Stephen King. Ảnh: Steve Schofield/Theguardian. |
Tới năm 1985, tôi còn nghiện thêm ma túy ngoài nghiện rượu, ấy thế nhưng máy vẫn chạy tốt, tốt hết mức tạm chấp nhận được với một kẻ lạm dụng chất kích thích. Nếu không được như vậy chắc tôi sợ chết khiếp rồi; bấy giờ tôi chẳng hề hay biết lối sống nào khác cả.
Tôi giấu số ma túy của mình bằng mọi giá, cả vì sợ hãi - nếu thiếu thuốc thì mình sẽ thế nào bây giờ? Tôi đã quên mẹo sống sạch rồi - và vì tủi hổ nữa. Tôi lại chùi đít bằng lá thường xuân độc nữa rồi, lần này lại còn là hàng ngày, nhưng tôi không thể nhờ ai giúp được. Đây không phải phong cách của gia đình chúng tôi. Trong gia đình tôi, bọn tôi sẽ hút thuốc, nhảy múa trên đống Jell-O và thân ai nấy lo.
Tuy nhiên, cái phần tôi cầm bút viết truyện, phần sâu bên trong biết tôi đã nghiện ngập từ đầu những năm 1975, khi tôi viết The shining (Thị kiến), lại không chịu đồng ý như thế. Cái phần tôi đó không chịu im lặng. Nó bắt đầu gào thét kêu cứu theo cách duy nhất nó biết, đó là thông qua những câu chuyện, thông qua những con quái vật của tôi.
Vào cuối năm 1985, đầu 1986, tôi viết Misery - Chiếc máy đánh chữ đẫm máu ở vùng núi tuyết (tựa đề khá phù hợp với trạng thái tinh thần của tôi) về một nhà văn bị một y tá tâm thần giam cầm và tra tấn.
Vào mùa xuân và hè năm 1986, tôi viết The Tommyknockers - Tommy Búa gõ, thường làm việc tới nửa đêm với nhịp tim trên một trăm ba mươi nhịp trên phút và bông gòn bịt kín hai lỗ mũi để chặn máu cam do dùng chất kích thích mà ra.
Tommy Búa gõ là truyện khoa học viễn tưởng theo phong cách thập niên bốn mươi, trong đó nhà văn - nhân vật chính phát hiện ra một phi thuyền của người ngoài hành tinh bị chôn vùi dưới đất. Phi hành đoàn vẫn còn ở đó, không tử vong mà chỉ ngủ đông. Những sinh vật ngoài hành tinh này thâm nhập vào đầu người ta và bắt đầu... hừm, gây ảnh hưởng khắp chốn.
Thứ người ta nhận được là nguồn năng lượng và chút trí khôn nho nhỏ (nhà văn Bobbi Anderson đã tạo ra một cái máy đánh chữ điều khiển bằng ý nghĩ và một cái bình nước nóng năng lượng nguyên tử cùng những thứ khác). Nhưng thứ người ta phải đánh đổi là linh hồn mình. Đây là phép ẩn dụ hay nhất về ma túy và rượu mà cái đầu đã mệt mỏi và căng như dây đàn của tôi nghĩ ra được.
Không lâu sau đó, vợ tôi cuối cùng cũng tin rằng tôi sẽ không thể tự thoát khỏi vòng xoáy trượt dài đó và quyết định can thiệp. Chẳng thể nào dễ dàng - lúc đó tôi không còn có thể kêu gọi đầu óc tỉnh táo của mình quay về nữa - nhưng cô ấy đã làm được. Cô ấy lập ra một nhóm can thiệp gồm gia đình và bạn bè, còn tôi được điều trị theo lối Cuộc đời bạn đó phiên bản địa ngục.
Tabby bắt đầu đổ túi rác đầy những thứ lấy từ phòng làm việc của tôi ra thảm: lon bia, đầu lọc thuốc lá, cocaine trong những lọ đong gram và cocaine trong túi nylon con, thìa đong cocaine dính đầy hỉ mũi và máu, Valium, Xanax, những lọ xi-rô ho Robitussin và thuốc cảm NyQuil, cả những lọ nước súc miệng nữa.
Khoảng một năm trước đó, khi nhận ra tốc độ biến mất nhanh bất thường của những chai Listerine trong nhà tắm, Tabby đã hỏi có phải tôi uống chúng không. Tôi ngẩng cao đầu tự tin trả lời rằng chắc chắn không phải tại tôi. Không phải tôi. Tôi uống Scope cơ. Nó ngon hơn nhiều, có tý vị bạc hà.
Việc can thiệp chắc chắn chẳng dễ chịu gì với vợ tôi, các con tôi, bạn bè tôi, cũng như cho tôi, nhưng nó là vì tôi đang chết dần chết mòn trước mặt họ. Tabby nói tôi có thể lựa chọn: Tôi được quyền đến trại cai nghiện để được hỗ trợ hoặc được quyền cuốn xéo ra khỏi nhà. Cô ấy nói rằng cô ấy và bọn trẻ yêu tôi, chính vì thế nên chẳng ai trong số họ muốn chứng kiến tôi tự giết mình.
Tôi mặc cả, vì bọn nghiện toàn làm thế. Tôi dụ khị, vì bọn nghiện toàn như thế. Sau cùng, tôi giành được hai tuần để suy nghĩ. Giờ nhìn lại, có thể tóm lược tất cả sự điên rồ của giai đoạn đó như thế này.
Người đàn ông đứng trên nóc tòa nhà bốc cháy. Trực thăng đến, lơ lửng bên trên, thả thang dây xuống. Leo lên đi! Từ cửa trực thăng, một người nhoài ra hét. Gã đứng trên đỉnh tòa nhà đáp, Cho tôi hai tuần suy nghĩ đã.
Tuy nhiên, tôi thật sự đã suy nghĩ hết mức có thể trong tình trạng nghiện ngập của mình. Sau cùng, điều khiến tôi ra quyết định là Annie Wilkes, y tá tâm thần trong Misery. Annie nghiện ma túy, Annie cũng nghiện rượu, còn tôi thì thấy mình đã chán làm nhà văn riêng của Annie rồi. Tôi sợ mình sẽ không thể làm việc được nữa nếu bỏ rượu và ma túy, nhưng tôi quyết rằng (xin lặp lại, cố gắng để quyết định trong tình trạng quẫn trí và chán nản) mình sẽ đánh đổi khả năng viết lách lấy cuộc hôn nhân và được nhìn bọn trẻ lớn lên. Nếu phải như vậy.
[...]
Tại điểm kết của những chuyến phiêu lưu ấy, tôi uống cả thùng bia lon cao mười sáu ounce một đêm. Có một cuốn tiểu thuyết, cuốn Cujo, mà tôi gần như chẳng nhớ nổi mình đã viết ra nó.
Khi nói thế, tôi không thấy tự hào hay xấu hổ, mà chỉ cảm thấy mơ hồ trống trải vì buồn bã và mất mát. Tôi thích cuốn sách đó. Ước gì tôi có thể nhớ cảm giác thỏa mãn khi đưa những đoạn văn hay đó lên trang giấy.
Tới khi tồi tệ nhất, tôi không còn muốn uống nữa mà cũng chẳng muốn tỉnh táo. Tôi cảm thấy như bị trục xuất khỏi cuộc đời. Tại điểm khởi đầu của con đường quay trở lại, tôi cố tin lời người ta thường bảo, rằng cái gì cũng sẽ tốt đẹp hơn nếu có thời gian dành cho nó.
Tôi thì không bao giờ ngừng viết. Đôi lúc, những thứ được viết ra dễ đoán và nhạt nhẽo, nhưng ít nhất chúng tồn tại. Tôi chôn vùi những trang buồn bã và vô vị đó xuống đáy ngăn tủ bàn, tiếp tục theo đuổi dự án tiếp theo. Dần dà, tôi tìm lại nhịp phách, sau đó tôi lại thấy niềm vui.
Tôi trở lại với gia đình mang theo lòng biết ơn, trở lại với công việc trong sự nhẹ nhõm - tôi đã quay trở lại như cách người ta quay trở lại căn nhà nghỉ mùa hè sau một mùa đông dài, việc đầu tiên họ làm là đi kiểm tra để chắc rằng không có thứ gì bị trộm mất hay hỏng hóc trong mùa lạnh. Không có gì sai khác cả. Tất cả vẫn ở đó, vẫn vẹn nguyên. Ngay khi các đường ống rã đông, điện được bật, mọi thứ lại hoạt động tốt.