Ký ức về thời thơ ấu là một trong những đề tài được nghiên cứu nhiều nhất trong lĩnh vực khoa học trí nhớ. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đồng tình rằng độ tuổi mà chúng ta có thể bắt đầu hình thành những ký ức kéo dài đến khi trưởng thành là 3 tuổi rưỡi, dù cho một số nhà khoa học khác như Qi Wang (Đại học Cornell) tranh luận con số này sẽ thay đổi với mỗi người, và có thể là bất cứ độ tuổi nào trong khoảng từ 2 đến 5.
Tại sao? Vì ngoài việc những cấu trúc não bộ quan trọng chưa phát triển toàn diện, thì trước 3 tuổi, mọi thứ đều thật mới mẻ, thú vị và lạ lẫm.
Chúng ta không biết điều gì là quan trọng, chúng ta còn chưa có khả năng tổ chức và ngôn ngữ để hiểu được thế giới, huống chi là những nền tảng nhận thức cần thiết để xử lý thông tin. Vì không thể hiểu và phân biệt đúng, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh không có bất kỳ cơ sở nào để biết chúng nên cố nhớ những gì và quên những gì.
Tôi không nói là trẻ nhỏ không có ký ức - chúng có, nhưng thường không phải những ký ức có thể tồn tại đến khi trưởng thành. Từ thời sơ sinh, chúng ta đã có thể ghi nhớ những hình dạng cơ bản và sự kết hợp màu sắc trong tận một ngày. Những ký ức này thậm chí còn bị ảnh hưởng bởi cảm xúc gắn liền với các hình dạng.
Trong một nghiên cứu năm 2014, Ross Flom và cộng sự tại Utah cho nhóm trẻ 5 tháng tuổi xem các dạng hình khối - vuông, chữ nhật, tròn - cùng lúc với các khuôn mặt mang biểu cảm tươi cười, trung lập hoặc tức giận. Hiểu đơn giản là họ kết hợp hình tròn với hạnh phúc, hay hình vuông với trung lập. Họ tiến hành kiểm tra ngay sau đó và nhận thấy bọn trẻ nhớ giỏi nhất là những hình dạng "hạnh phúc". Tuy nhiên, sang ngày hôm sau, chúng lại nhớ nhất là các hình dạng được kết hợp với biểu cảm trung lập.
Vậy làm thế nào để kiểm tra trí nhớ của trẻ? Chúng ta đo lường thời gian bọn trẻ nhìn vào vật. Trẻ con thường có hứng thú với những thú mới mẻ, đồng nghĩa với việc nếu đã ghi nhớ một vật thể, chúng sẽ dành ít thời gian hơn để nhìn vật thể đó. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy trẻ nhỏ không những có khả năng ghi nhớ (được coi là dài hạn) trong ít nhất một ngày, mà não bộ của chúng còn có thể xử lý và lưu giữ thông tin về cảm xúc gắn liền với một trải nghiệm.
Từ chỗ nhớ được thông tin trong một ngày ở giai đoạn sơ sinh, khả năng ghi nhớ sẽ tăng lên nhanh chóng. Những đứa trẻ 2 tuổi có thể nhớ một vài sự kiện đã trải qua trong khoảng thời gian lên đến một năm. Đó là lý do tại sao đứa cháu 2 tuổi của tôi nhớ tôi là ai nếu khoảng cách giữa các lần ghé thăm tương đối ngắn, nhưng lại khó có thể nhớ được nếu không gặp tôi trong vòng một năm. Điều đó cũng lý giải kịch bản mà chúng ta đều từng gặp phải: “Con có nhớ dì Julia không?”, "Dì đã tặng con món đồ chơi đó khi con còn bé xíu đấy!". Một ánh mắt ái ngại hướng về phía tôi.
May mắn thay, khả năng ghi nhớ dài hạn phát triển nhanh chóng khi chúng ta lớn lên, cả về thời gian tồn tại và mức độ phức tạp của ký ức, vì chúng ta ngày càng hiểu rõ thế giới xung quanh hoạt động ra sao và điều gì là quan trọng. Nền tảng cơ bản của trí nhớ tự truyện dài hạn được thiết lập trong những năm đầu đời, nhưng thực chất, những cấu trúc quan trọng nhất liên quan đến trí nhớ vẫn tiếp tục phát triển đến khi trưởng thành. Phát hiện này góp phần làm nên khái niệm "thời thiếu niên mở rộng", giai đoạn kéo dài đến năm 25 tuổi, vì não bộ sẽ tiếp tục trưởng thành ít nhất là cho đến độ tuổi này.
Chúng ta sẽ hiểu rõ sự tồn tại và tính tất yếu của chứng mất trí nhớ về tuổi thơ khi nhận ra não bộ của trẻ em chưa hoàn thiện, vẫn chưa sẵn sàng cho những ký ức to lớn.