VN-Index có phiên tăng mạnh nhất nửa tháng qua. Ảnh: Phương Lâm. |
Thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến khởi sắc trong phiên 9/10. Với việc nguồn cung có dấu hiệu cạn kiệt ở mốc 1.270 điểm, tâm lý của nhà đầu tư dần được cải thiện và giúp VN-Index leo dốc dễ dàng hơn.
Rung lắc vẫn xuất hiện trong phiên sáng. Song, bước sang phiên chiều, sự trở lại của dòng tiền lớn chủ động đã kéo chỉ số chính tăng mạnh lên quanh mốc 1.280 điểm.
Áp lực chốt lời có xuất hiện trở lại nhưng không đáng kể và nhanh chóng bị tiền nhập cuộc lất át.
Kết phiên, VN-Index tăng 9,87 điểm (+0,78%) lên 1.281,85 điểm; HNX-Index tăng 0,25 điểm (+0,11%) lên 231,77 điểm; UPCoM-Index giữ nguyên ở ngưỡng tham chiếu 92,45 điểm.
Không khí giao dịch “ấm” trở lại giúp giá trị giao dịch trên 3 sàn tăng lên gần 19.000 tỷ đồng.
Tình trạng phân hóa trên bảng điện tử tạm thời biến mất và nhường ưu thế cho sắc xanh. Toàn thị trường chứng kiến 428 mã tăng (gồm 13 mã tăng trần), 913 mã giữ tham chiếu và 268 mã giảm (gồm 10 mã giảm sàn).
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 cũng cải thiện gần 1% lên mốc 1.251 điểm sau khi ghi nhận 22 mã tăng, 7 mã giảm và duy nhất VIB đứng giá.
VN-Index hồi phục trở lại mốc 1.280 điểm. Ảnh: TradingView. |
Phiên hôm nay, trách nhiệm kéo chỉ số được các bluechip gồm VHM (+2,2%), HPG (+2%), ACB (+2,9%), BID (+1,1%), VIC (+1,7%), MSN (+2,4%), GVR (+1,7%), FPT (+1,2%), MBB (+1,6%), CTG (+1%) đóng góp tương đối đồng đều.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VCB (-0,6%) và MWG (-1,5%) là 2 mã gây áp lực lớn nhất lên chỉ số, dẫn đầu nhóm VNM (-0,6%), HDB (-0,7%), PLX (-0,6%), BCM (-0,4%), PGV (-1%), PVD (-1,3%), SSI (-0,4%), PNJ (-0,4%).
Sáng nay, FTSE Russell công bố báo cáo xếp hạng thị trường tháng 10/2024. Trong đó, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market).
Dù một số tiêu chí đã có sự cải thiện, tổ chức xếp hạng này vẫn duy trì các đánh giá hạn chế về tiêu chí chu kỳ thanh toán, quá trình đăng ký tài khoản mới và việc tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã cạn room hoặc sắp cạn room nước ngoài.
Tình trạng danh sách chờ xét nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được FTSE Russell cập nhật vào kỳ đánh giá giữa kỳ tháng 3/2025.
Bất chấp tin tức không mấy thuận lợi này, cổ phiếu của nhiều công ty chứng khoán vẫn bật tăng mạnh và đóng góp lớn vào nhịp đi lên của VN-Index, điển hình như VND (+2,3%), SHS (+1,9%), VIX (+0,4%), BSI (+1,4%), CTS (+0,8%).
Nhóm bất động sản với sự dẫn dắt của “họ Vin” cũng hồi phục mạnh, như KBC (+1,6%), DXG (+1,3%), HDG (+0,7%), HDC (+1,8%), CEO (+1,3%), SZC (+3,4%), PDR (+0,5%).
Cổ phiếu nhóm chăn nuôi, chế biến thực phẩm cũng khởi sắc với DBC (+3%), BAF (+1,6%), HAG (+1,4%), VHC (+1,7%), ANV (+1,5%).
Khối ngoại bán ròng phiên thứ 4 liên tiếp với quy mô 250 tỷ đồng, tập trung chốt lời VPB (-283 tỷ đồng), MWG (-194 tỷ đồng), HDB (-91 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là giao dịch mua vào đã tăng lên mức cao nhất nửa tháng qua, chảy mạnh vào HPG (+236 tỷ đồng), TCB (+196 tỷ đồng).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.