Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuỗi nhà thuốc Long Châu bao giờ có lãi?

Đầu tư mạnh để mở thêm 150 cửa hàng mỗi năm, chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc Long Châu kỳ vọng sẽ có lãi từ năm 2023, tức sau 5 năm gia nhập thị trường.

Kỳ vọng trên vừa được ban lãnh đạo công ty bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên 2021 diễn ra chiều nay 29/4.

Theo bà Nguyễn Bạch Điệp, chủ tịch FRT đây là năm chuỗi đẩy mạnh tăng trưởng của mảng dược phẩm với chuỗi nhà thuốc Long Châu. FRT dự kiến sẽ mở thêm 150 cửa hàng với doanh thu ước tính 2.400 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2020.

“Vì quá trình đầu tư tiếp tục nên chúng tôi dự kiến chưa có lãi trong năm nay, kỳ vọng mức lỗ sẽ giảm trong năm 2022 để tiến tới có lãi từ năm 2023”, bà Điệp cho hay. Năm 2021, FRT tiếp tục đầu tư mở rộng vùng phủ cho Long Châu với doanh thu tăng trưởng bình quân 30-50%/năm đến 2023.

“Đây có thể là cơ hội để Long Châu dẫn đầu thị trường chuỗi nhà thuốc”, bà nói về lý do đầu tư mạnh cho Long Châu trong năm nay.

Lý do để lãnh đạo công ty tin tưởng chuỗi sẽ có lãi là hiện nay, hơn 90% cửa hàng dưới 1 năm đều ghi nhận hòa vốn hoặc lãi nhẹ sau 6 tháng (không bao gồm chi phí vận hành trung tâm). “Mục tiêu của chúng tôi là mỗi cửa hàng mở mới sẽ hòa vốn sau 6 tháng”, bà Điệp nói và cho hay “Kết quả này đã đạt được kỳ vọng của công ty về hiệu quả các cửa hàng dưới một năm”.

Tỷ trọng đóng góp Long Châu vào doanh thu FRT năm 2020

NhãnLong ChâuICT và các mảng khác


120013460

Cũng theo nữ lãnh đạo này, thách thức lớn đối với chuỗi trong việc tạo ra được lợi nhuận tốt hơn đến từ nhiều yếu tố. Đặc thù ngành thuốc phụ thuộc nhiều vào các công ty đa quốc gia, 70% phân phối qua kênh bệnh viện. Trong khi đó chỉ khoảng 30% thuốc cung cấp cho kênh nhà thuốc. “Vì vậy khó để dùng quy mô thương lượng giá đầu vào tốt với nhà cung cấp”, bà nói.

Mặt khác khi phát triển ra các tỉnh thành, Long Châu vấp phải sự phản ứng của các nhà thuốc lâu đời tại địa phương. “Phản ứng này sẽ còn mạnh mẽ hơn trong năm nay và dự báo sẽ có một cuộc chiến về giá”, theo bà Điệp.

Tuy nhiên mục tiêu của chúng tôi sẽ mở rộng quy mô, đủ để đấu với bất kỳ đối thủ nào. Một trong những chiến lược gia tăng biên lợi nhuận của nhà bán lẻ này là việc gia tăng danh mục sản phẩm độc quyền từ 15 lên 50 trong năm nay. “Nhóm này có lợi nhuận tốt hơn”, lãnh đạo công ty nhấn mạnh.

Nói về lợi thế cạnh tranh của Long Châu. Bà Điệp cho biết FRT là chuỗi bán lẻ dựa trên nền tảng công nghệ. “Ngoài phân tích dữ liệu về lượng hàng hóa bán ra tại các cửa hàng theo thời gian thực, chúng tôi có thể biết được cửa hàng ở đâu đang bán ra sản phẩm gì, việc phân chia hàng hóa cho các cửa hàng ra sao để đảm bảo xuyên suốt, không thiếu hàng. Vì để thiếu hàng, khách hàng bỏ đi thì chúng tôi mất đi cơ hội bán được hàng”, bà nói.

Trong quý I, FRT đã mở 22 cửa hàng. Theo bà, tiến độ này có phần hơi chậm so với mục tiêu. “Một số hợp đồng thuê nhà bị trì hoãn sau Tết cùng thủ tục xây dựng và cấp phép thực hành nhà thuốc tốt GPP khiến một số cửa hàng chưa kịp ra doanh thu mở bán trong quý”, nữ Chủ tịch cho hay.

Năm 2021, FRT lên kế hoạch doanh thu 16.400 tỷ đồng, tăng 12% với lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng, gấp 4 lần so với năm ngoái. Trong khi đó Long Châu dự kiến chiếm khoảng 15% tổng doanh thu với lỗ dự kiến 70-80 tỷ đồng. Trong khi đó mảng ICT chiếm phần lớn doanh thu còn lại, đại diện FRT cho biết tìm kiếm lợi nhuận thông qua mở thêm 70 trung tâm laptop phục vụ thị trường đang có nhu cầu cao này.

Ngoài ra công ty cũng đang thử nghiệm một số mảng kinh doanh mới như kinh doanh đồng hồ, mỹ phẩm… cho quá trình tìm kiếm động lực tăng trưởng khác trong tương lai.

Ngọc Nhi

Bạn có thể quan tâm