Chứng khoán trong nước đang chịu nhiều áp lực từ biến động tiêu cực của thị trường quốc tế, những tín hiệu xấu kèm theo hiệu ứng vùng trũng thông tin đang kéo VN-Index quay đầu điều chỉnh sau giai đoạn phục hồi.
Trong phiên gần nhất, chỉ số đại diện sàn HoSE tiếp tục giảm mạnh về vùng 1.240 điểm sau khi chứng khoán thế giới bị bán tháo bởi lạm phát tại Mỹ vượt dự báo. VN-Index đã giảm 3,1% giá trị tính từ đầu tháng 9 đến nay và chỉ số này quay lại vùng giá hồi đầu tháng 8.
Chuyên gia chứng khoán cho rằng lạm phát toàn cầu là vấn đề đau đầu với các ngân hàng trung ương. Mặc dù được dự báo sẽ có lạm phát khi mở cửa trở lại sau Covid-19 nhưng mức tăng cao gây ngạc nhiên cho giới đầu tư.
Bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc phân tích SSI Research - chia sẻ cũng bất ngờ với số liệu CPI tháng 8 tại Mỹ. Con số này cao hơn các dự báo do cầu tiêu dùng tăng mạnh đã kéo chỉ số lạm phát đi lên.
"Điều này dẫn đến khả năng cao FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới, giới phân tích cũng bắt đầu nói đến kịch bản tăng mạnh, thậm chí tăng 100 điểm với xác suất 50%", bà Trang nói.
Bà Phạm Huyền Trang tin rằng chứng khoán trong nước sẽ diễn biến thận trọng do những ảnh hưởng từ quốc tế. Ảnh: BMĐT. |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ tăng trong tháng 8 gây bất ngờ bởi giá dầu đã hạ nhiệt, tuy nhiên các chi tiêu cho nhà ở hay chi tiêu cho chăm sóc cá nhân lại tăng mạnh. Việc lạm phát do cầu đẩy khiến nhà đầu tư lo lắng tình trạng sẽ còn kéo dài.
Theo đó, vị chuyên gia nhấn mạnh cơ hội cho nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm là rất thấp khi mà lãnh đạo FED tuyên bố không ngừng lại cho đến khi kiểm soát được lạm phát, nguy cơ suy thoái toàn cầu rất rõ rệt.
Bà Trang nhận định "tin xấu" là việc FED tăng lãi suất nhưng câu chuyện này đã bắt đầu phản ánh trên bảng giá, do đó thị trường sẽ có nhịp hồi ngắn hạn khi tin xấu chính thức được công bố.
Xét đến trường hợp của Việt Nam, Giám đốc phân tích SSI Research nhìn nhận các số liệu vĩ mô trong nước đang tốt hơn nhưng cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng của thị trường tài chính quốc tế trong thời gian tới.
"Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi xu thế toàn cầu và sẽ đi theo xu hướng thận trọng", bà dự báo và nói thêm chưa nhìn thấy yếu tố đột biến trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần phải kiên nhẫn bởi không mua bán gì cũng là một dạng đầu tư, không nhất thiết lúc nào cũng phải có giao dịch.
Vị chuyên gia nói thêm do nhà đầu tư đang khá thận trọng với tâm lý quan sát cung cầu, cộng với việc các ngân hàng trung ương đang rút tiền về cũng có tác động làm giảm thanh khoản chứng khoán.
Đối với cơ chế thanh toán mới T+2,5, đại diện SSI Research tin rằng thị trường sẽ cần vài tháng để làm quen với cơ chế này. Sau đó, thanh khoản bình quân các tháng tiếp theo có thể tăng khoảng 10% so với trước áp dụng, nhưng điều này còn phụ thuộc vào bối cảnh thị trường khi mà nhà đầu tư cá nhân chiếm đến 90% giá trị giao dịch tại Việt Nam.