Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa thông báo ký kết hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá khoảng 125 triệu USD (khoảng 2.900 tỷ đồng) nâng tổng giá trị huy động thị trường vốn quốc tế lên hơn 300 triệu USD trong một năm qua, cao nhất ngành chứng khoán.
Các định chế tài chính lớn gồm ngân hàng SMBC, CTBC Bank, Taishin International Bank và Chứng khoán Maybank cùng tham gia với vai trò đồng thu xếp cho khoản vay hợp vốn tín chấp có giá trị lớn bên trên.
Các công ty có thể huy động thành công cho một khoản vay tín chấp mà không tài sản đảm bảo với quy mô lớn cho thấy được vị thế và uy tín cao trong mắt các định chế tài chính nước ngoài, đồng thời cho thấy sự tin tưởng vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đây đã là lần huy động vốn quốc tế thành công thứ 3 của TCBS trong năm nay. Trước đó, công ty có khoản vay hợp vốn 170 triệu USD (khoảng 3.900 tỷ đồng) vào tháng 4 và hợp tác vay song phương với Ngân hàng HSBC Singapore với hạn mức 30 triệu USD (khoảng 700 tỷ đồng) vào tháng 9.
Tổng cộng các khoản vay trên mà TCBS tiếp cận được có giá trị khoảng 8.000 tỷ đồng và tất cả đều là các khoản vay tín chấp, không cần tài sản đảm bảo.
Công ty chứng khoán thuộc Techcombank cho biết việc chủ động đa dạng hóa nguồn vốn cả trong và ngoài nước là một bước đi chiến lược để trở thành công ty công nghệ quản lý gia sản có quy mô lớn nhất Việt Nam về vốn chủ sở hữu, về lợi nhuận và hiệu quả hoạt động.
Ngoài nguồn vốn quốc tế, TCBS mới đây còn thông báo triển khai về kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ trị giá hơn 10.000 tỷ đồng, đẩy tổng nguồn vốn chủ sở hữu vượt 21.000 tỷ đồng để thuộc những công ty có vốn chủ sở hữu cao nhất ngành.
Các nguồn vốn thu về được công ty sử dụng cho việc phân bổ vào các hoạt động ngân hàng đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh trong ngành chứng khoán và hỗ trợ tài chính cho khách hàng; đồng thời đẩy mạnh tiến độ đầu tư vào hạ tầng và nền tảng công nghệ.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...