Hai phiên tăng mạnh vừa qua giúp chỉ số VN-Index trở lại ngưỡng trên 900 điểm, đồng thời cũng giúp vốn hóa thị trường gia tăng hàng tỷ USD. Hiện, tính trên 2 sàn giao dịch TP.HCM và Hà Nội, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt khoảng 3,54 triệu tỷ đồng.
Kinh doanh thuận lợi, ông Phạm Nhật Vượng vẫn giảm hơn 350 tỷ
Tuy vậy. hai đại gia bất động sản thuộc hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay là Vingroup và Novaland lại có một tuần giao dịch không mấy thuận lợi.
Trong khi hầu hết cổ phiếu vốn hóa lớn đều tăng trở lại thì VIC lại giảm nhẹ từ mức 96.400 đồng/cổ phiếu cuối tuần trước xuống còn 96.000 đồng vào thứ sáu vừa qua.
VIC giám giá bất chấp doanh nghiệp này vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với lợi nhuận tăng trưởng rất mạnh. Cụ thể, 9 tháng qua, Vingroup thu về tới 84.148 tỷ doanh thu thuần, tăng 47% cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế công ty này thu về được cũng đạt 8.825 tỷ, tăng tới 72%, kéo theo lãi ròng tăng 11% đạt 3.295 tỷ. Thế nhưng VIC vẫn giao dịch với đà tăng, giảm trái chiều.
Trong cơ cấu doanh thu của Vingroup, nguồn thu chính vẫn đến từ mảng bất động sản với hơn 68%; hoạt động cho thuê bất động sản cũng đóng góp gần 5% còn lại là các mảng như bán lẻ, giáo dục, y tế…
VIC giảm nhẹ đã khiến ông Phạm Nhật Vượng mất hơn 350 tỷ đồng tài sản trên sàn chứng khoán tuần qua và là một trong hai người mất nhiều tiền nhất tuần. Tính đến cuối thứ sáu 2/11, khối tài sản tại đây của ông vào khoảng 84.100 tỷ đồng, gấp 4 lần so với người xếp thứ 2.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland, là đại gia mất nhiều tiền trên sàn chứng khoán nhất tuần 29/10-2/11. Ảnh: T.V. |
Cùng ảnh hưởng bởi đà giảm giá của VIC, hai nữ tướng tại Vingroup là bà Phạm Thu Hương và Phạm Thúy Hằng cũng mất hàng chục tỷ đồng tuần qua.
Người mất nhiều tiền trên sàn chứng khoán nhất tuần 29/10-2/11 là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Tập đoàn Novaland với hơn 381 tỷ đồng sụt giảm.
Theo đó, cổ phiếu NVL đã giảm 2,7% giá trị, từ mức giá 73.100 đồng xuống còn 71.100 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu đại gia bất động sản phía Nam này giảm mạnh có thể đến từ việc kết quả kinh doanh 9 tháng mới công bố tăng trưởng không quá nhiều so với kỳ vọng đặt ra trước đó.
9 tháng, Novaland thu về 6.733 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 1.412 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 5% so với cùng kỳ. Nhưng nếu so với kế hoạch doanh thu đạt 21.780 tỷ và 3.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đặt ra hồi đầu năm, đại gia bất động sản này mới chỉ hoàn thành chưa tới 50% kế hoạch dù đã đi hết 3/4 quãng đường.
Tuần của nữ tỷ phú hàng không
Trái về đà giảm của hai đại gia bất động sản, sau nhiều tuần giảm liên tiếp, khối tài sản của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, đã tăng trở lại khi cổ phiếu hãng hàng không này tăng mạnh tuần qua.
Theo đó, VJC đã có 4 phiên tăng giá liên tiếp, đóng cửa phiên cuối tuần tại mức giá 135.500 đồng/cổ phiếu. So với cuối tuần trước, cổ phiếu này đã tăng tới 10.700 đồng, tương đương 8,6% giá trị. Tuy nhiên, nếu so với giá đỉnh hồi tháng 4, VJC vẫn là một trong những cổ phiếu giảm giá nhiều nhất trong những tháng qua.
VJC tăng mạnh là động lực chính giúp khối tài sản của bà chủ hãng hàng không này gia tăng hơn nghìn tỷ đồng bất chấp cổ phiếu của Ngân hàng HDBank giảm 900 đồng tuần qua. Hiện tại, 35,9 triệu cổ phiếu HDB và hơn 139,5 triệu cổ phiếu VJC bà Thảo sở hữu có giá trị thị trường vào khoảng 20.100 tỷ đồng, tăng 1.500 tỷ so với cuối tuần trước đó. Bà Thảo cũng chính là người gia tăng được số tài sản trên sàn chứng khoán của mình nhiều nhất tuần vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air. Ảnh: VJC. |
Hiện tại, Tạp chí Forbes cũng ước tính khối tài sản ròng của vị nữ doanh nhân này vào khoảng 2,7 tỷ USD, giàu thứ 2 tại Việt Nam và xếp hạng 843 thế giới.
Đà tăng của VJC được giới phân tích cho rằng có thể do tác động từ thương vụ mua 50 máy bay, trị giá 6,5 tỷ USD mà hãng hàng không nay ký hôm thứ sáu (2/11) với hãng sản xuất máy bay Airbus.
Ngoài ra, Vietjet cũng mới công bố kết quả kinh doanh quý III với doanh thu tăng tới 105%. Tổng cộng 9 tháng, hãng hàng không này cho biết tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu tại thị trường vận chuyển nội địa. Ước tính, hãng đã thu về gần 33.934 tỷ đồng doanh thu và 3.681 tỷ lãi ròng sau thuế, tăng lần lượt 50% và 33% so với cùng kỳ năm 2017.
Ông chủ FLC chấm dứt đà lao dốc
Cũng kết thúc được đà giảm nhiều tuần liên tiếp, tuần qua chứng kiến sự tăng trưởng trở lại của cổ phiếu Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros, kéo theo khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết gia tăng.
Theo đó, bộ 3 cổ phiếu do ông Quyết sở hữu bao gồm ART, FLC và ROS đều giữ được đà tăng mạnh. Trong đó, ROS đã tăng 1.400 đồng/cổ phiếu, tương đương hơn 3,7% giá trị, trong khi ART và FLC đều tăng hơn 4%. Điều này đã giúp khối tài sản của vị doanh nhân họ Trịnh tăng hơn 570 tỷ đồng tuần qua, và là một trong 3 người kiếm được nhiều tiền nhất từ sàn chứng khoán.
Hiện ông Quyết sở hữu khối tài sản trị giá 15.650 tỷ đồng trên sàn chứng khoán, xếp thứ 4 trong số những người giàu nhất. Nhưng nếu so với hơn một năm trước, số tài sản này chưa bằng 1/3 tổng tài sản của ông khi đó.
Cùng gia tăng hàng trăm tỷ đồng tài sản là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Tuần qua, cổ phiếu HPG đã tăng 1.100 đồng mỗi cổ phiếu (2,8%), hiện giao dịch ở mốc 40.000 đồng. Với việc là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 534 triệu cổ phiếu doanh nghiệp, ông Long đã bỏ túi thêm gần 590 tỷ đồng tuần qua.
Trước đó, HPG cũng trải qua nhiều tuần giảm giá liên tiếp, cho tới khi công bố kết quả kinh doanh quý III với tăng trưởng thuận lợi giúp các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng hơn vào cổ phiếu này.
Cụ thể, sau 9 tháng, doanh nghiệp này thu về 41.988 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ.