Theo CNBC, thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm sâu trong phiên giao dịch ngày thứ tư (14/12), sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2023 để chống lạm phát.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 142,29 điểm, tương đương giảm 0,42% chỉ còn 33. 966,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,61%, còn 3.995,32 điểm, và chỉ số Nasdaq trượt 0,76%, còn 11.170,89 điểm.
Cả ba chỉ số chính của thị trường đã cùng chạm đáy phiên sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu rằng cần có thêm nhiều dữ liệu kinh tế trước khi Fed có thể thực sự thay đổi cái nhìn về lạm phát. Ở đáy phiên, Dow Jones mất tới hơn 400 điểm, giảm từ mức đỉnh sau khi tăng 300 điểm ở đầu phiên.
“Số liệu lạm phát tháng 10 và tháng 11 cho thấy tốc độ tăng giá cả đã chậm lại dần, nhưng vẫn cần có thêm nhiều bằng chứng nữa để có thể tin chắc rằng lạm phát đang giảm xuống một cách bền vững”, ông Powell nhận định.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Fed đã quyết định nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm sau 4 đợt nâng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp trước đó.
Các quan chức trong Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - bộ phận hoạch định chính sách tiền tệ của Fed - cũng dự kiến rằng lãi suất cần được tiếp tục tăng trong năm 2023 và sẽ không dừng lại cho tới năm 2024. Mức lãi suất mục tiêu của Fed hiện tại là 5,1% - cao hơn nhiều so với con số 4,6% hồi tháng 9.
“Điều thể hiện quan điểm cứng rắn của Fed là ngân hàng trung ương này dự báo lãi suất cực đại ở mức 5,1%, thay vì mức 4,6% trước đó", nhà quản lý đầu tư Jim Caron của Morgan Stanley Investment Management nhận định.
“Fed không hề nhắc đến chuyện lạm phát đang bắt đầu giảm xuống và hoàn toàn phớt lờ điều đó", ông bình luận thêm.
Trước đó, Fed đã công bố số liệu cho thấy lạm phát tháng 11 đang giảm nhanh hơn dự báo, khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ dừng tăng vào đầu năm 2023, thậm chí bắt đầu giảm dần trong năm tới.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...