Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần tiếp tục có những biến động bất ngờ, xu hướng không rõ ràng khi mở cửa và rồi bứt phá về cuối phiên đã khiến nhiều nhà đầu tư tiếc nuối vì lỡ bán cổ phiếu.
VN-Index sau giai đoạn giằng co quanh mốc tham chiếu đã chuyển đổi ngoạn mục trong phiên chiều để đóng cửa ở mức cao nhất 1.080 điểm, tức tăng 43,73 điểm (4,22%). Đây là mức tăng mạnh nhất một phiên kể từ 17/5 đến nay, tức cao nhất hơn nửa năm.
Các sàn chứng khoán được quản lý tại Hà Nội có mức tăng khiêm tốn hơn. Trong đó bộ chỉ số HNX-Index đi lên 4,96 điểm (2,35%) đạt 215,96 điểm, UPCoM-Index có thêm 1,12% giá trị đạt 72,21 điểm.
VN-Index bất ngờ đi lên trong phiên chiều khiến nhiều nhà đầu tư hụt hẫng. Đồ thị: TradingView. |
Dòng tiền có sự lan tỏa khá đồng đều ở các nhóm ngành, trong đó cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đóng vai trò dẫn dắt chính. Bộ chỉ số VN30 ghi nhận mức tăng đến 50,35 điểm (4,83%) với toàn bộ 30 mã đều tăng giá, trong đó có 8 mã tăng lên giá trần.
Đóng góp tích cực nhất cho thị trường đến từ VCB của Vietcombank khi bứt phá 6,3% lên 85.000 đồng. Bên cạnh đó còn có BID tăng 5,6% đạt 41.200 đồng, CTG của VietinBank tăng trần tại 27.950 đồng hay TCB của Techcombank đi lên 5,1% ở 28.800 đồng.
Cổ phiếu VIC của Vingroup cũng tham gia kéo mạnh khi tăng 4,2% lên 68.800 đồng. Hai cổ phiếu liên quan là VHM của Vinhomes tăng trần tại 57.200 đồng, VRE của Vincom tăng 5,2% đạt 31.550 đồng.
Cổ phiếu bất động và xây dựng sản tiếp tục đem lại niềm vui cho cổ đông sau chuỗi trượt dài. PDR của Phát Đạt dư mua trần hàng triệu cổ phiếu tại 15.600 đồng, sắc tím hiện diện tại DXG, CEO, DIG, HDC, KBC, KDH...
Khá nhiều nhóm ngành khác tham gia dẫn dắt thị trường có thể kể đến dầu khí với đầu tàu GAS đi lên 4,4% hay sắc tím tại PVC, PVS, PVD, PVX. Nhóm thép chứng kiến HPG, HSG, NKG tăng trần. Cổ phiếu ngành chứng khoán cũng khoe sắc tím hàng loạt tại SSI, HCM, APS, VCI, VND, MBS, FTS...
Hàng loạt cổ phiếu bứt phá để mang lại nhiều điểm số tăng cho thị trường. Nguồn: VNDirect. |
Chiều diễn biến tiêu cực không có nhiều cái tên nổi bật, chỉ tập trung một số mã đơn lẻ. Chẳng hạn IBC của Apax Holdings tiếp tục giảm sàn phiên thứ 8 liên tiếp sau những thông tin tiêu cực đến với doanh nghiệp và shark Thủy.
Cổ phiếu HPX của Đầu tư Hải Phát cũng chịu áp lực mạnh mẽ khi lượng hàng T+2 phiên giải cứu về tài khoản, qua đó khiến cổ phiếu giảm về sát giá sàn 9.070 đồng với thanh khoản khủng 77 triệu đơn vị (25% vốn công ty).
Bên cạnh đó, cổ phiếu bất động sản VPI của Văn Phú cũng mất 1,5% giá trị về 60.000 đồng. Cổ phiếu VNS của Vinasun giảm 5,2% trong phiên xuống 16.550 đồng...
Vốn ngoại tiếp tục là động lực lớn nhất đưa thị trường đi lên vượt các kỳ vọng. Nhóm này đã mua ròng phiên thứ 10 liên tiếp trên sàn HoSE với giá trị riêng hôm nay đạt 2.168 tỷ đồng.
Các cổ phiếu được khối ngoại gom nhiều nhất vẫn là các cái tên quen thuộc của nhóm vốn hóa lớn, thuộc các doanh nghiệp đầu ngành như HPG (286 tỷ), VHM (284 tỷ), STB (275 tỷ), VIC (179 tỷ), CTG (121 tỷ) hay MSN (110 tỷ).
Trước đó, khối ngoại đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi bắt đầu giải ngân trong hơn 2 tuần với nguồn vốn lớn nhất từ các quỹ ETF. Tổng giá trị mua ròng tại HoSE trong tháng 11 đạt gần 16.000 tỷ đồng và mua tiếp gần 3.200 tỷ đồng trong phiên đầu tháng 12.
Tổng giá trị giao dịch trên thị trường tiếp tục duy trì xu hướng tích cực với lực đỡ từ khối ngoại. Tổng giá trị toàn sàn đạt 20.415 tỷ đồng, giảm 16% so với hôm qua nhưng vẫn là mức cao hơn trung bình gần đây.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...