Nhật Bản là khách hàng trong chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35, nhưng Tokyo mong muốn tham gia vào chương trình với tư cách là đối tác, thay vì chỉ là người mua, Defense News dẫn các nguồn tin quân sự cho biết.
Trong một lá thư được Bộ Quốc phòng Nhật Bản gửi đến bà Ellen Lord, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về mua sắm vào ngày 18/6, Atsuo Suzuki, Tổng giám đốc Cục Kế hoạch xây dựng quốc phòng đã chính thức yêu cầu thông tin về cách Nhật Bản có thể chuyển từ khách hàng sang đối tác.
“Tôi tin tưởng rằng trở thành một quốc gia đối tác trong chương trình F-35 là một lựa chọn. Tôi muốn biết suy nghĩ của Mỹ về việc Nhật Bản có khả năng trở thành đối tác hay không. Ngoài ra, tôi mong muốn bà cung cấp cho Bộ Quốc phòng chúng tôi về thông tin chi tiết như trách nhiệm và quyền của quốc gia đối tác, cũng như chia sẻ chi phí và các điều kiện như quy trình phê duyệt và thời gian cần thiết”, trích bức thư của ông Suzuki.
Thế khó cho Mỹ
Đề xuất của Nhật Bản đã khiến các nhà quản lý chương trình JSF rơi vào tình thế khó xử, vì điều này có thể gây ra sự căng thẳng giữa các cơ sở sản xuất quốc tế của các đối tác trong chương trình, tạo ra tiền đề cho các khách hàng khác yêu cầu vai trò lớn hơn.
Một tiêm kích F-35 của Nhật Bản bay gần núi Phú Sĩ. Ảnh: JASDF. |
Bà Lord dự kiến gặp các quan chức Nhật Bản vào tuần này và câu hỏi về tư cách đối tác của Nhật Bản sẽ được nêu ra, nhưng Tokyo sẽ không thích câu trả lời của Lầu Năm Góc. Bà Lord có thể tìm cách để xoa dịu Nhật Bản, vì việc phê chuẩn đối tác đã chính thức khép lại bằng một văn bản vào ngày 15/7/2002.
Năm 2007, chín nước đối tác cấp I của chương trình JSF đã ký một bản ghi nhớ riêng rằng chỉ những đối tác tham gia vào giai đoạn phát triển mới đủ điều kiện để tham gia vào các công đoạn sản xuất và duy trì hiện đại hóa.
Bộ Quốc phòng Mỹ có thể sử dụng yếu tố Nhật Bản hiện là khách hàng lớn nhất của F-35 để nâng cấp Tokyo trở thành đối tác. Tuy nhiên, việc Nhật Bản muốn trở thành đối tác F-35 sẽ kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến chính trị, không chỉ là quân sự đơn thuần.
Một quan chức quốc phòng của Hàn Quốc nói với Defense News rằng nếu Nhật Bản trở thành đối tác chính thức của F-35 có thể kéo theo nhiều hệ lụy. Tuy cùng là đồng minh của Mỹ, nhưng Hàn Quốc và Nhật Bản có mối quan hệ chính trị khá phức tạp.
“Đây là một quả bóng chính trị thú vị mà Lầu Năm Góc phải vật lộn với nó. Cá nhân tôi nghĩ rằng Lầu Năm Góc không muốn kéo thêm rắc rối nếu họ đồng ý”, vị quan chức nói trong điều kiện giấu tên.
Tham vọng của Tokyo
Giới phân tích nhận định, đề xuất của Nhật Bản diễn ra vào thời điểm các đối tác trong chương trình JSF đang có sự xáo trộn. Thổ Nhĩ Kỳ, đối tác cấp I đã bị loại khỏi chương trình vì mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Điều này có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và sản xuất của F-35.
Chương trình JSF có thể phải cần thêm đối tác có tiềm lực để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không bị gián đoạn. Ngoài ra, Nhật Bản là khách hàng lớn nhất của JSF ngoài quân đội Mỹ. Các nước tham gia vào chương trình JSF được phân loại thành 2 cấp.
Nhật Bản là khách hàng lớn thứ 2 của F-35 sau quân đội Mỹ. Ảnh: Nikkei Asia Review. |
Đối tác chính thức gồm 9 quốc gia, Mỹ, Australia, Đan Mạch, Hà Lan, Italy, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh. Những nước này đóng góp chi phí và tham gia vào quá trình phát triển ban đầu. Đối tác cấp 2 gồm những khách hàng được phép mua F-35 gồm Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, tương lai có thể thêm Singapore và Phần Lan.
Với các đối tác chính thức, tham gia sản xuất linh kiện cho F-35 trong chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ đem về cho họ khoản doanh thu khổng lồ trong suốt chiều dài của chương trình.
Richard Aboulafia, nhà phân tích của Teal Group, công ty phân tích và dự báo thị trường quốc phòng, có trụ sở tại Virginia, Mỹ, nhận xét việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại tư cách đối tác chính thức đem lại tiềm năng lớn cho các công ty quốc phòng Nhật Bản.
Aboulafia cho rằng Tập đoàn Mitsubishi có thể là sự thay thế hợp lý cho nhà cung cấp của Thổ Nhĩ Kỳ. Kawasaki và Subaru cũng là những tùy chọn phù hợp. Tuy vậy, nhà phân tích Aboulafia nhận xét sự quan tâm của Nhật Bản trong việc trở thành đối tác của F-35 xuất phát từ tham vọng phát triển trong tương lai của Tokyo.
Bằng chứng là Tokyo đã quyết định mua thêm F-35. Nếu Nhật Bản muốn dựa vào F-35 để phát triển máy bay chiến đấu bản địa, rõ ràng họ muốn tiếp cận chương trình để tìm hiểu kỹ hơn về nó.
Nhật Bản đang phát triển máy bay chiến đấu bản địa mới để thay thế cho Mitsubishi F-2, phiên bản F-16 sản xuất tại Nhật Bản. Tokyo muốn thiết kế mới được đưa vào sử dụng từ năm 2030. Các tùy chọn đang được Tokyo xem xét, bao gồm thiết kế bản địa, hợp tác với nước ngoài, hoặc dựa theo một thiết kế sẵn có của nước ngoài.