Chứng khoán Kim Long đau đầu vì 'nhiều tiền'
Công ty cổ phần chứng khoán Kim Long (KLS) đang “loay hoay” với hơn 1.700 tỷ gửi ngân hàng và chưa biết làm gì cho hiệu quả nhất.
Nếu chỉ nhìn trên bảng cân đối kế toán, khó có thể biết chính xác lượng tiền “thật” công ty chứng khoán (CTCK) nắm giữ là bao nhiêu. Bởi cần phải đọc thuyết minh báo cáo tài chính mới “lọc” được ra tiền nào của nhà đầu tư và tiền nào của công ty chứng khoán. Ngoài ra, CTCK còn một lượng tiền lớn được “ẩn giấu” dưới khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Thống kê cho thấy tổng lượng tiền và tương đương tiền của nhóm 95 CTCK đã công bố báo cáo tài chính quý I/2013 đạt 20.257 tỷ đồng, tăng nhẹ 135 tỷ so với đầu năm và chưa bao gồm khoản tiền gửi của các CTCK dưới dạng “đầu tư tài chính ngắn hạn”.
Các CTCK có khoản tiền và tương đương tiền tăng vọt trong quý I/2013 là VPBS (tăng 660 tỷ từ 958 tỷ đầu năm lên hơn 1.600 tỷ cuối quý I), SSI (tăng 614 tỷ), KLS (tăng 416 tỷ), VNDS, MBS (tăng hơn 200 tỷ). Tuy nhiên, một số CTCK khác có sự sụt giảm mạnh như: ACBS (giảm 1.230 tỷ đồng, từ 1.500 tỷ đầu năm xuống 279 tỷ cuối quý I. Trong khi tiền của nhà đầu tư chỉ giảm 12 tỷ đồng, khoản tiền sụt giảm mạnh do trong quý I/2013 ACBS đã trả nợ hơn 1.800 tỷ), HSC (giảm hơn 500 tỷ), Thiên Việt (giảm 200 tỷ)…
Top 10 CTCK có lượng tiền và tương đương tiền lớn nhất (theo báo cáo quý I/2013) - bao gồm cả tiền của nàh đầu tư. |
Một số công ty nhìn thoạt tưởng nhiều tiền mặt nhưng thực tế tiền của nhà đầu tư chiếm hơn phân nửa như trường hợp của HSC (hơn 1.200 tỷ, tiền của nhà đầu tư chiếm 50%), VNDS (1.232 tỷ, tiền của nhà đầu tư chiếm 49%), hay như PSI có lượng tiền 271 tỷ thì 82% là tiền của nhà đầu tư, ..
Nếu tách bạch hoàn toàn tiền của nhà đầu tư, chỉ tính riêng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của CTCK thì SSI vẫn là CTCK “giàu” nhất với lượng tiền lên tới hơn 2.760 tỷ, tăng 490 tỷ so với đầu năm, trong đó 1.254 tỷ để dưới dạng “đầu tư tài chính ngắn hạn”.
Trước đó tại ĐHCĐ SSI, đã có nhà đầu tư đặt câu hỏi với ông Nguyễn Duy Hưng về cơ cấu vốn của SSI. Hiện nay, SSI đang để lượng tiền mặt quá cao có thể ảnh hưởng đến doanh thu khác của công ty. Ông Hưng cho rằng, lượng tiền mặt cao dùng để “dự trữ” khi có cơ hội sẽ giải ngân và tiếp tục đẩy mạnh số lượng công ty liên kết lên.
Top 10 CTCK có lượng tiền nhiều nhất (bao gồm tiền của CTCK và các khoản tiền gửi ngân hàng dưới dạng đầu tư tài chính ngắn hạn (đã loại trừ tiền của nhà đầu tư). |
Công ty chứng khoán thứ hai có lượng tiền gửi ngân hàng lớn đó là KLS với hơn 1.850 tỷ đồng, trong đó 300 tỷ đang được gửi ngân hàng với kỳ hạn trên 3 tháng và để “đầu tư tài chính ngắn hạn”. KLS đang thực sự “loay hoay” với đống tiền mặt khổng lồ và dường như công ty đang không định hình được mình cần phải làm gì với số tiền này.
Trước đây khi lãi suất cao KLS có thể lãi lớn khi mang tiền gửi ngân hàng, nhưng nay lãi suất 1 năm chỉ ở mức 9% thì lợi nhuận của KLS bị ảnh hưởng mạnh. Lợi nhuận sau thuế quý I/2013 của KLS lãi gần 51 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu khác giảm tới 63%. Có nguồn tiền khổng lồ từ các đợt phát hành trên thị trường chứng khoán, nhưng KLS không nổi trội trong bất cứ mảng nào. Công ty này không nằm trong top 10 môi giới, tiền không cho vay margin nhiều như HSC hay VNDS, cũng không đầu tư vào các công ty như SSI, KLS trước đây “manh nha” đi đầu tư bất động sản nhưng đã bị cổ đông "vùi dập" không thương tiếc và số tiền lớn của KLS chỉ “nằm yên” trong ngân hàng.
CTCK có lượng tiền lớn thứ ba là VPBS (1.300 tỷ, tăng gần 670 tỷ so với đầu năm), do đặc thù là kinh doanh trái phiếu nên số tiền này của VPBS nhiều khả năng là do nhà đầu tư ủy thác mua trái phiếu.
Các công ty khác có lượng tiền lớn là HSC và VND (hơn 600 tỷ), SHS (534 tỷ), BVSC (496 tỷ - trong đó 211 tỷ để dưới dạng đầu tư tài chính ngắn hạn), ORS (436 tỷ), Morgan Standley Hướng Việt (365 tỷ trong đó 365,5 tỷ gửi ngân hàng kỳ hạn trên 3 tháng, để dưới dạng đầu tư tài chính ngắn hạn, trong khi tiền và tương đương tiền của công ty này chỉ 3,3 tỷ đồng), MBS (365 tỷ)…
Nhiều công ty chứng khoán khác có khoản tiền gửi ngân hàng lớn như chứng khoán Hòa Bình (gửi ngân hàng 212 tỷ), chứng khoán Bảo Minh (gửi ngân hàng 100 tỷ)..
CTCK có lượng tiền dưới 10 tỷ đồng. |
Trong khi đó, có nhiều công ty có lượng tiền mặt dưới 10 tỷ là trong đó có Rồng Việt (tiền và tương đương tiền 144 tỷ đồng thì 131 tỷ đồng là tiền của nhà đầu tư), MHBS (tiền và tương đương tiền 73 tỷ thì 67 tỷ là tiền của nhà đầu tư), chứng khoán Phượng Hoàng, Thủ Đô, Hồng Bàng, Đà Nẵng, Trí Việt, Chợ Lớn…
Theo CafeF/TTVN