Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

'Chúng tôi sợ hãi khi dấu tích lịch sử bị tước khỏi tầm tay'

Không gì nghiệt ngã bằng việc phải sống suốt đời giữa những hoang tàn, đổ nát. Nhưng Pháp có đủ nguồn lực để xây dựng lại nhà thờ.

Nha tho Duc Ba Paris anh 1

Tôi sẽ ngừng tiếc nuối hay xót thương Nhà thờ Đức Bà Paris

Không gì nghiệt ngã bằng việc phải sống suốt đời giữa những hoang tàn, đổ nát. Nhưng Pháp có đủ nguồn lực để xây dựng lại nhà thờ.

Nha tho Duc Ba Paris anh 2

Nha tho Duc Ba Paris anh 3

Louis Raymond

Nhà báo

Louis Raymond là nhà báo người Pháp gốc Việt, hiện sinh sống và làm việc tại Nantes. Sau khi tốt nghiệp École normale supérieure de Lyon, một trong 3 đại học hàng đầu Pháp, Raymond sang sống và làm việc tại Việt Nam trong vài năm. Anh từng công tác tại Tổng Lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM.

Khi Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa đêm thứ hai vừa rồi, tôi đang đi chơi với bạn bè. Điện thoại tôi rung liên hồi vì bạn bè dồn dập gửi tin nhắn, hình ảnh, video về nhà thờ trong biển lửa.

Tôi sững sờ, bạn bè tôi cũng vậy. Chúng tôi nhìn nhau và biết rằng mình sẽ không thể nào quên thời khắc này. Cũng như hai biến cố trên, giây phút Nhà thờ Đức Bà trong làn lửa này sẽ mãi đi vào lịch sử và tâm thức chúng tôi.

Đến tận bây giờ, tôi vẫn có thể nhớ chính xác mình đang ở đâu và đi với ai vào ngày 11/9/2001, thời điểm hai chiếc máy bay đâm vào tòa tháp đôi Manhattan (New York, Mỹ). Lúc đó tôi chỉ mới 10 tuổi.

Tôi cũng luôn nhớ chính xác thời điểm nhận được tin nhắn về cuộc tấn công khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris vào ngày 13/11/2015.

Vào đêm thứ hai tuần này, cảm giác đó lại trở về. Tôi và bạn bè biết rằng chúng tôi đang cùng trải qua một biến cố tập thể. Chúng tôi biết đó là một cột mốc trong ký ức của mình.

Hơn cả một nhà thờ

Phải mất hơn hai thế kỷ mới xây dựng xong Nhà thờ Đức Bà. Hơn 800 năm qua, nhà thờ ấy tự hào sừng sững ở trung tâm thủ đô Paris. Với người Pháp, nhà thờ chính là linh hồn của Paris, là hiện thân của lịch sử dân tộc.

Nhà thờ không chỉ đơn giản được làm bằng đá, sắt, chì và thủy tinh, mà còn cả giấy và mực. Trong tiểu thuyết cùng tên (Notre-Dame de Paris) của Victor Hugo, Nhà thờ Đức Bà hiện ra không chỉ đơn thuần là bối cảnh xã hội Pháp thời trung cổ mà thực sự là một nhân vật có lương tri. Tháng 12/1804, Hoàng đế Napoléon Bonaparte đăng cơ dưới những mái vòm của nhà thờ cao 93 m.

Nhà thờ Đức Bà không thuộc về riêng Paris, nước Pháp các tín đồ công giáo, hay khách du lịch. Nhà thờ Đức Bà là của tất cả mọi người.

Những tác phẩm điêu khắc, tượng, tranh khắc họa các hình ảnh và vị thánh đều mang trong mình ý nghĩa riêng và đều có ảnh hưởng đến việc người Pháp nhìn nhận tôn giáo và chính bản thân mình.

Trong nhiều thế kỷ, Nhà thờ Đức Bà là hiện thân của hòa bình, luôn mở rộng vòng tay đón tiếp và cứu giúp bất kỳ ai gõ cửa. Nhưng chính sự nhân hậu ấy đôi khi bị lợi dụng, báng bổ.

Nhà thờ vốn là nơi thiêng liêng để các tín đồ sùng đạo hành lễ. Thế nhưng vào tháng 4/1950, một nhà hoạt động tên là Michel Mourre cải trang thành tu sĩ Công giáo trà trộn vào nhà thờ, làm xáo trộn các nghi lễ tôn giáo được tổ chức cho lễ Phục sinh và còn hét lên rằng “Chúa đã chết”.

Một nhà sử học từng nói với tôi rằng sức mạnh của nền văn minh châu Âu trong bốn thế kỷ qua chính là sự tích lũy của tri thức, kỹ thuật, sách vở và cả của cải. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Người Pháp cũng như các quốc gia châu Âu khác, luôn khao khát được sống giữa những bằng chứng lịch sử hiện hữu, chạm tay và cảm nhận được.

Ban đầu, tôi rất ngạc nhiên khi báo chí truyền thông đưa tin rất nhiều về vụ cháy không có thương vong này. Nhưng khi nhìn những giọt nước mắt, những ánh mắt thất thần của đám đông bên bờ sông Seine, tôi mới hiểu: Tất cả những gì chúng tôi - một dân tộc - sợ hãi nhất chính là nhìn dấu tích lịch sử bị tước khỏi tầm tay.

Giống như ngôi đền Angkor Wat (Campuchia) hay đền Parthenon (Hy Lạp), Nhà thờ Đức Bà vượt xa ý nghĩa tôn giáo của nó để trở thành một phần của văn hóa nhân loại. Nó không thuộc về riêng Paris, nước Pháp hay các tín đồ công giáo, khách du lịch. Nhà thờ Đức Bà là của tất cả mọi người. 

Đêm xảy ra thảm hoạ, tôi không thể nào chợp mắt cho đến khi ngọn lửa được khống chế hoàn toàn.

Thảm hoạ là động lực thúc đẩy con người

Sáng đầu tiên sau vụ cháy, đài truyền hình quốc gia chiếu lại những trích đoạn tiểu thuyết, đoạn thơ về nhà thờ, đề cập đến vẻ đẹp của "Đức Mẹ" mà chúng ta suýt đánh mất.

Hiếm khi các nhà phê bình nhìn nhận một sự kiện như vậy bằng lăng kính triết học. Tất cả đang đón nhận những gì xảy ra bằng cảm xúc và sự khổ đau.

Chiến tranh hay địch hoạ có thể là nguồn cơn phá hủy các công trình kiến trúc vĩ đại nhưng lại có thể là động lực thúc đẩy con người xây dựng những công trình mới từ đống đổ nát.

Nhưng tôi tình cờ nghe được trên đài phát thanh, tiểu thuyết gia Aurélien Bellanger chia sẻ: Sự hủy diệt của cái này là khởi nguồn hy vọng của cái mới. Với Paris, Nhà thờ Đức Bà cháy rồi được xây dựng lại đồng nghĩa với việc phát minh ra một dự án đô thị mới.

Là công dân Pháp, tôi thấy quan điểm này khá thú vị: Tại sao chính chúng ta không tạo ra lịch sử?

Lịch sử đã chứng kiến nhiều thành phố bị thiêu rụi hoàn toàn, do vô tình hoặc sau một cuộc xâm lược, rồi sau đó vẫn xây dựng lại và tiếp tục phát triển phồn thịnh.

Sau khi thành Troy bị Hy Lạp đốt thành tro, những người tị nạn chạy trốn khỏi đống đổ nát và xây dựng nên đế chế La Mã. Lisbon (Bồ Đào Nha) đã bị san bằng và phá huỷ sau một trận động đất đi kèm hỏa hoạn năm 1755, nhưng điểm đến này giờ là một trong những thành phố đẹp và quyến rũ nhất châu Âu.

Chiến tranh hay địch hoạ có thể là nguồn cơn phá hủy các công trình kiến trúc vĩ đại. Nhưng cũng chính những thảm họa đó có thể là động lực thúc đẩy con người xây dựng những công trình mới từ đống đổ nát.

Ở một mặt nào, sự kỳ diệu ở con người nằm ở chính khả năng bắt đầu lại từ con số 0. Và chính từ khoảnh khắc bắt đầu lại đó, con người mới phát huy hết các khả năng tiềm tàng của mình. 

May mắn thay, nước Pháp có đủ nguồn lực tài chính để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà trong vòng một vài năm.

Khi mới nghe tin về vụ cháy, tôi buồn khôn xiết. Nhưng giờ đây, khi bình tâm suy ngẫm lại, nỗi buồn bỗng trôi đi rất xa bởi Nhà thờ Đức Bà sẽ không mãi mãi ra đi.

Biết đâu tổng thống Pháp hay thị trưởng Paris sẽ táo bạo giao toàn quyền quyết định cho một kiến trúc sư nào đó để thổi điều mới mẻ vào nhà thờ thì sao, như cựu tổng thống François Mitterrand từng đặt vận mệnh bảo tàng Louvre vào tay kiến trúc sư người Mỹ gốc Hoa Ieoh Ming Pei năm xưa vậy. Lúc mới đầu, công trình kim tự tháp bằng kính Louvre bị cho là gớm ghiếc nhưng giờ thì cùng với Nhà thờ Đức Bà, đây cũng là một trong những địa điểm phải ghé thăm khi đến Paris. Xét cho cùng, bản chất của lịch sử là cho phép con người tận dụng tốt nhất cơ hội từ mọi thảm kịch.

Khi mới nghe tin về vụ cháy, tôi buồn khôn xiết, cảm tưởng như một phần đời của mình bị mất đi.

Giờ thì tôi không thấy buồn cho Nhà thờ Đức Bà nữa. Nỗi buồn của ngày hôm qua đã trôi đi. Điều duy nhất khiến tôi buồn lúc này là khi nghĩ về những thành phố mà người dân không thể gầy dựng lại những gì thuộc về họ, như ở Syria, Yemen hoặc Lybia. 

Điều nghiệt ngã nhất của một kiếp người tôi có thể mường tượng được chính là việc không có khả năng gầy dựng lại những gì thuộc về mình, để rồi suốt cuộc đời phải sống giữa những hoang tàn, đổ nát.

Louis Raymond

Illustration: Phượng Nguyễn
Biên dịch: Hà Phương

Bạn có thể quan tâm