Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chương trình F-35 thất bại dù tiêu tốn cả nghìn tỷ USD

Gần 20 năm phát triển, chương trình tiêm kích F-35 vẫn đang vật lộn để thoát khỏi cái bóng “nhiều tiền, lắm tiếng” với những vấn đề kỹ thuật chưa biết khi nào giải quyết xong.

Ngày 23/6/2014, một chiếc F-35 bốc cháy khi phi công chuẩn bị cất cánh trong một nhiệm vụ huấn luyện thường lệ. Phi công nghe thấy tiếng nổ lớn và cảm thấy động cơ đang chậm lại và đèn báo khẩn cấp nhấp nháy trong buồng lái.

Phi công đã kịp thoát ra ngoài trước khi ngọn lửa nhấn chìm máy bay. Đó là tai nạn lớn đầu tiên của chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35. Vụ việc xảy ra vào thời điểm không thể tồi tệ hơn, New York Times cho biết.

Chưa đầy một tháng trước vụ việc, F-35 dự định đưa tới Anh để tham dự triển lãm Farnborough Airshow, sự kiện quốc tế thứ 2 của F-35. Các quan chức Lầu Năm Góc và nhà sản xuất Lockheed Martin háo hức về cơ hội trình diễn F-35 trước công chúng, sau một thập niên trì hoãn và chi phí tăng vọt.

Chiếc F-35 bay lượn trước công chúng sẽ giúp họ xoa dịu những chỉ trích, trấn an các đối tác trong bối cảnh áp lực nhằm vào chương trình ngày càng tăng. Cuộc điều tra sau đó xác định cánh quạt trong động cơ bị quá nhiệt do ma sát và bị gãy. Mảnh vỡ xuyên qua thân máy bay cắt đứt đường ống thủy lực và đốt cháy nhiên liệu.

Các quan chức không thể đảm bảo những chiếc F-35 khác có gặp vấn đề tương tự hay không. Họ không dám mạo hiểm với một sự cố khác có thể xảy ra trong chuyến bay xuyên Đại Tây Dương. F-35 đã không xuất hiện ở Farnborough Airshow năm đó.

Chuong trinh tiem kich tang hinh F-35 anh 1
F-35 là chương trình phát triển máy bay đắt nhất lịch sử nhân loại. Ảnh: New York Times.

Những kỳ vọng đảo ngược chỉ trích của Lầu Năm Góc và Lockheed Martin đề ra đã biến thành một “loạt đạn” khác từ các nhà phê bình nhắm vào chương trình. Đó là một câu chuyện tồi tệ khác cho chương trình máy bay vốn bị quá nhiều chỉ trích.

Những vấn đề kỹ thuật không hồi kết

Sau vụ cháy động cơ năm đó, Lockheed Martin dần khắc phục được các lỗi kỹ thuật của máy bay. Danh tiếng của F-35 dần được cải thiện. Tính đến hiện tại, Lockheed Martin đã bàn giao hơn 400 chiếc F-35 cho quân đội Mỹ và các khách hàng nước ngoài. Đơn giá cho mỗi máy bay cũng đã giảm đáng kể.

Năm 2018, F-35 đã hoàn thành chiến dịch tham chiến thực tế đầu tiên do thủy quân lục chiến thực hiện ở Afghanistan. Không quân Mỹ cũng đã sử dụng F-35 cho các cuộc không kích ở Iraq. Cuối năm nay hoặc đầu năm 2020, F-35 sẽ đi vào sản xuất với quy mô đầy đủ.

Lockheed Martin dự kiến sản xuất từ 130-160 chiếc F-35 mỗi năm, một bước tiến lớn so với con số 91 máy bay được sản xuất trong năm 2018. Đó sẽ là bước ngoặc lớn cho chương trình, bằng chứng cho thấy rằng nó đã vượt qua những vấn đề kỹ thuật trong quá khứ.

Chuong trinh tiem kich tang hinh F-35 anh 2
2 chiếc F-35 đã rơi trong khi đang bay, trong đó có một vụ tai nạn chết người đã xảy ra với F-35 của Nhật Bản. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, ngay cả khi chương trình tiếp tục phát triển, các vấn đề kỹ thuật chưa được giải quyết tiếp tục xuất hiện. Trong tháng 6, Defense News đưa tin chương trình F-35 đang đối mặt với 13 vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng trong thử nghiệm và vận hành.

Các vấn đề bao gồm tăng áp suất ở cabin, một số hư hỏng hiếm gặp trong cấu trúc khi bay ở tốc độ siêu âm, hoặc trong các tình huống cơ động đột ngột. Những vấn đề này có thể ảnh hưởng đến an toàn hoặc gây nguy hiểm cho phi công.

Bên cạnh đó, khi những chiếc F-35 được bàn giao cho các phi đội của Mỹ đã tạo ra những vấn đề mới ở các căn cứ quân sự trên khắp nước Mỹ. Chi phí vận hành cao, thiếu phụ tùng và cách tiếp cận mới trong việc bảo trì bằng phần mềm mã hóa buộc các quan chức chương trình phải tìm giải pháp thay thế.

Những lỗi nghiêm trọng từng là chủ đề trong các phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đã được giải quyết. Những vấn đề hiện tại của F-35 có thể không quá nghiêm trọng so với trước, nhưng những nỗ lực của Lầu Năm Góc trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh của F-35 khiến người ta đặt câu hỏi.

Liệu máy bay chiến đấu đắt nhất lịch sử của Mỹ đã sẵn sàng để chuyển sang giai đoạn tiếp theo hay chưa? Những vấn đề mới nào có thể xuất hiện trong quá trình chuyển đổi đó.

Tham vọng quá đà

Chương trình JSF được hình thành vào những năm 1990, là nỗ lực phát triển máy bay chiến đấu tham vọng nhất của Lầu Năm Góc. Một nhà thầu quốc phòng sẽ giám sát việc thiết kế, sản xuất 3 phiên bản khác nhau được sử dụng trong không quân, hải quân và thủy quân lục chiến dựa trên một bộ khung duy nhất.

Dự án kêu gọi sự góp sức của các đồng minh về mặt chi phí để tạo ra loại máy bay vượt trội về công nghệ, được sản xuất với số lượng lớn để giá thành của nó sẽ tương đương với các máy bay cũ.

Chương trình JSF sẽ thay thế cho các máy bay thế hệ cũ của Mỹ như F-15, F-16, A-10 của không quân, AV-8B của thủy quân lục chiến và F/A-18 của hải quân. Máy bay mới phải có khả năng tàng hình và có thể bay ở tốc độ siêu thanh.

Chuong trinh tiem kich tang hinh F-35 anh 3
F-35 có đủ năng lực để thay thế tất cả máy bay thế hệ thứ 4 của Mỹ hay không vẫn là một ẩn số lớn. Ảnh: Không quân Mỹ.

Tom Burbage, Tổng giám đốc chương trình F-35 giai đoạn 2000-2013, nói: “Quay trở lại năm 2000, nếu ai đó nói rằng tôi có thể chế tạo một chiếc máy bay tàng hình, có thể cất hạ cánh thẳng đứng và bay với tốc độ siêu âm, hầu hết mọi người trong lĩnh vực hàng không đều nói rằng đó là điều không thể”.

Kết hợp tất cả các công nghệ như thế vào một nền tảng duy nhất dường như nằm ngoài tầm với của công nghiệp hàng không ở thời điểm đó. Nhưng Lockheed Martin đã đi trước thời đại. Năm 2001, mẫu thử nghiệm X-35 đã giành chiến thắng trước X-32 của Boeing, trong cuộc cạnh tranh cho chương trình.

Lockheed Martin đã chế tạo ra một mẫu máy bay có thể tàng hình, cất cánh thẳng đứng và bay ở tốc độ siêu thanh. Nhưng mẫu thiết kế “tất cả trong một”, từng được xem là đã tạo ra cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực hàng không lại trở thành điểm yếu chí tử của chương trình.

Mỗi chi nhánh lực lượng vũ trang Mỹ có yêu cầu khác nhau dẫn đến F-35 sẽ tốt ở lĩnh vực này, nhưng trở nên xấu ở lĩnh vực khác. Ngay khi được Lầu Năm Góc giao hợp đồng, Lockheed Martin bắt đầu chương trình F-35 với một sự lạc quan lớn.

Lockheed Martin quyết định sẽ chế tạo phiên bản F-35A của không quân trước, vì nó được coi là mẫu tiêu chuẩn và đơn giản nhất trong chương trình, sau đó chuyển sang phiên bản F-35B của thủy quân lục chiến có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng và cuối cùng là mẫu F-35C của hải quân.

Nhưng kế hoạch đó hóa ra là một sai lầm. Khi các kỹ sư Lockheed Martin bắt đầu làm việc với F-35B, họ thấy rằng trọng lượng đề ra ban đầu không còn chính xác. Nó nặng hơn 1,3 tấn mới đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật. Lockheed Martin buộc phải thiết kế lại máy bay và đề xuất kéo dài chương trình thêm 18 tháng.

Nhà sản xuất được trao quyền quá lớn

Khi quá trình phát triển F-35 càng đi sâu thì nhiều vấn đề kỹ thuật lại phát sinh cần thêm thời gian để khắc phục và làm đội chi phí. Thời điểm năm 2010, đơn giá cho mỗi chiếc F-35 cao hơn 89% so với dự tính ban đầu, vi phạm đạo luật Nunn-McCurdy, được lập ra để ngăn chặn các chương trình phát triển vũ khí vượt chi phí ban đầu.

Chương trình F-35 đối diện với nguy cơ bị hủy bỏ. Tuy nhiên, chương trình được lên kế hoạch để thay thế cho nhiều loại máy bay khác nhau, Lầu Năm Góc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục theo đuổi nó.

Chuong trinh tiem kich tang hinh F-35 anh 4
Lockheed Martin được trao quá nhiều quyền giúp họ che giấu những vấn đề của chương trình F-35. Ảnh: New York Times.

Các nhà phân tích cho rằng chương trình F-35 gặp khó khăn vì mức độ kiểm soát quá lớn của Lockheed Martin với chương trình. Lockheed Martin kiểm soát mọi thứ. Họ không chỉ sản xuất F-35 mà còn chế tạo thiết bị huấn luyện, hệ thống hậu cần, bảo trì.

Lockheed Martin cũng kiểm soát chuỗi cung ứng và chịu trách nhiệm phần lớn trong việc bảo trì máy bay. Điều này đem lại cho Lockheed Martin sức mạnh chi phối toàn bộ chương trình.

Trung tướng Christopher Bogdan, từng là giám đốc điều hành Văn phòng chương trình F-35, nói: “Sau khi nhậm chức 90 ngày, tôi nhận thấy chính phủ gần như không còn chịu trách nhiệm về chương trình, cho dù là vấn đề kỹ thuật, lịch trình, mọi thứ đều do Lockheed Martin kiểm soát”.

Tướng Bogdan đặc biệt lo lắng việc Lockheed Martin có quá nhiều quyền kiểm soát các chuyến bay thử nghiệm. Họ được phép kiểm soát chương trình thử nghiệm và điều đó cho phép họ trì hoãn các thử nghiệm chuyên sâu, vốn được sử dụng để tìm kiếm vấn đề phát sinh.

Trong khi đó, ở các chương trình vũ khí khác, chính phủ kiểm soát quá trình thử nghiệm. Điều đó giúp phát hiện sớm các vấn đề và buộc nhà thầu phải tìm cách giải quyết sớm. Tướng Bogdan sớm nhận thấy văn phòng F-35 không đủ minh bạch trong việc cho các chi nhánh lực lượng vũ trang Mỹ biết tiền của họ đã đi đâu và sử dụng như thế nào.

Lockheed Martin được phép không phải báo cáo tài chính một cách chi tiết, nên văn phòng chương trình F-35 không có bức tranh rõ ràng và chính xác một chiếc F-35 trị giá bao nhiêu tiền.

Năm 2012, tướng Bogdan khi đó là chỉ huy thứ 2 của chương trình đã công khai chỉ trích mối quan hệ giữa Lầu Năm Góc và Lockheed Martin..

Khi tướng Bogdan được thăng chức lên giám đốc điều hành chương trình F-35, ông đã thay đổi quy tắc và buộc Lockheed Martin phải giải quyết các vấn đề kỹ thuật trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Trong vòng một năm sau khi tướng Bogdan lãnh đạo chương trình F-35, Lockheed Martin đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc khắc phục các vấn đề kỹ thuật, dù chậm hơn so với ông mong muốn.

Giới phân tích cho rằng lý do khiến F-35 luôn phát sinh vấn đề nằm ở cách mà nó đi vào sản xuất và trang bị. Do áp lực về thời gian, Lầu Năm Góc đã cho phép F-35 đi vào sản xuất trong khi quá trình phát triển vẫn chưa hoàn thành, một chiến lược mà Lầu Năm Góc gọi là “đồng thời”.

Chiến lược này cho phép những chiếc F-35 được bàn giao cho các chi nhánh lực lượng vũ trang Mỹ sớm hơn. Thay vào đó, những chiếc F-35 lăn bánh ra khỏi dây chuyền với những vấn đề kỹ thuật chưa được giải quyết. Lầu Năm Góc và nhà thầu sẽ tiếp tục trang bị thêm cho những chiếc máy bay sản xuất sau.

Kết quả là những chiếc F-35 bị giới hạn hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Lầu Năm Góc và Lockheed Martin vẫn đang nỗ lực để giải quyết các thiếu sót kỹ thuật. Các báo cáo về chương trình đã trở nên tích cực hơn, chi phí máy bay ngày càng giảm.

Nhưng một câu hỏi lớn được đặt ra là chiến trường luôn thay đổi, F-35 có đủ khả năng để thích ứng với những thay đổi hay không, khi mà bản thân chương trình vẫn phải đang vật lộn để vượt qua những thiếu sót về mặt kỹ thuật.

'Thần sấm' F-35B sẽ tham chiến lần đầu ở Afghanistan

3 năm sau khi đi vào hoạt động, tiêm kích tàng hình F-35B của Mỹ mới được xem xét tham chiến lần đầu ở Afghanistan trong vài ngày tới.

Tham vọng của Nhật khi muốn trở thành đối tác F-35

Nhật Bản muốn trở thành đối tác chương trình F-35 để phục vụ cho tham vọng phát triển máy bay chiến đấu bản địa, nhưng kế hoạch khó thành công vì rào cản chính trị.


Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm