Tranh cãi tác quyền bài thơ Đừng tưởng giữa ông Hà Sỹ Liêm (TP HCM) và ông Trần Văn Sỹ (Hà Nội) chưa đi đến hồi kết. Ông Hà Sỹ Liêm đã được Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy chứng nhận “Đăng ký quyền tác giả” cho bài thơ Đừng tưởng từ tháng 10/2015. Tuy vậy mới đây, ông Trần Văn Sỹ (Hà Nội) đưa ra ảnh chụp bài thơ Suy ngẫm của tác giả Khánh Nguyên đăng trên báo Văn Nghệ số ra ngày 29/3/2008. Bài thơ Đừng tưởng có cả đoạn giống hệt bài Suy ngẫm.
Bài thơ "Suy ngẫm" (trái) và Giấy chứng nhận Đăng ký Quyền tác giả cho ông Sỹ Liêm với bài thơ "Đừng tưởng". |
Luật sư Lê Quang Vy – Giám đốc Công ty Luật Việt Long Thăng, chuyên gia về bản quyền – nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý. Ông cho biết luật Sở hữu trí tuệ không bắt buộc tác giả phải làm thủ tục đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, nếu tác giả nào đăng ký bản quyền thì sẽ hưởng được lợi thế trong nghĩa vụ chứng minh.
Trong trường hợp tranh chấp bài thơ Đừng tưởng, ông Hà Sỹ Liêm là người được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả. Do đó về mặt pháp lý ông Hà Sỹ Liêm hiện đang là chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài thơ Đừng tưởng.
Ông Trần Văn Sỹ muốn khẳng định mình là chủ sở hữu quyền tác giả bài thơ Đừng tưởng, thì ông phải có nghĩa vụ chứng minh đó là tác phẩm của mình. Nếu ông Trần Văn Sỹ chứng minh được thì gửi đơn khiếu nại đến Cục Bản quyền tác giả, yêu cầu hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả mà Cục đã cấp cho ông Hà Sỹ Liêm. Trường hợp cơ quan này từ chối, ông Sỹ có quyền khởi kiện tại tòa án. Bản án có hiệu lực của tòa buộc các bên phải thi hành.
Theo luật sư Lê Quang Vy, Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả cho ông Hà Sỹ Liêm trên cơ sở hồ sơ đăng ký của ông Hà Sỹ Liêm là hợp lệ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng có quyền hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả trong trường hợp Cục phát hiện ông Hà Sỹ Liêm không phải là tác giả.
Ông Trần Văn Sỹ và ông Hà Sỹ Liêm. |
Luật sư Lê Quang Vy cho biết thêm việc đăng ký quyền tác giả không quá phức tạp. Ông nói: “Khác với thủ tục đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, phải trải qua các quy trình thẩm định về hình thức (1 tháng); phải công bố đơn hợp lệ trên công báo sở hữu công nghiệp (2 tháng); và sau cùng là thẩm định nội dung (9 tháng). Nghĩa là để đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, phải trải qua một quy trình chặt chẽ với thời gian 12 tháng. Trái lại, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thủ tục khá đơn giản và thời gian chỉ mất 15 ngày (kể từ khi Cục Bản quyền tác giả nhận đơn hợp lệ)”.
Sau khi xảy ra sự việc, phóng viên Zing.vn đã liên hệ với Cục Bản quyền tác giả nhưng chưa nhận được phản hồi của cơ quan này.