Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Vanderbilt, thành phố Nashville, Mỹ, cho biết số ca nhiễm bùng phát ở Deagu khiến việc kiềm tỏa virus corona chủng mới trở nên khó hơn nhiều, vì “phải có biện pháp hạn chế tiếp xúc đối với rất nhiều người... đến khi làm được thì bệnh có thể đã lây cho những người khác”.
“Ngày hôm nay tôi lo ngại hơn so với tuần trước. Tôi sợ rằng thêm một tuần nữa, sẽ thêm nhiều nước phải chống chọi với các đợt bùng phát”, ông nói với Zing.vn.
Các quầy bán mì đóng cửa toàn bộ trong một khu chợ truyền thống ở Daegu, Hàn Quốc ngày 21/2. Ảnh: AP. |
Nguy cơ đại dịch cao
“Chúng ta đang trước bờ vực nguy cấp để kiềm chế được virus hay không. Dường như nguy cơ càng cao đây sẽ trở thành một đại dịch”, ông Schaffner nói thêm. “Dịch bệnh có thể bùng nổ, nhiều ca nhiễm mới ở nhiều nước mới một cách đồng thời”.
Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Vanderbilt, thành phố Nashville, bang Tennessee, Mỹ. Ảnh: Đại học Vanderbilt. |
Với tỷ lệ tử vong khoảng 2% (như ở Trung Quốc), một đại dịch đồng nghĩa với việc số ca tử vong trên thế giới sẽ tăng vọt. Có tránh được kịch bản đó hay không sẽ phụ thuộc các biện pháp ngăn chặn virus ở những nơi có dịch, theo tiến sĩ Schaffner.
Tương tự, giáo sư dịch tễ học David Fisman của trường y tế cộng đồng, Đại học Toronto, Canada cho biết diễn biến 48 giờ qua làm ông bi quan hơn nhiều về khả năng dịch bệnh có thể được kiểm soát.
“Đã có dây chuyền lây nhiễm ở nhiều nước, cánh cửa cơ hội kiểm soát được dịch ngày càng hẹp”, ông nói, và cho biết trọng tâm có thể sẽ phải chuyển sang việc “làm chậm sự lây lan”. Các nước vẫn có thể cố ngăn chặn các ca lây nhiễm mới, nhưng khó có thể làm vậy mãi, vì “thế giới ngày nay có sự kết nối rất lớn”.
“Tôi không ngạc nhiên nếu ngày mai sẽ là những thành phố khác, hai tuần nữa sẽ có những tâm dịch khác”, Dale Fisher, giáo sư bệnh truyền nhiễm, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nói. “Bạn có thể coi Vũ Hán... là điều có thể xảy ra với mọi thành phố trên thế giới, nếu không kiểm soát được dịch bệnh”.
Tiến sĩ Fisher, cũng là chủ tịch mạng lưới báo động và phản ứng dịch bệnh toàn cầu (GOARN), thuộc WHO, cho rằng để kiềm chế dịch bệnh, mọi quốc gia trên toàn thế giới phải coi đây là tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”.
“Mọi thứ phải sẵn sàng ra trận, từ việc xét nghiệm nhiều để tìm ra ca bệnh, đến guồng máy truy tìm quá trình tiếp xúc, đến cách ly... nếu chỉ đợi tới bệnh viện thì đã lỡ nhiều ca bệnh”, ông nói.
“Cộng đồng cũng phải tham gia, cần kiểm tra nếu có nghi ngờ, phải biết rằng 2020 sẽ là một năm kỳ lạ và cần tham gia vào giải pháp”, ông nói thêm.
"2020 sẽ là một năm kỳ lạ", tiến sĩ Fisher cho biết. Ảnh: AP. |
Sự cố nhỏ sẽ ảnh hưởng toàn cầu
Tiến sĩ Schaffner từ Tennessee, Mỹ, cho rằng vì virus lây lan rất mạnh, những quyết định nhỏ cũng có thể ảnh hưởng toàn cầu, chẳng hạn “bệnh nhân 31” ở Hàn Quốc từng liên tục từ chối xét nghiệm virus corona dù các bác sĩ yêu cầu, hay quyết định của Nhật Bản cho du khách thuyền Diamond Princess xuống bến mà không cách ly thêm.
“Tôi vẫn lo ngại về những người mà Nhật cho xuống bến mà không cách ly”, ông nói. “Chúng tôi vẫn ngạc nhiên vì điều này... thuyền là nơi họ có thể đã tiếp xúc với bệnh”.
Ngày 23/2, hành khách thứ ba từ trên du thuyền này đã tử vong. Nhật Bản đang chịu nhiều chỉ trích khi nhiều thông tin cho thấy sự cách ly trên tàu không hiệu quả.
Chẳng hạn, 20 người được sơ tán khỏi tàu sau đó xét nghiệm dương tính. Một phụ nữ khác, tuổi ngoài 60, nhà ở tỉnh Tochigi phía bắc Tokyo, nằm trong số 3.000 hành khách được rời tàu nhờ xét nghiệm âm tính, sau đó bị sốt và xét nghiệm dương tính. Bộ Y tế Nhật cũng thừa nhận đã có 23 hành khách xuống bến mà chưa hề được xét nghiệm.
“Mỗi quyết định như vậy có thể mang tính địa phương, nhưng sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho virus. Sở dĩ như vậy là vì virus corona chủng mới lây lan rất mạnh, mỗi quyết định nhỏ có thể ảnh hưởng toàn cầu”, tiến sĩ Schaffner cho biết.
“Cần phải làm gì thêm ư? Có lẽ không thể hành động gì khác mới hơn hoặc kỳ diệu hơn, mà phải làm đúng mọi việc nhỏ nhưng đúng 100%”, ông nói thêm.
Tàu Princess Diamond trở thành ổ dịch lớn, Nhật bị chỉ trích vì cách ly không hiệu quả. Ảnh: AFP. |
Lo ngại về Iran
Các chuyên gia tỏ ra lo ngại về số ca tử vong ở Iran, và dường như Iran đang công bố ca nhiễm khá muộn. Cho tới cách đây vài ngày, Iran chưa công bố ca nhiễm nào, nhưng vài ngày gần đây, số ca nhiễm đã tăng vọt. Chiều 24/2, Tehran đã công bố có 12 người tỷ vong - nước có số ca tử vong cao nhất ngoài Trung Quốc.
Các chuyên gia đặt câu hỏi về khả năng ứng phó, xét nghiệm rộng, truy tìm quá trình tiếp xúc hay cách ly người bệnh, cũng như sự minh bạch của Iran.
Giáo sư dịch tễ học David Fisman của trường y tế cộng đồng, Đại học Toronto, Canada. Ảnh: Twitter. |
Giáo sư David Fisman từ Toronto, Canada, lập luận rằng mất vài tuần để dẫn đến tử vong, và chỉ 2% người bệnh tử vong, như vậy có nghĩa Iran đã có số ca bệnh đáng kể ngay từ thời điểm vài tuần trước. Nếu số ca tăng theo cấp số nhân cứ mỗi tuần, thì đến nay, Iran có thể đang có số lượng ca bệnh ở mức kinh hoàng.
“Điều này phù hợp với ghi nhận về những ca bệnh ‘xuất khẩu’ từ Iran sang Canada, UAE, Lebanon”, ông nói. “Để có những ca ‘tràn’ sang nước khác, phải có dịch bệnh lớn ở trong nước trước đã”.
Mối lo ngại càng gia tăng khi Iran đang gặp những bất ổn về chính trị, khó khăn về kinh tế, sau nhiều tuần biểu tình diện rộng, và sau nhiều năm bị Mỹ cấm vận kinh tế. Iran cũng gần với các nước có khả năng ứng phó dịch bệnh hạn chế, như Iraq, Afghanistan và Syria, theo ông Fisman.
“Một khi không có sự minh bạch, chúng ta càng lo ngại về khả năng của hệ thống y tế công cộng”, ông Schaffner nói về Iran.
Mọi người đeo khẩu trang ở Tehran, Iran, ngày 21/2, sau khi các trường hợp nhiễm virus corona mới và tử vong được xác nhận. Ảnh: Anadolu. |
“Ngạc nhiên” khi Italy phong tỏa các thị trấn
Các cụm lây nhiễm ở hai ổ dịch tại Hàn Quốc là thành phố Daegu và một bệnh viện ở Cheongdo, đều thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang, cho thấy virus corona chủng mới có khả năng lây nhiễm cao như thế nào, theo các chuyên gia.
Tiến sĩ Schaffner từ Đại học Vanderbilt, Mỹ cho biết “không ngạc nhiên” về con số trên 150 ca bệnh ở Daegu (tính đến ngày 22/2) có nguồn gốc từ “bệnh nhân 31” đã tới dự ít nhất bốn thánh lễ của giáo phái Shincheonji.
“Môi trường như các thánh lễ khi mà mọi người ở gần nhau một thời gian dài là lý tưởng để virus lây lan. Nhất là khi có người nào đó có tải lượng virus lớn”, ông nói.
Ông đánh giá cao việc giới chức thành phố Daegu của Hàn Quốc kêu gọi người dân gọi đường dây nóng y tế để được trợ giúp nếu có triệu chứng, thay vì đến bệnh viện. “Bệnh viện, phòng khám... cũng có thể là nơi lây bệnh”, ông nói. “Đó là ý tưởng tốt”.
Các chuyên gia đều cho rằng lệnh phong tỏa rộng khắp ở Trung Quốc đã làm giảm đà lây lan của dịch, nhưng khó có thể lặp lại ở các thành phố lớn của nước khác, do có thể vấp phải sự phản đối. Vì vậy mà việc Italy phong tỏa 10 thị trấn với khoảng 50.000 người khiến họ ngạc nhiên.
“Tôi vẫn sẽ rất ngạc nhiên nếu có lệnh phong tỏa một thành phố lớn ở phương Tây, rất khó có khả năng đó. Có thể giới hạn, giảm đi lại, nhưng khó có lệnh phong tỏa hoàn toàn như ở Trung Quốc”, ông Schaffner nói. “Ở các thị trấn nhỏ dễ làm vậy hơn... Chúng ta cần thời gian mới biết có tác dụng không (đối với Italy)”.
Dale Fisher, giáo sư bệnh truyền nhiễm, Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Ảnh: NUS. |
Tiến sĩ Dale Fisher từ Singapore cho rằng giải pháp ứng phó sẽ phụ thuộc hoàn cảnh mỗi nơi. “Có thể thị trấn ở Italy sẽ thuận lợi trong điều tra nếu phong tỏa, thay vì để mọi người lái xe tới mọi ngóc ngách của châu Âu, có thể họ không có đủ nguồn lực, phải đợi tới khi điều tra xong thì mở cửa lại”, ông nói.
Về việc một số nước như Israel, Kazakhstan hay Turkmenistan gần đây tuyên bố giới hạn nhập cảnh người hoặc cách ly người Hàn Quốc, ông cho rằng mọi phản ứng “sẽ phụ thuộc con số”.
“Chẳng hạn khi Australia cấm người Trung Quốc nhập cảnh, có thể họ xem xét có bao nhiêu sinh viên sẽ về lại, làm con tính và thấy (nếu có ca nhiễm) họ không thể theo dõi hết được”, ông nói. “Đối với các nước khác, nếu số lượng (người Hàn Quốc) nhỏ, có đủ nguồn lực để theo dõi, họ có thể cho nhập cảnh và theo dõi”.