Theo Bloomberg, chỉ số chứng khoán CSI 300 sụt tới 4,4% trong tuần này sau khi tăng 7,6% một tuần trước đó. Cú trượt dốc bất ngờ xảy ra sau khi chính phủ Trung Quốc mạnh tay thực hiện một số biện pháp hạ nhiệt thị trường chứng khoán "nóng" nhất thế giới thời điểm này.
Các nhà đầu tư cá nhân - những người chịu thiệt hại nặng nề nhất khi thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc 5 năm trước - một lần nữa bày tỏ sự lo lắng và nghi ngờ.
“Cú sụt giảm tuần này là một cú sốc, mọi thứ đột nhiên lao dốc”, ông Wang Yao, 36 tuổi, một kiểm toán viên ở Vũ Hán, cho biết. Từng thua lỗ nặng vì đầu tư vào chứng khoán năm 2015, ông nhận định: “Khó có khả năng thị trường tăng ổn định về lâu dài”.
"Giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng đã trôi qua", Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Shen Zhengyang thuộc hãng Chứng khoán Đông Bắc ở Thượng Hải nhận định. Ông cho rằng giá hầu hết chứng khoán trên thị trường đều quá cao. "Các cơ quan quản lý đang áp dụng các biện pháp hạ nhiệt thị trường".
Chứng khoán Trung Quốc bất ngờ sụt giảm sau quãng thời gian tăng mạnh. Ảnh: Bloomberg. |
Giới quan sát nhận định chính quyền Trung Quốc muốn hạn chế nguy cơ bong bóng chứng khoán như thời điểm 5 năm trước.
Bất chấp sự sụt giảm trong tuần này, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn đang tiến sát tới mức vốn hóa 10.000 tỷ USD. Theo thống kê của Bloomberg, tổng giá trị cổ phiếu giao dịch trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến tuần này đã vượt ngưỡng 9.700 tỷ USD, tăng 1.600 tỷ USD so với hồi đầu năm.
Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện cao thứ hai thế giới, chỉ sau thị trường Mỹ (35.000 tỷ USD). Nhật Bản và Hong Kong đứng thứ ba và bốn với giá trị vốn hóa lần lượt 5.800 tỷ USD và 5.500 tỷ USD.
Năm 2015, thị trường chứng khoán Trung Quốc lần đầu tiên chạm mốc 10.000 tỷ USD. Khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc dùng vốn vay để đổ vào cổ phiếu. Tuy nhiên, bong bóng vỡ trong 3 tháng tiếp theo, khiến thị trường bốc hơi 5.200 tỷ USD.