Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao khối ngoại rót tiền mạnh vào cổ phiếu lúc này?

Nhà đầu tư nước ngoài bất ngờ đảo chiều mua ròng gần 16.000 tỷ đồng trong tháng 11 khi chứng khoán Việt Nam bị chiết khấu xuống định giá hấp dẫn.

Chứng khoán Việt Nam vừa có giai đoạn hồi phục ấn tượng trong nửa cuối tháng 11 khi niềm tin nhà đầu tư dần trở lại, điều này đến sau những thông tin hỗ trợ từ cơ quan quản lý cũng như dòng vốn ngoại giải ngân mạnh mẽ.

VN-Index vừa có 5 phiên liên tiếp tăng điểm để tiến lên vùng 1.048 điểm. Chỉ số lớn nhất thị trường chứng khoán trong nước đã lấy lại 137 điểm (tăng hơn 15%) so với mức đáy hồi giữa tháng 11. Mức giảm từ đầu năm theo đó thu hẹp đáng kể từ trên 40% xuống còn 30%.

Động lực quan trọng nhất đến từ khối ngoại với lực mua bất ngờ xuất hiện khi thị trường rơi về đáy ngắn hạn. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 16.000 tỷ đồng chỉ trong một tháng gần nhất.

Các cổ phiếu được rót tiền nhiều nhất là VHM của Vinhomes với giá trị lên đến 1.727 tỷ đồng, ngay sau là STB của Sacombank hút ròng 1.320 tỷ. Các mã khác cũng được mua ròng trên nghìn tỷ đồng là KDH của Nhà Khang Điền, HPG của Hòa Phát, Chứng khoán SSI và MSN của Masan Group.

CÁC CỔ PHIẾU ĐƯỢC KHỐI NGOẠI MUA RÒNG LỚN NHẤT THÁNG 11
Nguồn: SSI
Nhãn VHM STB KDH HPG SSI MSN FUEVFVND VIC CTG VNM
Mã chứng khoán Tỷ đồng 1727 1320 1171 1096 1045 1003 915 841 745 649

Các quỹ được nhắc đến từ thời gian qua có thể kể đến DCVFM VN Diamond ETF hay Fubon FTSE Vietnam ETF, dù các nhà đầu tư tổ chức này vẫn đang thua lỗ. Chẳng hạn, riêng Fubon đã rót thêm 2.500 tỷ đồng trong tháng 11 mặc dù tài sản của quỹ đã giảm hơn 35% kể từ đầu năm.

Với việc các quỹ ngoại lỗ lớn vẫn rót tiền mạnh mẽ vào chứng khoán Việt Nam, Kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng cho rằng đây là điều dễ hiểu bởi khi thị trường giảm nhiều đã khiến hàng loạt cổ phiếu bị chiết khấu xuống mức định giá rẻ hơn.

"Thỉnh thoảng các quỹ ngoại mua mạnh sẽ tạo ra động lực nhất định nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Do tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài chưa cao nên muốn kéo dài cần có biến động của các yếu tố vĩ mô quan trọng hơn", ông đánh giá.

Khối ngoại cũng sẽ có những thời điểm dừng mua theo chiến lược. Trước đây các nhà đầu tư Thái Lan, Hàn Quốc rót vốn vào Việt Nam nhưng một khi nhận thấy có lựa chọn tốt hơn thì đã rút vốn.

Do đó, chuyên gia từ SSI nhấn mạnh nhà đầu tư nên quan tâm đến các yếu tố nội tại của thị trường. Yếu tố từ khối ngoại chỉ là một phần, không phải là tất cả đối với thị trường Việt Nam trong thời điểm này.

Ông Petri Deryng - nhà sáng lập quỹ PYN Elite - nói rằng các nhà đầu tư nước ngoài xem thời điểm hiện tại là cơ hội tuyệt vời để rót tiền nhiều hơn nữa vào chứng khoán Việt Nam, nhất là khi nhìn vào triển vọng kinh tế 5 năm tới.

Khối ngoại thấy rằng rất dễ dàng hưởng lợi từ khoảng chênh lệch đó và rồi lại lãi trong dài hạn nữa, giống như đang phát kẹo ngọt cho nhà đầu tư vậy.

Ông Petri Deryng - nhà sáng lập quỹ ngoại PYN Elite.

Cổ phiếu Việt Nam đang có mức định giá rất tốt khi so sánh với các thị trường lân cận khác. Chẳng hạn thị trường tại Philippines, Indonesia, Malaysia... có với mức giảm khoảng 10%, trong khi VN-Index mất đến 35% giá trị.

"Khối ngoại thấy rằng rất dễ dàng hưởng lợi từ khoảng chênh lệch đó và rồi lại lãi trong dài hạn nữa, giống như đang phát kẹo ngọt cho nhà đầu tư vậy", nhà quản lý quỹ hàng đầu tại Việt Nam nhìn nhận.

Trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng sẽ là bước tiến lớn bởi nhiều quỹ đầu tư cho thị trường mới nổi chưa thể tham gia khi Việt Nam vẫn là thị trường cận biên. Việc nâng hạng cũng giúp thị trường mở rộng tập nhà đầu tư ngoại gấp 5-10 lần số lượng hiện tại.

Vị chuyên gia nước ngoài còn nhận thấy việc nâng hạng giúp các doanh nghiệp nhà nước sắp cổ phần hóa tiếp cận được tập nhà đầu tư tiềm năng hơn và như vậy sẽ có giá IPO lớn hơn.

Trong khi ông Trần Tiến Dũng - nhà đầu tư có hơn 22 năm kinh nghiệm - cũng cho rằng khối ngoại giải ngân mạnh bởi có tầm nhìn vào việc nâng hạng thị trường.

"Đợt chiết khấu vừa qua là thuận lợi cho họ giải ngân và tận dụng tối đa để mua vào. Tỷ lệ khối ngoại tại Việt Nam chưa cao nhưng họ đã đón đầu cơ hội", nhà đầu tư lâu năm nói.

Các nhà đầu tư chuyên nghiệp giải ngân vào các cổ phiếu tốt với kỳ vọng đạt tỷ suất sinh lời 2-3 lần cho chu kỳ 2-3 năm tới. Chẳng hạn, vào giai đoạn 1997-1998 khi Thái Lan gặp khủng hoảng, các quỹ ngoại mua thâu tóm nhiều doanh nghiệp tốt.

Khối ngoại mua ròng tuần thứ 3 liên tiếp

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục rót ròng hơn 1.800 tỷ đồng vào chứng khoán Việt Nam, trở thành động lực quan trọng giúp VN-Index hồi phục.

Thêm cổ phiếu Phát Đạt, Danh Khôi được 'giải cứu'

Dòng tiền mạnh mẽ từ khối ngoại lan tỏa trên thị trường, giúp hàng loạt cổ phiếu tăng hết biên độ và cũng tham gia giải cứu cho một số cổ phiếu bất động sản.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm