc, kết nối các cơ quan và tổ chức để vươn xa phù hợp với tầm nhìn quốc gia Qatar đến năm 2030.
Ông Ibrahim Al Syed - Giám đốc Diễn đàn Xuất bản và Phát hành sách Qatar - nhấn mạnh sứ mệnh của diễn đàn, những nỗ lực không mệt mỏi trong nhiều năm qua. Ông mong muốn kết quả của diễn đàn cũng như những gì mà các khách mời và các chuyên gia thu hoạch được từ chương trình khách mời này sẽ mang đến những hiệu ứng tốt trên khắp thế giới.
TS Nguyễn Mạnh Hùng (giữa) cùng các chuyên gia xuất bản tham gia diễn đàn. |
Phần tham luận của chuyên gia Bachar Chebaro - Giám đốc Điều hành nhà xuất bản Đại học Hamad Bin Khalifa University Press - trình bày về xuất bản của Qatar nói riêng và các nước Trung cận đông nói chung.
Chuyên gia Nicolas Roche - Giám đốc điều hành Ủy ban Hợp tác Quốc tế các nhà xuất bản Pháp - với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành đã trình bày về tình hình xuất bản Pháp. Những con số đưa ra rất cụ thể và thuyết phục.
Tiến sỹ Mahammed Agiraksa là Tổng giám đốc Akdem Instanbul từ 2009 và hiện nay đang là tổng điều phối các cuộc thi tiếng Ả Rập tại Thổ Nhĩ Kỳ. Với kinh nghiệm dẫn dắt rất nhiều dự án trong thế giới Ả Rập, ông trình bày các ý tưởng và kết quả hợp tác trong các lĩnh vực ngôn ngữ trong giáo dục, xuất bản và dịch vụ tư vấn.
Bà Cornelia Helle là trưởng phòng bán hàng của hội sách Frankfurt. Bà là chuyên gia lớn về nghiên cứu Trung đông, khoa học chính trị, sách và truyền thông. Với kinh nghiệm đã làm việc tại Frankfurt Book Fair từ 1995, bà đã trình bày về thị trường sách Ả-rập, phương thức tổ chức một hội sách hiệu quả, cũng như các kinh nghiệm tổ chức gian trưng bày sách Đức tại Trung Đông và Iran.
TS Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu với các chuyên gia và các nhà xuất bản thế giới một số tác giả nổi bật của Việt Nam như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Thị Ngọc Tư, Hồ Thị Hải Âu, Trần Bích Hà, Đỗ Nhật Nam, Trang Thanh Hiền, Dili… Ông cũng giới thiệu một số cuốn sách Việt Nam như sách trúc chỉ Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế, Để có một tương lai, Nghệ thuật tạo tác tượng Phật. Sách thêu Người thầy đầu tiên được các bạn bè và đối tác ngạc nhiên và trầm trồ.
Những cuốn sách như Những bài học ngoài trang sách, Nuôi con không phải là cuộc chiến, Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu, Sức khỏe trong tay bạn, Tranh Tết - nét tinh hoa truyền thống Việt, Nửa vòng trái đất uống một ly trà, Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa, Không gian gia vị Sài Gòn, Việt Nam miền ngon…được nhiều nước quan tâm.
Là đại diện duy nhất của ASEAN tham gia diễn đàn, TS Nguyễn Mạnh Hùng được nhiều chuyên gia quốc tế quan tâm về tiềm năng của khu vực. “Các chuyên gia và các bạn nước ngoài rất muốn hợp tác với Việt Nam và câu được hỏi nhiều nhất là khi nào diễn ra hội sách Việt Nam. Trong con mắt họ, hình như Việt Nam vẫn còn xa lạ và chưa được biết đến nhiều”, TS Hùng kể.
Nhờ chuyến đi đặc biệt này, ông Hùng có thêm nhiều hiểu biết về con người, văn hóa, xuất bản của Qatar nói riêng, 22 nước Ả-rập nói chung và có sự kết nối sâu hơn của ngành xuất bản các châu lục.