Thị trường chứng khoán tuần trước diễn biến khá ảm đạm về thanh khoản lẫn chỉ số. VN-Index có 2 phiên tăng điểm và 3 phiên giảm, tương đương mất hơn 16 điểm (1,2%) về dưới mức 1.335 điểm. Tương tự HNX-Index giảm 0,9% về 356,5 điểm, ngược lại sàn UPCoM lại ghi nhận mức tăng nhẹ 0,2% lên gần 96 điểm.
Bối cảnh giảm điểm các chỉ số chính diễn ra từ cuối tháng 8 trong bối cảnh thị trường thế giới biến động và các nhóm cổ phiếu trụ đồng thời kéo tụt chỉ số. Thị trường có xu hướng tích lũy quanh vùng 1.330 - 1.350 điểm trong bối cảnh nhà đầu tư chờ đợi mùa báo cáo kinh doanh quý III.
Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều giao dịch tiêu cực và kết tuần trong sắc đỏ. Lực cản lớn nhất của tuần giao dịch vừa qua là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi có 26/27 mã nhóm này đều giảm giá trừ TPB, trong đó VIB giảm sâu nhất 10,8%.
Các các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng tác động tiêu cực đến chỉ số như cổ phiếu của Vietcombank, Vinhomes, Vinamilk… Ngược lại cổ phiếu của ông lớn ngành thép Hòa Phát và công ty đầu ngành khí PV Gas là lực kéo chính cho chỉ số.
Thanh khoản trung bình một phiên trên sàn HoSE đạt 18.850 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với tuần trước đó. Việc thiếu vắng các thông tin hỗ trợ khiến lượng giao dịch giảm đi đáng kể, thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường giảm 20% xuống còn 20.455 tỷ đồng.
Giao dịch của khối ngoại cũng là điểm trừ của thị trường trong tuần vừa qua. Dòng vốn ngoại mua vào hơn lượng cổ phiếu trị giá 9.891 tỷ đồng, trong khi bán ra khối lượng 10.917 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 24 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 1.027 tỷ đồng.
Diễn biến VN-Index trong tuần 27/9-1/10. Đồ thị: TradingView. |
Sang tuần 4-8/10, Chứng khoán Asean dự báo áp lực bán trong phiên sáng đầu tuần có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.325 – 1.330 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.315 – 1.320 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Chứng khoán MB nhận định với bối cảnh trong và ngoài nước như hiện nay thì khả năng tạo sóng tăng mới là chưa rõ ràng trong khi thị trường có khả năng có thể sẽ tiếp tục nhịp sideway hẹp tích lũy trong khoảng 1.330 - 1.350 điểm.
Chứng khoán Rồng Việt nhận thấy tín hiệu dòng tiền đang suy yếu, có khả năng VN-Index sẽ lùi bước về vùng quanh 1.325 điểm để kiểm tra lại dòng tiền hỗ trợ. Mặc dù tín hiệu chưa mạnh và rõ ràng, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng cho đến khi có tín hiệu hỗ trợ đủ tốt. Tạm thời nên cơ cấu danh mục theo hướng hạ dần tỷ trọng để bảo vệ thành quả.
Chứng khoán Đông Á cũng khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi kết quả kinh doanh quý III để xây dựng danh mục đầu tư trung hạn, chú ý nhóm cổ phiếu thép, vật liệu xây dựng, phân bón, cảng biển… có thể giải ngân mới trong những phiên điều chỉnh của thị trường.
Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam quan sát thị trường không đủ động lực để bứt phá và cũng không thể giảm sâu, VN-Index tiếp tục vận động trong trạng thái đi ngang rất khó đoán. Quan điểm ưu tiên hạn chế giải ngân, chờ thêm sự xác nhận tích cực của dòng tiền trước khi mở vị thế mua trở lại.