Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuỗi nhà thuốc Pharmacity lỗ gần 200 tỷ sau nửa năm

Pharmacity hiện là chuỗi nhà thuốc lớn nhất cả nước với 469 cửa hàng. Tuy nhiên, chuỗi bán lẻ dược phẩm này thường xuyên kinh doanh trong tình trạng thua lỗ.

Công ty Cổ phần Dược phẩm Pharmacity vừa có báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Báo cáo mới nhất cho biết dù là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất thị trường trong nước nhưng Pharmacity lại thường xuyên thua lỗ.

Cụ thể, nửa đầu năm nay, trong khi vốn chủ sở hữu tăng gấp 4 lần cùng kỳ, đạt 408 tỷ đồng, kết quả kinh doanh của Pharmacity lại báo lỗ ròng tới 194 tỷ. Cùng kỳ năm 2019, với vốn chủ sở hữu gần 99 tỷ, chuỗi nhà thuốc này cũng khiến các ông chủ của mình lỗ ròng hơn 122 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính tóm tắt năm 2019, Pharmacity có vốn chủ sở hữu đến cuối năm này đạt 163 tỷ, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu đạt 3 lần, tương đương nợ phải trả vào khoảng 489 tỷ đồng. Cùng năm, chuỗi bán lẻ dược phẩm này lỗ ròng 265 tỷ đồng.

MỘT SỐ CHỈ TIÊU TÀI CHÍNH CỦA PHARMACITY
Nguồn: HNX
Nhãn6T20196T2020
Vốn chủ sở hữu tỷ đồng 99408
Nợ phải trả
33136
Lợi nhuận sau thuế
-122-194

Tuy số liệu doanh thu không được tiết lộ nhưng trong lần chia sẻ hồi đầu năm 2020, đại diện chuỗi này cho biết mức doanh thu năm 2019 đã tăng 129% so với năm liền trước, tương đương vào khoảng gần 500 tỷ đồng.

Tại kỳ kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Pharmacity giảm xuống còn 0,3 lần, tương đương nợ phải trả của chuỗi chỉ ở mức 136 tỷ đồng. Hầu hết số nợ này là trái phiếu với kỳ hạn 2 năm có lãi suất 13%/năm.

Chuỗi Pharmacity được thành lập từ tháng 11/2011 và hiện là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất cả nước với 469 cửa hàng. Tháng 5/2019, chuỗi này cho biết đã được Mekong Capital rót vốn và đến tháng 2 năm nay gọi thêm được 32 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ, tương đương 730 tỷ đồng.

Tại vòng gọi vốn này, Pharmacity cũng đặt mục tiêu chạm mốc 1.000 cửa hàng vào năm 2021, tương ứng mức doanh thu kỳ vọng hơn 3.000 tỷ đồng.

Thị trường bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam hiện nay có sự tham gia của hàng loạt “ông lớn” trong ngành bán lẻ.

Trong khi Thế Giới Di Động là cổ đông lớn tại chuỗi nhà thuốc An Khang, ông chủ chuỗi điện máy Nguyễn Kim cũng nhiều lần đặt tham vọng thâu tóm Công ty Dược Lâm Đồng. Ngoài ra, FPT Retail cũng đang đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu...

Theo đánh giá của BMI, bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam là thị trường tiềm năng có quy mô lên tới hơn 3 tỷ USD và chưa có nhiều doanh nghiệp lớn tham gia. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, cũng cho biết hiện nay chưa có doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm nào nắm giữ trên 20% thị phần. Đây là lý do Thế Giới Di Động cùng hàng loạt nhà bán lẻ lớn trong nước nuôi tham vọng lấn sân sang thị trường này.

An Khang thua lỗ và lý do Thế giới Di động chưa đầu tư thêm

Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài cho biết dược phẩm vẫn là lĩnh vực thú vị nhưng có nhiều "rào cản kỳ cục" khiến Thế giới Di động chưa sẵn sàng đầu tư lớn, bài bản.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm