Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chứng khoán Kim Long loay hoay với...tiền

Số tiền nằm trong tay công ty chứng khoán Kim Long (KLS) đến nay vẫn chưa tìm được nơi chọn mặt gửi vàng. Hằng quý, nhà đầu tư đọc báo cáo tài chính của KLS vẫn thấy doanh thu èo uột từ các mảng môi giới, tư vấn...

Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2010 của công ty cổ phần chứng khoán Kim Long (KLS) đã làm giới đầu tư xôn xao, với số tiền lên đến gần 1.800 tỷ đồng nằm trong mục “tiền và các khoản tương đương tiền”. Thời điểm đó, giá cổ phiếu liên tục đi xuống và “tiền mặt là vua” đã trở thành câu cửa miệng của giới đầu tư. Sau hơn 3 năm kể từ khi trở thành ông vua tiền mặt, đến báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 thì số tiền ấy của KLS không suy chuyển nhiều, khi vẫn còn đến 1.536 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý là trong phần ghi nhận doanh thu của KLS, có đến gần 71 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, chiếm 80% tổng doanh thu. Nghĩa là số tiền trên đã được gửi ngân hàng để lấy lãi. Rõ ràng, KLS vẫn loay hoay chưa biết giải ngân khoản tiền này vào đâu, trong khi KLS có được nó phần lớn nhờ vào việc phát hành 102,5 triệu cổ phiếu vào ngày 21/4/2010. Mục đích phát hành của KLS là nâng cao năng lực tài chính để đẩy mạnh hoạt động tự doanh và tăng cường năng lực bảo lãnh phát hành, cũng như để chuẩn bị triển khai một số dịch vụ mới trong tương lai như giao dịch ký quỹ, giao dịch trái phiếu...

Thị trường khó khăn đã khiến KLS lao đao trong những năm gần đây.
Thế nhưng, mục đích này đến giờ vẫn chưa được thực hiện. Hồi giữa tháng 11/2011, KLS đã đưa ra báo cáo về tiến độ sử dụng số vốn nói trên. Công ty cho biết đã giải ngân hơn 1.161 tỷ đồng để tham gia góp vốn, mua cổ phiếu của các công ty có tiềm năng. Nhưng bản báo cáo này dường như chỉ để đối phó với Ủy ban chứng khoán Nhà nước, khi lãnh đạo KLS thừa nhận Công ty vẫn chưa giải ngân được trong thời gian qua. “Thị trường vẫn chưa đủ vững chắc để có thể giải ngân. Trong cơ cấu tài sản lúc này, KLS vẫn chủ yếu duy trì tiền mặt”, ông Phạm Vĩnh Thành, Tổng Giám đốc KLS, nói.

Trước đây, KLS có ý định từ bỏ mô hình công ty chứng khoán chuyển sang công ty đầu tư, nhưng đã bị cổ đông phản đối kịch liệt. Họ cho rằng ban lãnh đạo KLS đang mạo hiểm với số phận của Công ty, khi đầu tư tài chính lúc đó đã có quá nhiều bài học đau thương. Do bị phản đối, KLS đã từ bỏ ý định này. Tiếp tục là công ty chứng khoán, KLS vẫn chưa làm được gì sau hơn 3 năm kể từ ngày phát hành tăng vốn gấp đôi, lên mức 2.025 tỷ đồng. Người ta biết đến KLS là công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn thứ ba (sau công ty chứng khoán Sài Gòn và công ty chứng khoán Agriseco), nhưng vẫn chỉ thấy một trụ sở nằm khiêm tốn tại phố Thành Công (Hà Nội). Và chưa bao giờ KLS lọt vào top 10 công ty có thị phần môi giới lớn nhất.

Số tiền nằm trong tay KLS đến nay vẫn chưa tìm được nơi chọn mặt gửi vàng. Hằng quý nhà đầu tư đọc báo cáo tài chính của KLS vẫn thấy doanh thu èo uột từ các mảng môi giới, tư vấn, lưu ký, tự doanh. Doanh thu từ lãi tiền gửi vẫn chiếm áp đảo tới 80-90% cơ cấu doanh thu của KLS. Công bằng mà nói, khó khăn của KLS một phần là do khó khăn chung của thị trường chứng khoán. Không chỉ riêng KLS mà hầu hết các công ty chứng khoán đều gặp hạn. Thế nhưng, với số vốn điều lệ của mình, KLS phải làm tốt hơn thế. Tại công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), chẳng hạn, các mảng nghiệp vụ vẫn chiếm khoảng 50% trong cơ cấu doanh thu, chứ không èo uột như KLS. Số tiền cổ đông gửi gắm được KLS đưa đi gửi ngân hàng, chẳng khác nào họ đưa tiền cho người khác gửi tiết kiệm hộ. Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng đã giảm, việc gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn như trước.

Doanh thu khác của KLS chiếm tới 80-90% tổng doanh thu công ty.
Có vẻ sức ép từ việc làm hài lòng cổ đông đã buộc KLS phải giải ngân vào giữa năm 2012. Và ngay lập tức KLS đã lỗ 91,5 tỷ đồng trong mảng tự doanh vào quý III/2012 khi phải trích lập dự phòng trên 130 tỷ đồng. Trao đổi với báo giới về khoản lỗ này, lãnh đạo KLS cho hay: “Thấy lượng giao dịch đã tăng cao, giá đã giảm nhiều nên chúng tôi quyết định giải ngân. Nhưng không ai lường được chữ ngờ”.

Như chim sợ cành cong, KLS đã nằm im cho đến nay. Tiền và các khoản tương đương tiền tính đến cuối tháng 6/2013 của công ty đã tăng 296 tỷ đồng so với cuối năm 2012. Điều này cho thấy KLS lại tiếp tục chính sách bảo toàn nguồn vốn. Bài ca trường kỳ của KLS suốt mấy năm qua trong các bản báo cáo thường niên vẫn là “cố gắng bảo toàn vốn, xác lập vị thế là một trong những công ty chứng khoán nắm giữ tiền mặt lớn để sẵn sàng đón đầu những đợt hồi phục của thị trường”.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam đang xập xình, phương châm của KLS có vẻ hợp lý. Nhưng đối với các nhà lãnh đạo KLS, có lẽ họ đang vào thế tiến thoái lưỡng nan: chưa dám tự doanh mạnh, môi giới và tư vấn từ trước đến nay không mấy được quan tâm, trong khi việc đầu tư mạnh vào một tổ chức thì lại không được phép vì luật chỉ cho công ty chứng khoán được mua từ 10-15% cổ phần.

Theo Nhịp cầu Đầu tư

Bạn có thể quan tâm