VN-Index một lần nữa mất mốc 1.200 điểm. Ảnh: ShutterStock. |
Việc tín hiệu bắt đáy xuất hiện trong phiên giao dịch hôm qua giúp VN-Index có khởi đầu thuận lợi trong phiên sáng 17/4. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước cú sốc vào thứ Hai đầu tuần. Xuyên suốt cả phiên, thanh khoản thị trường tương đối nhỏ giọt và giảm hơn 10.000 tỷ đồng so với hôm qua, xuống còn 21.400 tỷ đồng.
Trái ngược với phiên sáng, áp lực bán dâng cao vào phiên chiều trong khi dòng tiền nâng đỡ không nhập cuộc khiến chỉ số bị đẩy ra xa khỏi ngưỡng tham chiếu. Chỉ số đi xuống mà không gặp quá nhiều chống cự của dòng tiền bắt đáy.
Kết phiên, VN-Index giảm 22,67 điểm (-1,86%) và lùi xuống mốc 1.193,01 điểm, thấp nhất kể từ đầu tháng 2. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 2,63 điểm (-1,15%) xuống 226,2 điểm, trong khi UPCoM-Index giảm 0,48 điểm (-0,55%) xuống 88,15 điểm.
Chỉ số VN30-Index đại diện cho rổ 30 cổ phiếu vốn hóa lớn trên HoSE hôm nay cũng thiệt hại gần 22 điểm và giảm về mốc 1.210,74 điểm. Trong đó, rổ này ghi nhận 26 mã giảm và chỉ có 4 mã giữ được sắc xanh là MSN (+1,1%), POW (+0,5%), VNM (+0,3%) và SSB (+0,2%).
Áp lực điều chỉnh của VN-Index chịu ảnh hưởng đáng kể từ các cổ phiếu ngành ngân hàng. Riêng nhóm 10 cổ phiếu kéo gục chỉ số đã có sự xuất hiện của 6 mã ngân hàng lớn gồm BID (-4,4%), CTG (-4%), VPB (-3,2%), MBB (-3,4%), VCB (-0,6%) và TCB (-0,6%).
VN-Index bị bán tháo không thương tiếc cuối phiên 17/4. Ảnh: TradingView. |
Cùng nhóm tài chính, các cổ phiếu chứng khoán cũng có ngày đỏ lửa với SSI (-2,2%), VND (-3,7%), VCI (-5,6%), HCM (-4,5%), SHS (-3,6%), MBS (-5,2%).
Nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam là bất động sản cũng giao dịch tiêu cực không kém với VHM (-2,1%), VIC (-3%), NVL (-4,4%), PDR (-3,9%), DIG (-4,3%), NLG (-3,3%), DXG (-5,3%).
Trong khi đó, cổ phiếu MSN của Masan Group là cổ phiếu trụ hiếm hoi dẫn đầu về biên độ tăng. Diễn biến tích cực này xuất hiện trong bối cảnh nguồn tin từ Bloomberg tiết lộ tập đoàn đang cân nhắc niêm yết mảng hàng tiêu dùng.
Theo đó, Masan đang hợp tác với các nhà tư vấn tài chính liên quan đến vấn đề IPO của Masan Consumer Holdings (MCH). Ước tính, thương vụ này có thể huy động được 1-1,5 tỷ USD, qua đó trở thành đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam.
Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy đợt IPO trị giá 1,5 tỷ USD sẽ là cú hích cho thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt qua đợt IPO trị giá 1,4 tỷ USD của Vinhomes hồi năm 2018.
MCH là sản xuất nhiều loại thực phẩm và đồ uống, bao gồm nước sốt, mì, ngũ cốc, cà phê hòa tan và bia. Trong năm 2023, MCH ghi nhận 29.066 tỷ đồng doanh thu thuần và 7.431 tỷ đồng EBITDA.
Khối ngoại sau phiên mua ròng hôm qua đến nay đã quay đầu bán ngược trở lại hơn 1.000 tỷ đồng, tập trung giảm tỷ trọng chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND (-339 tỷ đồng), VHM (-140 tỷ đồng), SHB (-88 tỷ đồng).
Ngược lại, cổ phiếu của ông lớn ngành sữa VNM được gom 106 tỷ đồng, GMD (+62 tỷ đồng), ACV (+19 tỷ đồng).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.